ThienNhien.Net – Dự án Cải tạo cảnh quan và phát triển đô thị ven sông Đồng Nai do Công ty cổ phần Đầu tư – Kiến trúc – Xây dựng Toàn Thịnh Phát làm chủ đầu tư nhiều khả năng sẽ bị hủy bỏ. Vậy số vốn nhà đầu tư bỏ ra sẽ được tính toán thế nào?
Tháng 9/2014, Dự án được khởi công. Nhà đầu tư mau chóng tiến hành công việc, hàng vạn khối đất đá đã được đổ để lấp sông. Sau 6 tháng thực hiện, hiện diện tích sông được lấp đạt xấp xỉ 90% theo thiết kế. Đường nội bộ bên trong đất nền Dự án cũng đang dần lộ diện với đá dăm được trải thảm lên trên.
Tuy nhiên, Dự án không nhận được sự đồng thuận của dư luận, do các lo ngại về nguy cơ ô nhiễm môi trường nước, ảnh hưởng đến dòng chảy. Mới đây, Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải đã giao Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Xây dựng, Giao thông – Vận tải, UBND tỉnh Đồng Nai và các cơ quan liên quan kiểm tra việc thực hiện, cũng như đánh giá tác động của Dự án, xử lý theo thẩm quyền và quy định của pháp luật hiện hành.
Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đã có văn bản gửi UBND tỉnh Đồng Nai, nêu rõ việc thực hiện Dự án cần tham vấn ý kiến của Ủy ban Bảo vệ môi trường lưu vực sông Đồng Nai, đặc biệt là ý kiến của các địa phương thuộc vùng hạ lưu. Trước đó, tại cuộc họp của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Thứ trưởng Nguyễn Thái Lai cũng khẳng định, Dự án dứt khoát phải theo quy định của Luật Tài nguyên nước.
Hiện UBND tỉnh Đồng Nai đã ra văn bản tạm ngừng thi công Dự án và nhiều khả năng Dự án sẽ bị hủy bỏ. Câu hỏi đặt ra là, nhà đầu tư sẽ được đền bù như thế nào về phần tiền đã bỏ vào Dự án?
LS. Nguyễn Duy Nguyên, Phó tổng giám đốc Công ty Luật Hoàng Giao và Cộng sự cho rằng, Đồng Nai đã cấp phép cho nhà đầu tư, nếu rút giấy phép, thì phải đền bù, dù đây có thể xem là trường hợp bất khả kháng.
“Năm ngoái, tỉnh Thừa Thiên Huế đã phải đền bù theo yêu cầu của nhà đầu tư khi hủy bỏ Dự án Khu du lịch nghỉ dưỡng World Shine – Huế (Công ty cổ phần Thế Diệu làm chủ đầu tư) do lo ngại ảnh hưởng tới an ninh, quốc phòng. Còn tại Hà Nội, cách đây 5 năm, do lo ngại sẽ ảnh hưởng tới ‘lá phổi’ của Thành phố, Dự án Xây dựng Khách sạn SAS Royal trên khu đất Công viên Thống Nhất đã bị hủy bỏ và Thành phố phải đền bù 2 lô đất ở Mỹ Đình cho nhà đầu tư”, LS. Nguyên lấy ví dụ.
Để rút kinh nghiệm, LS. Nguyên cho rằng, những dự án như vậy trước khi cấp phép, cần phải có sự thẩm định của các bộ chức năng, đặc biệt là các địa phương trên lưu vực sông.
Tuy nhiên, LS. Nguyễn Thanh Hải, Trưởng văn phòng luật Trí Tín lại cho rằng, theo Luật Đầu tư 2014, cơ quan cấp phép không phải đền bù cho nhà đầu tư trong trường hợp này. Cụ thể, Điều 47 và 48 Luật Đầu tư 2014 quy định, cơ quan quản lý tạm dừng dự án trong các trường hợp: bảo vệ di tích, di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia theo quy định của Luật Di sản văn hóa; khắc phục vi phạm môi trường theo đề nghị của cơ quan nhà nước quản lý về môi trường; thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn lao động theo đề nghị của cơ quan nhà nước quản lý về lao động…
Trên đây chỉ là những tình huống pháp lý để tham khảo, còn thực tế thế nào phải chờ quyết định của tỉnh Đồng Nai. Đây cũng là bài học cho nhà đầu tư khi thực hiện dự án phải có hiểu biết đa ngành, đa lĩnh vực và lường trước được rủi ro, nhất là với các dự án nhạy cảm về môi trường.