ThienNhien.Net – Thực tiễn đã xảy ra không ít trường hợp người được giao quản lý tài sản thuộc sở hữu chung của xã hội lại quên việc đảm bảo quyền thẩm định, giám sát của chủ sở hữu tài sản đích thực, chính là người dân. Cụ thể, như việc chặt hạ, thay thế cây xanh ở Hà Nội, hay việc cho phép doanh nghiệp tư nhân lấp sông Đồng Nai để kinh doanh bất động sản. Đó là những trường hợp cơ quan có trách nhiệm đã không tham khảo ý kiến của người dân.
Hiến pháp hiện hành quy định:”Đất đai, tài nguyên nước, tài nguyên khoáng sản, nguồn lợi ở vùng biển, vùng trời, tài nguyên thiên nhiên khác và các tài sản do Nhà nước đầu tư, quản lý là tài sản công thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và quản lý”. Dự thảo mới nhất của Bộ luật Dân sự (sửa đổi) cũng quy định chế độ sở hữu toàn dân với nội dung như trong Hiến pháp. Cũng theo dự luật, Nhà nước sẽ đại diện thực hiện quyền của chủ sở hữu đối với tài sản thuộc sở hữu toàn dân. Khi tài sản toàn dân được đầu tư vào doanh nghiệp nhà nước thì Nhà nước thực hiện quyền của chủ sở hữu đối với tài sản đó. Còn khi tài sản toàn dân được giao cho các tổ chức chính trị – xã hội, cơ quan nhà nước, đơn vị vũ trang thì các cơ quan, đơn vị này có quyền quản lý, sử dụng. Trong trường hợp luật định, được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép thì tổ chức, cá nhân được sử dụng đất, khai thác nguồn lợi thủy sản và tài nguyên khác thuộc sở hữu toàn dân.
Như vậy, người dân không thể trực tiếp được thực hiện mọi hành vi theo ý chí của mình đối với tài sản sở hữu toàn dân mà phải thông qua trung gian là cơ quan Nhà nước. Đó chính là sự ủy quyền của nhân dân đối với Nhà nước thực hiện quyền sở hữu của mình. Để thực hiện nghiêm túc, đúng ý chí thực sự của người chủ sở hữu – người dân – cần phải có hệ thống kiểm tra, giám sát chặt chẽ, dân chủ và hiệu quả. Nếu không thiết lập được hệ thống này sẽ dễ dẫn tới việc lạm quyền và xa rời nguyện vọng của dân. Tham nhũng, lãng phí, thậm chí tư nhân hóa tài sản công một cách bất cập cũng sẽ trở thành nguy cơ trầm trọng nếu sau việc ủy quyền đại diện chủ sở hữu lại thiếu sự bảo đảm cơ chế giám sát, kiểm soát hiệu quả của người dân. Chính vì vậy, việc thực hiện quyền sở hữu nhiều loại tài sản quốc gia luôn cần phải gắn liền với trách nhiệm giải trình như thế nào và ai giám sát việc thực thi quyền sở hữu đó?
Nhà nước là đại diện của chủ sở hữu toàn dân, tuy nhiên trong thực tế nhà nước là một hệ thống tổ chức có rất nhiều thiết chế, nhiều cơ quan với các cấp quản lý khác nhau. Thực tiễn cho thấy trong mắt của người dân, dường như không ít chủ tịch xã có những ảnh hưởng lớn đến việc thực thi quyền định đoạt đất đai thuộc sở hữu chung ở trên địa bàn. Những vụ án, vụ việc tiêu cực xảy ra đã minh chứng hiện tượng không ít người trong cơ quan có trách nhiệm có thể nhân danh người nhà nước nhằm định đoạt số phận tài sản, quyền tài sản chung (của toàn dân) một cách “vô tư”. Điều này có thể thấy trong vụ chặt cây xanh ở Hà Nội. Nếu xem xét ở khía cạnh sở hữu, thì những cây xanh bị chặt ở Hà Nội thuộc sở hữu toàn dân. Người dân là chủ sở hữu thì họ có quyền bảo vệ tài sản của mình chưa nói đến các quyền khác liên quan tới môi trường sống.
Việc quản lý tài sản sở hữu chung của xã hội luôn cần phải gắn liền với yêu cầu hết sức quan trọng là ngăn chặn các khe hở để phòng chống cá nhân và nhóm lợi ích có thể lợi dụng biến của công thành của tư một cách dễ dàng. Do vậy, cần luật hóa cơ chế minh bạch thông tin liên quan tới tài sản thuộc về sở hữu chung của xã hội để người chủ đích thực là nhân dân có thể giám sát, kiểm tra việc quản lý, sử dụng của cá nhân và tổ chức được ủy quyền đại diện cho chủ sở hữu một cách dễ dàng, thuận lợi. Vấn đề cốt lõi là người chủ sở hữu đích thực chính là nhân dân phải có quyền quyết định ai sẽ là người đại diện đáng tin cậy cho họ. Những người được tin cậy được xác định bằng lá phiếu tín nhiệm định kỳ một cách công khai, minh bạch qua việc phát huy quyền làm chủ trực tiếp của nhân dân.