ThienNhien.Net – Khi những cánh rừng ở Tây Nguyên liên tục bị chặt phá một cách không thương tiếc thì ngay tại TP Buôn Ma Thuột, báu vật quý giá này được bao đời người Ê Đê giữ gìn. Đó là câu chuyện có thật của hai buôn Kmrơng Prong A và Kmrơng Prong B thuộc xã Ea Tu, TP Buôn Ma Thuột, Đắc Lắc.
Ông Dê Joi (62 tuổi) trông trẻ hơn cái tuổi quá lục tuần, trước khi để cho khách lạ vào rừng, đã vặn đi hỏi lại rằng người từ đâu đến, vào đó làm gì, có cái gì chứng minh mình không phải là đội quân “sơn lâm thảo khấu” không? Vì đã bao đời nay, cái buôn làng nghèo khó Kmrơng Prong A và Kmrơng Prong B này phải lao tâm khổ tứ lắm mới chống chọi lại được đội quân chặt cây phá rừng luôn rình rập và sẵn sàng ra tay với miệt rừng âm u này. Ông bảo: “Trước đây rừng còn nhiều, cây còn nhiều. Giờ thì đốn sạch hết rồi, không coi sóc thì đám rừng này sẽ mất hút trong nay mai thôi. Khổ lắm, thành phố mà! Toàn bê-tông, cốt thép… cổ thụ thì hiếm mà thảo khấu, lâm tặc thì nhiều”. Có lẽ già Dê Joi cám cảnh thành phố nào ở nước ta cũng vậy, đốn sạch sành sanh để cho những tòa nhà, biệt thự sừng sững vươn lên. Buôn Ma Thuột cũng không ngoại lệ, những cánh rừng cổ thụ gió hú giờ chỉ còn trong ký ức xa xăm…
Ông dẫn tôi ra ngay chính khu rừng cuối buôn Kmrơng Prong B, nơi có nhiều cây cổ thụ lên đến chục người ôm. Rồi ông cố lục lọi trong trí nhớ già nua của mình về miệt rừng này, nhưng cũng chả ai biết chúng có từ khi nào và lớn lên ra sao. Chỉ biết rằng khi sinh ra nó đã như vậy và sừng sững che bóng mát buôn làng. Nghe bảo cây sao xanh của buôn làng chừng 1.000 năm tuổi (sao xanh thuộc nhóm II), gốc 10 người ôm không xuể nhưng vài năm trước đã bị bọn lâm tặc đầu độc đến chết đứng.
Nguyên nhân dẫn đến cái chết của “cụ sao” là bởi giá trị của chính cái cây này, trên địa bàn không dễ gì tìm ra những thớ cây giống thế này nữa. Lâm tặc là người nơi khác đến, chúng gạ gẫm dân làng đổ cây để bán, không ai nghe thế là chúng gạ đổi nhiều trâu bò nhưng cũng thất bại. Ông Dê Joi khóc như một đứa trẻ: “Chúng nó thật tàn nhẫn, không mua được cây còn sống, chúng quay sang hãm hại cho nó chết, rình rập lúc đêm hôm buôn làng sơ hở, lẻn vào lột sạch vỏ ở phần gốc. Cây cối mà không có vỏ thì làm sao mà sống được, thế là chết. Bây giờ mới lộ nguyên hình là những kẻ phá phách, vào buôn đòi mua bằng được cái cây sao chết đứng kia”.
Nhưng tất cả dân làng đều không đồng ý bán cái cây bị hại chết đứng kia với bất kỳ giá nào. Vì đó là biểu tượng của buôn làng nói riêng và biểu tượng hiên ngang của người Ê Đê ở đây nói chung. Nó vẫn đứng sừng sững và chọc thẳng lên trời xanh như một lời thách thức với đám lâm tặc rằng cho dù bị “nhân ương” hãm hại nhưng vẫn đứng thẳng trong gió mưa chứ không chịu đổ gục. Cũng là lời thách thức của buôn làng đến những kẻ dám cả gan vào rừng chọc tiết: cây chết còn không bán, huống gì cây còn sống sờ sờ kia thì đám phá rừng làm gì có cơ hội mua bán đổi chác.
Già Joi phân tích: “Phải giữ lại cái cây đó chú à. Để con cháu sau này biết rừng già chính là tổ tiên, ông cha của mình. Cây sao xanh chết đứng kia là chứng cứ để tố cáo bọn phá rừng, con trẻ nhìn vào đó mà bảo vệ, chống chọi lại với những ai động đến tổ tiên mình”.
Theo tiếng Ê Đê, Kmrơng Prong là rừng già, một khi ai đã phá hoại thì nhận được một sự trừng phạt hết sức nặng nề. Đốn một cây gỗ sẽ phải tạ tội với rừng xanh bằng một con trâu lớn, nếu người ở buôn thì sẽ đuổi ra khỏi buôn, người nơi khác đến sẽ cấm cửa vĩnh viễn không cho vào buôn nữa. Từ xa xưa khi lập buôn, người Ê Đê thường lập đàn cúng thần rừng, thần nước để xin các đấng linh thiêng bảo vệ che chở cho mọi người.
Buôn làng đề ra quy định hẳn hoi để bảo vệ rừng: mọi người không được mang lửa, củi đang cháy dở vào rừng, đi rừng không được hút thuốc, phải dạy con cháu bảo vệ rừng, không được chặt phá, chỉ lấy những phần gỗ đã bị khô mục về làm củi đun, không đóng đinh, cọc vào cây… những ai vi phạm đều bị xử lý tại buôn làng hay nặng hơn thì trình lên chính quyền để xử lý theo pháp luật. Cánh rừng như hòn ngọc xanh bao đời che chở cho buôn làng, cả trăm nghìn năm nay những người dân Ê Đê vẫn xem nó như báu vật mà tạo hóa đã ban tặng. Và, họ quyết tâm bảo vệ để rừng già không còn là ký ức.