ThienNhien.Net – Đã qua 4 ngày các cơ quan chức năng nỗ lực tìm kiếm, thiết bị phóng xạ của Chi nhánh Cty CP thép Pomina 3 (Pomina 3) bị thất lạc vẫn chưa được tìm thấy. Một thiết bị có nguồn phóng xạ quan trọng và nguy hiểm, song công tác quản lý, bảo quản lại rất lỏng lẻo. Hiện nay, việc cung cấp thông tin từ những người có liên quan về thời gian, vị trí mất thiết bị cũng còn nhiều mâu thuẫn, khiến công tác tìm kiếm càng khó khăn.
Mâu thuẫn về thời gian mất thiết bị
Ông Mai Thanh Quang – GĐ Sở KHCN tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu khẳng định, ngày 1.4, Sở KHCN mới nhận được đơn trình báo của Nhà máy luyện phôi thép – Chi nhánh Cty CP thép Pomina 3 (Pomina 3) về việc thất lạc nguồn phóng xạ. Theo đơn trình báo, ngày mất nguồn phóng xạ được Pomina 3 xác định là ngày 25.3.
Cụ thể theo đại diện của Pomina 3, ngày 25.3, ông Đào Đức Hùng (nhân viên phụ trách an toàn bức xạ đang trong quá trình thôi việc) và ông Nguyễn Văn Út (nhân viên thay thế) tiến hành bàn giao công việc. Sau khi bàn giao hồ sơ, ông Út phát hiện mất một nguồn phóng xạ Co-60, hoạt độ 1,58×10 4 TBq, trên dây chuyền sản xuất (lò đúc thứ ba trong số năm lò đúc). Ông Hùng không giải trình được việc thất lạc này, Pomina 3 đã thông báo và tìm kiếm nguồn phóng xạ bị thất lạc trong toàn nhà máy nhưng chưa tìm thấy.
Việc trình bày của Pomina 3 cho thấy, có nhiều mâu thuẫn với lời khai của ông Hùng khi làm việc với cơ quan điều tra cũng như trao đổi trực tiếp với PV Lao Động vào tối 8.4. Ông Hùng cho rằng, đã phát hiện mất nguồn phóng xạ từ 17.11.2014, ông đã báo với lãnh đạo nhà máy ngay khi phát hiện thất lạc, nhưng mãi đến ngày 25.3, thông tin về nguồn phóng xạ bị mất mới được Cty công khai.
“Lãnh đạo nhà máy có bảo tôi đi tìm nguồn phóng xạ bị mất nhưng một mình tôi không thể tìm được. Sau tết âm lịch, tôi xin nghỉ việc vì sức khỏe giảm sút do khói bụi. Trước khi có quyết định nghỉ việc, tôi có nói nếu công ty không báo việc mất thiết bị phóng xạ đến cơ quan công an thì tôi sẽ báo. Sau đó, ngày 1.4, tôi nghỉ việc và ngày 2.4 tôi nhận được thông báo làm việc với công an” – anh Hùng cho biết.
Trao đổi với báo chí về lời khai của anh Hùng về thời gian, vị trí mất thiết bị có nguồn phóng xạ cũng như đã báo cáo với nhà máy từ 11.2014, đại diện Pomina 3 vẫn cho rằng: “Lời khai của ông Hùng không chính xác”(?!).
Hiện cơ quan điều tra đang làm việc với những cá nhân, đơn vị liên quan để làm rõ các thông tin để xác định nguyên nhân và sớm tìm ra thiết bị có nguồn phóng xạ bị thất lạc.
Nguồn phóng xạ bị bỏ lăn lóc
Theo tường trình của anh Hùng, thì tháng 9.2014, tại một lò đổ thép xảy ra sự cố thép nóng lỏng tràn ra bên ngoài và rơi xuống nguồn phóng xạ làm thiết bị này bị ảnh hưởng phải tháo dỡ ra. Anh Hùng phải đi mượn thiết bị đo phóng xạ của đơn vị khác về để đo và phát hiện bức xạ cao hơn mức cho phép gấp nhiều lần. Do nhà máy không có kho chứa riêng nên thiết bị được để tạm vào kho chứa hàng hóa vật tư của nhà máy. Từ khi để thiết bị này vào kho vật tư, công nhân không dám vào kho để lấy hàng vì sợ bị nhiễm phóng xạ, theo chỉ đạo của lãnh đạo nhà máy, anh Hùng di dời nguồn phóng xạ ra khỏi kho vật liệu và để bên ngoài kho (vị trí này đang được Cơ quan điều tra làm rõ- PV). Sau đó, sáng 17.11.2014, anh Hùng phát hiện nguồn phóng xạ biến mất.
Qua sự việc trên cho thấy, công tác quản lý, bảo quản nguồn phóng xạ tại Pomina 3 vừa qua rất hời hợt. Tuy nguồn phóng xạ rất quan trọng và ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của công nhân nếu các sự cố xảy ra, song Pomina 3 lại thiếu kho chứa đủ tiêu chuẩn để cất, bảo quản, thay vào đó việc quản lý, bảo nguồn phóng xạ tại đây được xem chẳng khác nào món đồ chơi của trẻ em bỏ lăn lóc. Đến khi sự việc xảy ra, việc cung cấp thông tin cho các cơ quan chức năng cũng còn nhiều điều mập mờ, mâu thuẫn, khiến việc tìm kiếm càng khó khăn. “Nếu nhà máy có kho chứa đủ tiêu chuẩn để chứa nguồn phóng xạ, quản lý chặt chẽ thì đã không xảy ra chuyện thất lạc này” – một cán bộ trong đoàn liên ngành tìm kiếm nguồn phóng xạ thất lạc cho biết.
Ngày 9.4, CA tỉnh BRVT tiếp tục làm việc với những người liên quan vụ mất nguồn phóng xạ tại nhà máy luyện thép Pomina 3. Báo cáo ban đầu của CA tỉnh BRVT cho biết, cơ quan điều tra xác định một số nhân viên và lãnh đạo nhà máy đã thiếu trách nhiệm dẫn đến việc mất thiết bị này. Có dấu hiệu của tội chiếm đoạt chất phóng xạ và tội vi phạm quy định về quản lý chất phóng xạ. Qua điều tra ban đầu, xác định nguồn phóng xạ nhiều khả năng bị mất khoảng tháng 11.2014.
Phía Cty Pomina 3 cho rằng, thiết bị phóng xạ bị mất từ tháng 11.2014 là không đúng, vì tháng 12.2014 Sở KHCN tỉnh kiểm tra định kỳ, biên bản thể hiện thiết bị này vẫn còn. Ngày 9.4, đại tá Bùi Văn Thảo – PGĐ CA tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cho biết, hồ sơ của Sở KHCN cho thấy đoàn kiểm tra có kiểm tra định kỳ các thiết bị phóng xạ tại nhà máy Pomina 3 vào tháng 12.2014. Biên bản thể hiện vẫn còn nguyên vẹn các thiết bị dây chuyền, nhưng chỉ là trên hồ sơ sổ sách. Đoàn không kiểm tra thực tế nơi hoạt động của các thiết bị phóng xạ – ông Thảo nói.
Cơ quan chức năng Việt Nam sẽ tìm mọi biện pháp để tìm kiếm nguồn phóng xạ thất lạcTại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao Việt Nam chiều 9.4, người phát ngôn Lê Hải Bình khẳng định: “Việc đảm bảo an toàn cho người dân luôn là mục tiêu cao nhất. Các cơ quan chức năng của Việt Nam sẽ tìm mọi biện pháp phù hợp với luật pháp Việt Nam để tìm kiếm nguồn phóng xạ bị thất lạc”.
Phương Thúy Cục trưởng Cục An toàn bức xạ và hạt nhân – Pgs.Ts Vương Hữu Tấn: Sẽ bắt buộc gắn chíp cho các thiết bị bức xạ lớn So với sự cố mất nguồn phóng xạ tại TPHCM vào tháng 9.2014 thì nguồn phóng xạ bị mất tại Cty thép Pomina (có trụ sở tại Bà Rịa – Vũng Tàu) có mức độ nguy hiểm nhỏ hơn (chỉ vài mili Curi). Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là có thể chủ quan, không nguy hiểm. Theo đánh giá của chúng tôi, nếu nguồn phóng xạ vẫn được bảo quản trong bình thì không đáng ngại, nhưng nếu do tác dụng ngoại lực bị phá huỷ, hoặc bị đưa vào các cơ sở chế biến phế liệu thì khá nguy hiểm. Ngày 9.4, tôi vừa ký dự thảo thông tư 23 để Bộ trưởng Bộ KHCN ban hành, trong đó yêu cầu siết chặt việc giám sát các nguồn bức xạ. Cụ thể là trước đây không bắt buộc, nhưng tới đây sẽ buộc các cơ sở sản xuất sử dụng thiết bị phóng xạ có hoạt độ lớn phải gắn chíp để kiểm soát. Chíp này sẽ được nối mạng cùng lúc tới 3 nơi là Cục An toàn bức xạ, sở KHCN tỉnh/thành phố và chủ cơ sở sản xuất. Như vậy, mọi hành vi liên quan đến an toàn bức xạ như di chuyển, tháo lắp, đều được thông báo về các cơ quan quản lý, từ đó việc giám sát sẽ được đảm bảo, tránh xảy ra các sự cố như mất nguồn phóng xạ khó kiểm soát. Hồng Quân |