ThienNhien.Net – Vụ cháy gây thiệt hại hơn 30 ha rừng sản xuất ở xã An Minh Bắc, huyện U Minh Thượng (tỉnh Kiên Giang) ngày 5-4 vừa qua cho thấy có khá nhiều bất cập trong công tác phòng chống cháy rừng ở đây. Đây là nhận định của Ban chỉ đạo phòng cháy chữa cháy và tìm kiếm cứu nạn (PCCC và TKCN) tỉnh Kiên Giang tại cuộc họp ngày 7-4.
Khu rừng sản xuất rộng 1.250 ha trước đây do Công an tỉnh Kiên Giang quản lý. Năm 2008, đơn vị này giao lại cho Công ty Trần Thái trực tiếp quản lý, khai thác làm du lịch.
Đầu mùa khô, nhiều đoàn đến kiểm tra công tác phòng chống cháy rừng đã phát hiện nhiều vấn đề yếu kém trong khâu phòng chống cháy; sức người còn thiếu, trang thiết bị không đầy đủ. Bằng chứng là toàn khu rừng chỉ có hai máy bơm nước đã cũ, 150m dây dẫn nước với ba cán bộ quản lý.
Thời gian qua, doanh nghiệp xả nước bắt cá nhưng lại không bơm bổ sung, khiến mực nước trong các kênh giảm khoảng một mét so với mặt rừng. Trước thời điểm xảy ra cháy, mực nước trong các kênh trục chỉ còn khoảng 50cm, không bảo đảm nguồn nước để chữa cháy và cho các phương tiện di chuyển khi sự cố xảy ra.
Ông Lê Hoàng Dũng, Phó giám đốc Công an tỉnh Kiên Giang, Phó ban chỉ đạo PCCC và TKCN tỉnh cho rằng, khi phát hiện những hạn chế này, đoàn kiểm tra đã yêu cầu công ty khẩn trương sửa chữa trạm bơm, tiếp nước vào các kênh trong rừng; đồng thời mua thêm hai máy bơm mới, 1.500 đến 2.000m dây dẫn nước; yêu cầu chủ rừng tăng cường thêm nhân viên túc trực.
“Tuy nhiên, đến khi vụ cháy xảy ra, đơn vị này vẫn không thực hiện”, ông Dũng nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, công tác chữa cháy cũng còn nhiều bất cập. Dù lực lượng được điều động tham gia chữa cháylên tới hàng trăm người, với nhiều phương tiện chuyên nghiệp, nhưng thực tế chỉ có khoảng 50% trong số các phương tiện này hoạt động.
Đặc biệt, do có yếu tố con người trong nguyên nhân xảy ra cháy, Ban Giám đốc Công an tỉnh đã chỉ đạo Công an huyện U Minh Thượng thành lập chuyên án điều tra, làm rõ.
Từ vụ cháy này, Ban chỉ đạo PCCC và TKCN tỉnh Kiên Giang yêu cầu các chủ rừng phải hoàn thiện bổ sung phương án PCCC rừng, khoanh vùng các khu vực trọng điểm nguy cơ cháy cao, đầu tư phương tiện, thiết bị, máy chữa cháy chuyên dụng phù hợp với từng địa bàn. Cơ quan chức năng thường xuyên kiểm tra, kiên quyết xử lý nghiêm những chủ rừng không thực hiện đầy đủ các quy định về công tác phòng cháy, chữa cháy theo quy định của pháp luật.
Hiện ở Kiên Giang có hơn 10.000ha rừng đang ở mức báo cháy cấp độ V – cấp cực kỳ nguy hiểm, nằm trải dài ở Vườn Quốc gia Phú Quốc, Giang Thành, Hòn Đất, U Minh Thượng. Từ đầu mùa khô đến nay, tỉnh Kiên Giang đã xảy ra 16 vụ cháy, thiệt hại gần 93ha rừng. Riêng tại Phú Quốc đã xảy ra 11 vụ cháy, thiệt hại hơn 20ha rừng.