ThienNhien.Net – Thời gian gần đây đã xuất hiện tình trạng nhiều doanh nghiệp thu mua chế biến xuất khẩu hạt điều của Việt Nam bị hủy hợp đồng. Trong khi đó, một số doanh nghiệp “ngoại” đã nhảy vào đầu cơ, thu gom nguyên liệu với giá cao, thậm chí tổ chức thu mua ngay tại cửa rừng rồi phân phối lại cho chính doanh nghiệp Việt… Những dấu hiệu trên cảnh báo sự khốc liệt của thị trường hạt điều trong thời gian tới.
Nỗi lo nguồn cung
Quý I-2015 được đánh giá là thời điểm thành công của ngành điều Việt Nam với sản lượng đạt gần 60 nghìn tấn (tăng 37,2%), kim ngạch xuất khẩu đạt gần 410 triệu USD (tăng 13,42%) so với cùng kỳ. Đến nay, sản phẩm của ngành điều Việt Nam đã có mặt tại hầu hết các thị trường tiềm năng trên thế giới. Tuy nhiên, các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu điều Việt Nam vẫn bất an bởi nhiều tín hiệu xấu ở các thị trường. Điển hình, do đồng euro mất giá khiến thị trường Châu Âu (chiếm 1/4 thị phần) tiêu thụ yếu hơn so với cùng kỳ. Chưa hết, theo ông Tạ Quang Huyên, Giám đốc Công ty TNHH Hoàng Sơn I, năm nay sản lượng tại Bờ Biển Ngà sẽ giảm khoảng 100 nghìn tấn.
Theo ông Huyên, năm nay hạt điều của Việt Nam cũng như của Châu Phi hạt to nên khả năng mất mùa sẽ rất cao, bởi hạt to thường cho năng suất cả cây sẽ thấp hơn so với hạt nhỏ. Cùng với đó, thời tiết năm 2015 cũng rất khắc nghiệt, dẫn đến sản lượng điều sẽ không cao, chất lượng không bảo đảm. Chính bởi vậy nên thời gian gần đây, các hợp đồng nhập khẩu hạt điều Việt Nam bị hủy rất nhiều. Trong đó Công ty Hoàng Sơn I cũng bị hủy hợp đồng đến gần 4.000 tấn và đối tác đề nghị trả lại tiền đặt cọc. Đây không phải chỉ mình các doanh nghiệp Việt Nam bị hủy mà nhiều công ty ở những quốc gia khác cũng gặp phải hoàn cảnh tương tự.
Ông Nguyễn Đức Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Điều Việt Nam (VINACAS) cho biết, các cơ sở chế tạo máy móc phục vụ thu hoạch điều đang sản xuất không kịp so với nhu cầu lớn của bà con nông dân trồng điều. Với tình hình đó thì doanh nghiệp chỉ chế biến được khoảng 1,3 triệu tấn như năm 2014 chứ không thể nâng công suất lên được.
Từ nay đến 30-6-2015, VINACAS phát động cuộc thi vẽ tranh, thi ảnh, thi viết về chủ đề “Giá trị điều Việt Nam”, nhằm đánh giá và tôn vinh những giá trị đối với cuộc sống con người của hạt điều, quảng bá hình ảnh đất nước và ngành điều, giữ gìn và phát huy các giá trị điều Việt Nam và hướng tới kỷ niệm 25 ngày thành lập Hiệp hội Điều Việt Nam. |
Tỉnh táo trước “thị trường ảo”
Theo VINACAS, nguồn cung trong nước chỉ đáp ứng khoảng 40%, còn lại doanh nghiệp phải nhập từ nước ngoài về chế biến. Thế nhưng ông Nguyễn Đức Thanh cho biết, gần đây các tập đoàn lớn về sản xuất điều trên thế giới và các công ty thương mại đang có hiện tượng làm giá, “đầu cơ” nguồn cung, bỏ tiền ra mua điều Châu Phi. Thậm chí họ thu mua điều ngay tại cửa rừng, để rồi phân phối lại cho các thị trường khác, trong đó có chính thị trường Việt Nam.
Điều đáng nói, tổng kim ngạch xuất khẩu của tất cả các doanh nghiệp Việt Nam chỉ đạt hơn 2 tỷ USD/năm, chỉ bằng 1/3 một tập đoàn nước ngoài. Chính bởi nhỏ lẻ, không “mạnh” về tài chính nên doanh nghiệp Việt Nam không đủ tiềm lực để “giành giật” nguồn cung với doanh nghiệp “ngoại”. Tuy nhiên ông Phạm Văn Công, Phó Chủ tịch VINACAS cho rằng, việc mua nguyên liệu “đầu cơ” gần đây chỉ là “chiêu” của các tập đoàn lớn nhằm tạo ra thị trường ảo. Mặt khác, hiện tại các nhà cung cấp nguyên liệu đang yêu cầu các doanh nghiệp nhập khẩu Việt Nam phải ký quỹ từ 25% đến 30% giá trị đơn hàng, đề phòng người mua “xù” và bù lỗ cho thời gian qua nhập hàng khi giá điều tăng, bởi các chuyên gia của họ tiên đoán cho rằng giá điều năm nay không tăng và chỉ 2 tháng nữa điều sẽ rớt giá. Thế nên các doanh nghiệp Việt Nam cần tỉnh táo và liên kết với nhau để không xảy ra tình trạng tranh mua tranh bán dẫn đến một cuộc cạnh tranh “khốc liệt” giữa “người nhà” với nhau.
Liên quan hiện tượng nhiều doanh nghiệp bị hủy hợp đồng, ông Nguyễn Đức Thanh đề nghị các doanh nghiệp phải làm rõ vấn đề hủy hợp đồng bán nguyên liệu từ các đối tác nước ngoài, bởi nếu tình trạng trên tiếp tục xảy ra thì theo phản ứng “Domino”, hàng loạt các công ty khác đều sẽ bị hủy, gây thiệt hại lớn cho toàn ngành. Các doanh nghiệp cũng cần cẩn trọng khi lựa chọn đối tác để ký hợp đồng mua bán, nên chọn các đối tác có thâm niên, có uy tín, thương hiệu trên thị trường điều thô quốc tế.