ThienNhien.Net – GS. Hoàng Hòe, nguyên Viện trưởng Viện Điều tra quy hoạch rừng, nguyên Vụ trưởng Vụ Khoa học (Bộ NNPTNT) đã có ý kiến đề xuất như trên, trước thực tế người dân đang đối mặt với nguy cơ mua giống mắc ca kém chất lượng về trồng.
Trao đổi với phóng viên về quan điểm của mình trước hiện tượng các “ông lớn” đang hào hứng tuyên bố đầu tư vào cây mắc ca, GS Hoàng Hòe – một trong những người đầu tiên đưa mắc ca về VN và là người có nghiên cứu sâu về loài cây này chia sẻ: “Tôi cho rằng, trong phát triển cây mắc ca, làm sao có được một ông nào có tiền, ông ấy hăng hái thì dân đỡ vất vả. Tìm mãi không ra mà bây giờ tìm ra được ông Hưởng (Phó chủ tịch Thường trực HĐQT ngân hàng LienVietPostBank) là một, ông Minh (ông Dương Công Minh, Chủ tịch Hội đồng quản trị tập đoàn Him Lam) là hai, ông Hải là ba (ông Phạm Thanh Hải – Chủ tịch Hội đồng Quản trị, Tổng Giám đốc. IDT intenational) – toàn những người “có nhiều tiền” cả. Tôi nghĩ những người quản lý nhiều tiền, họ khôn lắm, không hề dại đâu… Trước những dư luận ngược chiều gần đây về cây mắc ca, tôi nghĩ họ không dao động, mấy ông này quyết tâm lắm. Tôi đã đọc 2 bài mà các ông ấy trình bày ở hội thảo mắc ca ở Đà Lạt, tôi đánh giá rất cao nhận thức, hiểu biết của hai vị này”.
Mắc ca dễ làm hơn nhiều cây khác
Với GS Hoàng Hòe, câu chuyện về mắc ca vào Việt Nam không phải bây giờ mới bắt đầu. “Đối với một số người thì là mới toanh, nhưng đối với tôi và anh Tạn (cố Phó Thủ tướng Nguyễn Công Tạn – PV) thì đã có 20 năm trăn trở về chuyện này rồi. Mà chúng tôi là có học hành tử tế và làm thực tế chứ không phải ngồi bàn giấy” – ông chia sẻ thêm- Chúng tôi nghiên cứu rất kĩ và thấy rằng cây này dễ làm hơn tất cả những cây khác. Đến bây giờ chúng ta đã có: Thứ nhất là cà phê. Khi mới giải phóng miền Nam con số chỉ có 100.000 ha thôi, và sau giải phóng là phát triển ào ào, đến nay đã có đến trên 500.000ha. Thứ hai là cây điều, lúc đầu là cây lâm nghiệp, sau đó phát triển lên thành ngành công nghiệp lớn, có cả chế biến sản phẩm thì Bộ NNPTNT không giao cho ngành lâm nghiệp quản nữa, đầu tiên cũng nhỏ bé thôi, sau đó thì phát triển mạnh. Tất cả những cây khác, chúng ta bắt đầu từ tự phát chứ không có chỉ đạo, quy hoạch gì ghê gớm. Ta phát triển những cây khác cứ ào ào. Nhưng, chính trong cái “ào ào” cũng có cái hay chứ không phải cứ chậm rì rì, chờ các ông nghiên cứu xong rồi mới bắt đầu làm thì chậm”.
Từng là Vụ trưởng Vụ khoa học của Bộ NNPTNT, GS Hoàng Hòe nói rằng, ông hiểu rõ các ưu, nhược điểm của hoạt động nghiên cứu khảo nghiệm bằng ngân sách nhà nước. Ông nêu quan điểm: “Về số liệu, phải nói thật, anh em làm khoa học của nước mình là không phải kém, cũng như tôi thôi, cũng được học hành tử tế, nhưng vì không có điều kiện tốt thì làm sao mà làm đầy đủ, đến nơi đến chốn được. Nếu cứ chờ kết quả nghiên cứu đó thì còn lâu…”. Ông cho rằng, hiện nay hàng nghìn nông dân đã trồng cây mắc ca, cần phải nhanh chóng tổng kết thực tiễn này để phần nào bổ khuyết cho cái “chậm” của mô hình khảo nghiệm, từ đó tổng kết xem giống gì hợp với đất nào.
Trước một số ý kiến lo rằng, cả thế giới mới chỉ có 80.000ha mắc ca, trong khi Việt Nam dám quy hoạch trồng loại cây này trên 200.000ha, liệu có phải lạc quan quá đáng, GS Hoàng Hòe cho rằng, cây mắc ca rất “kén” đất và các điều kiện thời tiết, quỹ đất phù hợp của thế giới để trồng cây này không nhiều. Trong khi đó, theo Viện Điều tra quy hoạch rừng, trên tổng diện tích 5 triệu ha đất của Tây Nguyên, có khoảng 1 triệu ha được đánh giá là phù hợp với cây mắc ca. Con số 200.000ha đưa ra, theo GS Hoàng Hòe vẫn khiêm tốn: “Khả năng phát triển diện tích trồng mắc ca ở Việt Nam, tôi đánh giá cao hơn ở Trung Quốc, cao hơn ở Thái Lan, cao hơn ở Úc, thậm chí có thể gấp 10 lần Úc. Hiện nay Úc có 20.000ha, Việt Nam sẽ có 200.000ha… Tuy nhiên, về chất lượng thì phải học hỏi Úc rất nhiều, và chúng ta sẽ làm. Tôi tin người Việt mình có thể làm được”.
“Nên cấp cây giống tốt, thay vì hỗ trợ tiền”
Nói về kinh nghiệm từ Trung Quốc – một nước đi sau nhưng đã phát triển được 20.000ha mắc ca, nhà khoa học này cho biết: Tôi nghiên cứu rất kĩ về kinh nghiệm của Trung Quốc và thấy, cái mà ta có thể trao đổi, tham khảo Trung Quốc ở chỗ tổ chức như thế nào để làm cho nhanh. Anh có tiền, không phải là làm được ngay, mà phải biết tiêu đồng tiền ấy có hiệu quả nhất. Trung Quốc có chính sách “cú hích của chính phủ”. Ông Tỉnh trưởng tỉnh Vân Nam sang Úc tham quan học hỏi kinh nghiệm và mời chuyên gia Úc qua làm cùng. Chính quyền tỉnh Vân Nam có bỏ ra một khoản tiền lớn để hỗ trợ nông dân: Với mỗi một nông dân trồng trong vườn nhà mình 22 cây mắc ca sẽ được nhận một khoản tiền.
Trung Quốc đã đi trước Việt Nam với 20.000ha mắc ca ở Vân Nam.
Số tiền đó không nhiều nhưng là một cú hích cho nông dân. Việc thứ hai là chính quyền tỉnh Vân Nam giúp 2 công ty tư nhân đứng ra dẫn đầu việc phát triển mắc ca. Tôi nhớ cô Trần –tổng giám đốc của một trong 2 công ty này là người Hồng Kông, cô rời nhà sang Vân Nam lập nghiệp hơn 10 năm nay, xây dựng thành một công ty lớn, hiện nay có khoảng 4-5 nghìn ha mắc ca. Cô là một nữ tổng giám đốc trẻ, rất nhiệt tình hăng hái và đã giúp cho nông dân sở tại rất nhiều. Công ty của cô có một “vườn cây thị phạm” rộng khoảng 100ha để cho nông dân tham quan học hỏi cách trồng, chăm sóc… Mỗi năm họ cung cấp cho nông dân 3 triệu cây giống, Nhà nước hỗ trợ cho nông dân, nếu trồng một mẫu thì được một ít tiền. Nhưng người nông dân vốn thường ham rẻ, họ đi mua những giống cây rẻ, hoặc tự tạo cây giống, nên theo nhận định của người Vân Nam, 50% số cây giống nông dân trồng không đạt tiêu chuẩn.
Soi chiếu kinh nghiệm đó với thực tế Việt Nam hiện nay, GS. Hoàng Hòe nêu ý kiến: “Tôi đề nghị Chính phủ nên hỗ trợ bằng cách cấp thẳng giống tốt cho nông dân, thay vì hỗ trợ tiền, Chính phủ giúp tạo điều kiện cho một số vườn ươm làm giống tốt để ra những cây giống đạt chất lượng, từ đó cấp cho nông dân. Nếu chúng ta làm tốt việc cấp giống cho nông dân, trong một năm, nông dân sẽ trồng được 3 triệu cây, 10 năm sẽ có 30 triệu cây”.
Theo đánh giá của ông, hiện nay Việt Nam đã có những vườn ươm mắc ca rất tốt như vườn ươm của Vinamaca ở Đăk Lăk và một số đơn vị khác. “Chúng ta sẽ giúp những vườn ươm đó, vì đã có cơ sở rồi, quan trọng nhất là có cây đầu dòng có nhiều quả. Chuyên gia Úc đã đánh giá cây giống ở các vườn ươm của Việt Nam tốt, ngang với bên Úc, thậm chí tốt hơn. Chúng ta cứ yên tâm và mạnh dạn làm, sau 10 năm chúng ta có 30 triệu cây, đứng đầu thế giới. Tôi tin chúng ta có thể làm được” – GS Hoàng Hòe tự tin khẳng định.