ThienNhien.Net – 5 năm sau khi Chính phủ phê duyệt chương trình phát triển vật liệu xây dựng(VLXD) không nung để thay thế dần VLXD bằng đất sét truyền thống nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường và tiết kiệm nguồn đất bị mất do sản xuất VLXD, đến nay sự phát triển của thị trường vật liệu xanh tại Đồng Nai vẫn khá ì ạch.
Mặc dù có nhiều điểm mạnh so với vật liệu truyền thống như: bảo vệ môi trường; cách âm, cách nhiệt, chống cháy; thi công nhanh, nhưng thực tế trên thị trường sản phẩm này còn lép vế nhiều so với các loại vật liệu truyền thống.
Ít công trình sử dụng
Theo các cửa hàng bán VLXD ở TP Biên Hòa thì sản phẩm vật liệu không nung hiện nay bán chạy nhất là thạch cao để làm trần nhà, còn các sản phẩm khác, như: gạch block, gạch bê tông nhẹ rất khó bán. Chị Nguyễn Thị Yến, nhân viên bán hàng tại cửa hàng VLXD Minh Khôi, phường Long Bình cho biết, rất ít người hỏi mua các loại gạch block và gạch bê tông nhẹ. Theo chị Yến, nguyên nhân khiến loại vật liệu này ít người quan tâm là còn lạ và giá 2 loại gạch này cao hơn gạch đỏ (gạch đất sét nung). Cụ thể, một viên gạch ống 4 lỗ loại gạch đỏ chỉ có giá 800-1.000 đồng, trong khi đó viên gạch cùng loại không nung, ép bằng xi măng và cát lên đến 1.400 đồng. Loại gạch này hiện cũng chỉ được bán ở vài điểm kinh doanh VLXD tại TP Biên Hòa.
Một số nhà thầu xây dựng cũng cho biết, rất ít công trình xây dựng dân dụng được sử dụng gạch không nung để xây nhà. Ông Nguyễn Văn Nghĩa, Giám đốc Cty thiết kế – tư vấn – xây dựng Tân Minh Thành (phường Trảng Dài, TP Biên Hòa) cho biết hơn 10 năm nay DN của ông thi công các công trình nhà ở dân dụng nhưng chưa có công trình nào sử dụng gạch bê tông nhẹ xây tường, kể cả các biệt thự. Riêng gạch block bê tông cốt liệu thì chủ yếu là nhà xưởng và tường rào của các công ty.
Để VLXD không nung cạnh tranh được ở ngoài thị trường thì các nhà sản xuất phải hạ được giá thành ngang với vật liệu truyền thống. |
Phó giám đốc Sở Xây dựng Đồng Nai Nguyễn Thanh Lâm cũng thừa nhận, việc sử dụng loại VLXD không nung trong xây dựng hiện nay trong tỉnh còn hạn chế, các công trình có sử dụng vật liệu không nungmới tập trung ở các công trình vốn ngân sách. Điển hình là công trình Bệnh viện đa khoa Đồng Nai mới, Văn phòng Sở Xây dựng và một số công trình khác. Ông Lâm cho hay, theo quy định các công trình xây dựng sử dụng vốn ngân sách từ năm 2014 trở đi, đặc biệt là xây dựng trường học, bệnh viện sẽ phải sử dụng tối thiểu 30% loại vật liệu không nung để xây dựng.
Cạnh tranh yếu vì giá
Ông Lâm cho rằng, để loại vật liệu này phát triển tốt hơn trong thời gian tới cần phải có sự hỗ trợ tích cực hơn từ phía cơ quan quản lý Nhà nước, cụ thể như tạo điều kiện về mặt bằng cho các nhà sản xuất, nguồn vốn ưu đãi. “Để VLXD không nung cạnh tranh được ở ngoài thị trường thì các nhà sản xuất phải làm sao hạ được giá thành ngang với vật liệu truyền thống, đa dạng các sản phẩm tốt hơn nữa cho người tiêu dùng lựa chọn” – ông Lâm trăn trở.
Theo phân tích của ông Trần Đăng Quang – Trưởng bộ phận kỹ thuật của Cty cổ phần Vương Hải, chuyên sản xuất gạch bê tông nhẹ (tại huyện Vĩnh Cửu), nếu chỉ so sánh vật tư cho 1m2 tường giữa gạch tuynel và gạch bê tông nhẹ của Cty sản xuất (V-Block) thì giá của gạch tuynel rẻ hơn, chỉ mất 90 ngàn đồng, trong khi đó giá V-block tới 145 ngàn đồng. Nhưng khi tính tổng thể hoàn thiện 1m2 tường thì gạch V-block lại rẻ hơn, chỉ mất 260 ngàn đồng nhờ giảm nhân công và các phụ liệu khác, còn xây bằng gạch tuynel lên đến gần 270 ngàn đồng.
Trong một hội thảo mới đây về sử dụng VLXD không nung do Sở Xây dựng Đồng Nai tổ chức, ông Trần Bá Việt – Phó viện trưởng Viện Khoa học công nghệ xây dựng (Bộ Xây dựng) đã chỉ ra một số điểm khiến cho loại vật liệu này chưa phát triển mạnh được ngoài thị trường. Thứ nhất, do thói quen dùng vật liệu nung đã ăn sâu vào tiềm thức mọi người; thứ hai, kỹ thuật xây dựng 2 loại vật liệu cũng khác nhau, người thợ không thể sử dụng phương pháp cũ để xây loại vật liệu mới; thứ ba, phải sử dụng dụng cụ xây dựng và các nguyên phụ liệu đồng bộ đi kèm với vật liệu không nung để thi công mới đảm bảo công trình; thứ tư, giá sản phẩm còn cao. Chính những điểm này khiến cho các công trình dân dụng ngại chọn thi công bằng vật liệu mới.