ThienNhien.Net – Nói đến di sản ở danh sơn Yên Tử (Quảng Ninh) không thể không nhắc tới những cây xích tùng cổ, khoảng 700 năm tuổi, đã góp phần tạo nên những giá trị văn hóa, tinh thần linh thiêng của nơi được coi là cái nôi của Phật giáo Việt Nam. Tuy nhiên, do “tuổi cao, sức yếu”, trước sự hủy hoại của thiên nhiên, của các loại sâu bệnh và con người, số lượng tùng Yên Tử đang giảm dần; nhiều cây đang chờ chết, trong khi việc nhân giống vô cùng khó. Giải pháp kéo dài tuổi thọ cho tùng Yên Tử đã có và rất khả thi nhưng lại không triển khai được vì… không có kinh phí.
Hầu hết mang “trọng bệnh”
Xích tùng ở Yên Tử là một loài đặc hữu của danh sơn này, mà theo các nhà khoa học và sử học, được trồng vào thời Tam Tổ của Thiền phái Trúc Lâm. Loại cây này có nhiều tên, trong đó thông dụng nhất vẫn là xích tùng, do gỗ và nhựa có màu đỏ.
Số liệu điều tra gần đây nhất (năm 2012), Yên Tử còn 243 cây xích tùng, ít hơn 31 cây so với số liệu điều tra năm 1998. Trong đó, rất ít cây sinh trưởng bình thường; còn lại chủ yếu đang ở trạng thái lão hóa, bị sâu bệnh gây hại nghiêm trọng, đều có nguy cơ gãy đổ và chết.
Tất cả xích tùng đều nằm trên các tuyến hành hương và ở xung quanh các di tích. Xích tùng tập trung với số lượng lớn nhất trên tuyến đường từ Giải Oan lên Hoa Yên, vì thế tuyến đường này còn có tên là đường Tùng. Tuyến đường này có 57 cây, trong đó 6 cây đã chết khô; 18 cây rỗng thân trên 70%; 20 cây bị chết khô thân từ 50 – 70%; 9 cây bị chết khô thân từ 20 – 50%; 4 cây bị bệnh hại ở mức dưới 20% thân chính…
Đó cũng là thực trạng chung của tất cả những cây xích tùng ở Yên Tử hiện nay.
“Đó là những gì tôi nghiên cứu, điều tra năm 2010. Từ đó đến nay thì tôi cũng không rõ vì sau đó tôi chuyển công tác” – Phạm Văn Sự, người có gần 15 năm công tác tại BQL Di tích và rừng quốc gia Yên Tử và là người duy nhất hiện nay nhân được giống xích tùng – cho biết. Theo BQL Di tích và Rừng quốc gia Yên Tử, đến nay, mới chỉ chữa trị được khoảng hơn 10 cây do không có kinh phí.
Ngày 9.4.2015, chúng tôi trở lại đường Tùng cùng Phạm Văn Sự. So với lúc anh Sự nghiên cứu, đã có thêm vài cây chết và “bệnh tình” của các “cụ” tùng ngày thêm nặng. Một số cây chỉ còn lại chút ít lá cuối cùng đang héo rũ – dấu hiệu của sự chết khô toàn thân; vô số cây gốc và thân chính mục rỗng gần hết; có cây vỏ thân bị bong tróc hết, bên trong đầy kiến và mối.
“Chức năng mao dẫn của rễ cây giờ rất kém; các vỏ cây cũng có chức năng dẫn dinh dưỡng nuôi cành lá thì bị sâu bệnh, thời tiết phá hủy. Như vậy, cắt hết nguồn dinh dưỡng, thân lại bị sâu đục, thời tiết tấn công, khó có cây nào có thể tồn tại được” – anh Sự lý giải.
Không thể chậm trễ
BQL Di tích và Rừng quốc gia Yên Tử đã đề xuất các phương pháp xử lý đối với từng loại bệnh cụ thể. Theo đó, cắt những phần đã bị sâu bệnh tấn công và xịt thuốc lưu huỳnh chống nấm, khuẩn và quấn xung quanh bằng ni-lông. Đối với thân bị rỗng, nạo lấy phần gỗ đã bị hoại, dùng lưu huỳnh xông hơi để tiêu diệt các mầm mống nấm hoại sinh và côn trùng gây hại. Xử lý bề mặt trong lòng thân cây bằng thuốc chống nấm, chống thấm nước để hạn chế sự xâm nhập của nước mưa và các thành tố gây hại khác. Xung quanh một số gốc cây cần bổ sung đất, dùng hóa chất điều tiết sự sinh trưởng, kích thích rễ…
Ông Nguyễn Trung Hải – nguyên Trưởng BQL Di tích và Rừng quốc gia Yên Tử – cho biết đã áp dụng những phương pháp trên cho một số cây tùng ở khu vực chùa Một Mái và có hiệu quả tốt. “Tuy nhiên cũng không làm được nhiều vì không có kinh phí. Nếu làm được, có thể kéo dài tuổi thọ của xích tùng thêm vài chục năm, thậm chí cả trăm năm” – ông Hải nói.
“Một cành nhỏ bị chết, bị mọt nếu không cắt đi thì nước mưa sẽ theo đó ngấm vào cành lớn hơn, rồi ngấm vào thân cây. Khi đó cây càng bị mục, mọt và là điều kiện tốt cho các sinh vật khác xâm nhập. Ngay việc đơn giản như vậy lâu rồi cũng không được tiến hành” – một lãnh đạo BQL Di tích và Rừng quốc gia Yên Tử cho biết.
Thực tế, từ nhiều năm qua, BQL Di tích và Rừng quốc gia Yên Tử chỉ còn chức năng bảo vệ không cho con người tác động tiêu cực đến rừng xích tùng, chứ không thể bảo vệ, chăm sóc di sản vô giá trên trước sự tấn công của thiên nhiên và thời gian.
Được biết, các đơn vị liên quan đã có những đề tài, đề án công phu “khám, chữa bệnh” cho các “cụ” tùng, nhưng suốt mấy năm chờ đợi đến nay vẫn chưa được phê duyệt. Vì thế, “bệnh tình” của các “cụ” ngày thêm trầm kha.
Tuy nhiên, trong lúc dài cổ chờ đợi nguồn ngân sách, có lẽ nên sớm tính đến việc xã hội hóa để chăm sóc rừng xích tùng Yên Tử. Từ nhiều năm qua, các nguồn vốn xã hội hóa cho việc nâng cấp, trùng tu các di tích ở Yên Tử lên tới hàng trăm tỉ đồng, thì việc kêu gọi xã hội hóa trong việc cứu xích tùng cổ có cơ sở thành công.
Nhân giống thành công xích tùng Yên Tử Sau nhiều năm tự mày mò nghiên cứu và nhiều lần thất bại, năm 2008, anh Phạm Văn Sự – Phó Chủ tịch UBND phường Trưng Vương, TP.Uông Bí – đã nhân giống thành công giống xích tùng Yên Tử. Hiện, khoảng 200 cây được nhân giống từ hạt đã phát triển tốt, có cây cao khoảng 2m. “Rất khó cho cây tùng nhỏ tái sinh và phát triển thành cây to ngay tại Yên Tử, bởi nếu không bị sâu bọ tấn công thì cũng bị mưa lớn quét sạch do địa hình độ dốc cao” – anh Sự cho biết. Được biết, đến nay chỉ ghi nhận được 4 cây xích tùng tái sinh tự nhiên và phát triển thành cây nhỡ. |