Giữa lúc an ninh nguồn nước đang trở thành một thách thức phi truyền thống, Diễn đàn Nước Thế giới (WWF) lần thứ 7 với chủ đề “Nước cho tương lai chúng ta” đã khai mạc tại Daegu (Hàn Quốc) hôm 12/4 là cơ hội để các đại biểu thảo luận sâu rộng về các khía cạnh chính trị cũng như công nghệ liên quan đến vấn đề nước của thế giới.
Với tình trạng ô nhiễm ngày một nghiêm trọng và dân số gia tăng nhanh, nước sạch được dự báo sẽ sớm trở thành một thứ tài nguyên quý giá không kém dầu mỏ. Theo ước tính của Liên Hợp quốc, tới năm 2025 trên thế giới sẽ có khoảng 1,8 tỷ người lâm vào tình trạng thiếu nước nghiêm trọng và 2/3 dân số thế giới phải sống trong điều kiện thiếu nước dùng.
Điều đáng nói là nếu như dầu mỏ có thể thay thế bằng các loại nhiên liệu khác như điện, nhiên liệu sinh học… thì nước là tài nguyên không thể thay thế. Vì thế, trong 6 ngày diễn ra, khoảng 1.800 nhà lãnh đạo chính trị, doanh nhân và các nhà hoạt động trên khắp thế giới với tham vọng đảm bảo an ninh nguồn nước cho tương lai sẽ tập trung tìm kiếm cách thức đối phó với tình trạng thiếu nước tại nhiều nơi trên thế giới cũng như các vấn đề khác liên quan đến việc khan hiếm nước.
Phát biểu tại lễ khai mạc WWF, Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye cho rằng, thiếu nước đang trở thành một vấn đề chung của thế giới, đòi hỏi nỗ lực của tất cả các quốc gia, cả phát triển và đang phát triển. Theo thống kê, lưu vực những con sông chung (chảy qua ít nhất 2 quốc gia) chiếm tới 45% bề mặt đất liền của trái đất, và cung cấp nước cho 40% dân số toàn cầu, đồng thời chiếm 60% lượng nước sông toàn cầu. Những con sông chung thường xuyên tạo ra bất đồng giữa các quốc gia cùng chia sẻ vì mâu thuẫn trong lợi ích và dẫn tới nhiều cuộc xung đột, tranh chấp liên quan đến nước, nhất là ở các khu vực có khí hậu khắc nghiệt như Trung Đông, Bắc Phi hay Đông Nam Á.
Bày tỏ hy vọng diễn đàn sẽ góp phần thúc đẩy hòa bình toàn cầu bằng cách đưa ra các giải pháp cho những cuộc xung đột liên quan đến nước, Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye nhấn mạnh, các quốc gia cần phải tiến tới một kỷ nguyên hòa bình và hợp tác bằng cách giải quyết các xung đột liên quan tới nước và biến những thách thức thành cơ hội tăng trưởng kinh tế. Trên thực tế, cung cấp nước – loại tài nguyên mọi người đều cần và ngày càng cần hơn đang trở thành ngành kinh doanh béo bở mang về hơn 400 tỷ USD/năm. Thậm chí nhiều nhà kinh tế nhìn xa trông rộng còn cho rằng, đã đến lúc quên đi OPEC và dầu mỏ vì đã đến kỷ nguyên của nước và tổ chức các nước xuất khẩu loại “vàng xanh” này.
Những dự án xây dựng các đường ống dẫn nước khổng lồ đã được triển khai để dẫn nước từ Thổ Nhĩ Kỳ sang Trung Âu và các thị trường ở CH Síp, Hy Lạp hay Ai Cập…, trong khi Anh và Scotland đã đạt được thỏa thuận tương tự từ năm 2004. Riêng tại bán đảo Triều Tiên, Tổng thống Park Geun-hye cho rằng, căng thẳng liên Triều cũng có thể được giải quyết thông qua việc hợp tác sử dụng các con sông chảy qua cả hai miền. Hiện Hàn Quốc đang có kế hoạch thiết lập kênh đối thoại để hai bên có thể cùng quản lý các con sông chung.
Dù những căng thẳng liên quan đến nước này chưa dẫn đến tình trạng chiến tranh vì tài nguyên này thiết yếu đến mức khó có thể chiếm đoạt bằng chiến tranh mà phải chia sẻ bằng hợp tác. Tuy nhiên, các đại biểu tham gia WWF cho rằng, nếu không thay đổi mạnh mẽ cách thức sử dụng, quản lý và chia sẻ nguồn nước, thế giới sẽ rơi vào một cuộc khủng hoảng nước và thổi bùng nguy cơ xảy ra một cuộc chiến toàn cầu về nước.