ThienNhien.Net – Sau thủy điện, nhiệt điện…, chỉ có điện hạt nhân mới đáp ứng nhu cầu năng lượng cho quốc gia trong khi các nguồn năng lượng tái tạo khác vẫn là thứ yếu.
Theo đánh giá của Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam, phát triển điện hạt nhân sẽ mang lại nguồn điện ổn định, lâu dài, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế-xã hội
Áp lực từ phát triển kinh tế-xã hội
Theo dự báo, đến năm 2020, sẽ xảy ra nguy cơ thiếu điện trầm trọng do nhu cầu về điện năng phục vụ phát triển kinh tế-xã hội của nước ta ước khoảng trên 360 tỷ KWh, trong khi việc phát triển các nguồn thủy điện, nhiệt điện, năng lượng tái tạo đang gặp nhiều áp lực về nguồn cung và giá.
Theo quy hoạch phát triển hệ thống năng lượng Việt Nam đến năm 2030, sản lượng điện hạt nhân mới chỉ chiếm khoảng gần 7% sản lượng điện tiêu thụ, nhưng vai trò của điện hạt nhân trong tương lai là không thể thiếu. Vì vậy, dù phát triển điện hạt nhân ở Việt Nam vẫn còn nhiều thách thức, nhưng vẫn là lựa chọn quan trọng trong tương lai. Bởi sau thủy điện, nhiệt điện…, chỉ có điện hạt nhân mới đáp ứng nhu cầu năng lượng cho quốc gia trong khi các nguồn năng lượng tái tạo khác vẫn là thứ yếu.
TTXVN dẫn lời ông Vương Hữu Tấn, Cục trưởng Cục An toàn bức xạ hạt nhân (Bộ Khoa học và Công nghệ) cho biết, ngoài việc phát triển điện hạt nhân đảm bảo an ninh, an toàn hiệu quả, cần tiếp tục đẩy mạnh đầu tư cơ sở hạ tầng và có đánh giá đa chiều về những tác động đến đời sống người dân…
Thời gian qua, Việt Nam đã nhận được sự hợp tác, giúp đỡ triển khai dự án điện hạt nhân, trong đó điển hình là Nga (dự án Ninh Thuận 1) và Nhật Bản (dự án Ninh Thuận 2). Đến nay, sau nhiều năm chuẩn bị, dự án Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 đã khởi công xây dựng hệ thống điện phục vụ xây dựng Nhà máy. Hiện nay, dự án đang ở công đoạn xây dựng và trình 2 báo cáo là Hồ sơ xin phê duyệt địa điểm an toàn và Báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án.
Thông tin đầy đủ, toàn diện phải đi trước một bước
Khó khăn và thách thức trong việc phát triển điện hạt nhân ở Việt Nam là thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao, vốn đầu tư và cơ sở hạ tầng ở mức thấp. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng chưa có kinh nghiệm trong quản lý, triển khai dự án điện hạt nhân.
Theo các chuyên gia của Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA), kế hoạch phát triển nguồn nhân lực hạt nhân của Việt Nam phải dựa vào thực tế, đòi hỏi yêu cầu, định hướng của ngành hạt nhân cần được xây dựng kỹ lưỡng, chi tiết. Nếu thực hiện tốt điều này, sau 7-10 năm, Việt Nam sẽ có tương đối đầy đủ nguồn cán bộ quản lý và vận hành Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận.
Thêm vào đó, Việt Nam đang trong giai đoạn chuẩn bị xây dựng công nghiệp điện hạt nhân nên hiểu biết, nhận thức về vấn đề này trong cộng đồng còn chưa đầy đủ. Do vậy, cần tăng cường và tiến hành một cách có chiến lược, lâu dài việc tuyên truyền để xây dựng nhận thức, lòng tin cũng như sự ủng hộ của công chúng.
Công tác tuyên truyền và thông tin đại chúng về điện hạt nhân phải đi trước một bước, trước khi triển khai dự án và phải tiếp tục thực hiện thường xuyên trong quá trình xây dựng, vận hành và thậm chí cả khi nhà máy điện hạt nhân dừng hoạt động.