ThienNhien.Net – Việc đấu giá quyền khai khoáng đã mang lại nhiều lợi ích cho cơ quan quản lý tài nguyên và doanh nghiệp cũng như tránh thiệt hại cho Nhà nước, tạo nên những chuyển biến tích cực trong việc khai khoáng và quản lý cho dù lĩnh vực này vẫn còn phức tạp.
Phóng viên đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Văn Thuấn – Tổng cục trưởng Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam.
Thưa ông, việc đấu giá quyền khai khoáng có thực sự xóa bỏ được cơ chế “xin – cho” và tránh được sự khai thác tài nguyên khoáng sán bừa bãi, gây thiệt hại cho Nhà nước? Ông đánh giá thế nào về sự ra đời của quy định này?
– Luật Khoáng sản 2010 được xây dựng với chủ trương không khuyến khích khai thác khoáng sản; chỉ khai thác khoáng sản khi đảm bảo hài hòa lợi ích Nhà nước – doanh nghiệp và người dân địa phương nơi có khoáng sản; khai thác khoáng sản phải lấy hiệu quả kinh tế – xã hội và bảo vệ môi trường làm tiêu chuẩn cơ bản để quyết định được đầu tư; xóa bỏ cơ chế “xin – cho”.
Tổ chức, cá nhân muốn khai thác khoáng sản phải tham gia đấu giá quyền khai thác khoáng sản. Khi tham gia đấu giá quyền khai thác khoáng sản phải chứng minh được năng lực về vốn, kinh nghiệm khai thác và cam kết công nghệ chế biến khoáng sản. Đối với mỏ đã cấp trước ngày Luật Khoáng sản 2010 có hiệu lực phải trả tiền cấp quyền khai thác khoáng sản đối với phần trữ lượng còn lại.
Năm 2014, các văn bản pháp quy thực thi Luật Khoáng sản 2010 cơ bản hoàn thiện. Các doanh nghiệp được cấp phép khai thác khoáng sản đã có ý thức thực thi pháp luật. Tuy nhiên, việc khai thác khoáng sản trái phép, nhất là cát sỏi lòng sông, vàng và than còn diễn ra phức tạp, gây bức xúc trong dư luận. Hiện vấn nạn này đang được cơ quan Nhà nước có các biện pháp quyết liệt ngăn chặn.
Nhưng liệu khi có quy định đấu giá khai thác, mình có giám sát được sự minh bạch trong việc đấu giá không và vai trò của Tổng cục trong vấn đề này như thế nào? Và việc thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản đã tạo phản ứng nhiều chiều khi đi vào cuộc sống. Ông nhìn nhận vấn đề này ra sao?
– Nghị định số 203/2013/NĐ-CP ngày 28/11/2014 ra đời đã có rất nhiều ý nghĩa đối với sự nghiệp phát triển ngành địa chất và khoáng sản. Cụ thể, dự kiến loại bỏ các tổ chức khai thác khoáng sản làm ăn kém hiệu quả (dự kiến khoảng 20% doanh nghiệp sẽ bị thu hồi giấy phép do không có đủ khả năng nộp tiền cấp quyền khai thác khoáng sản). Chỉ các doanh nghiệp có năng lực tài chính có kinh nghiệm khai thác, có công nghệ tiên tiến mới có thể tồn tại.
Để tránh thất thu cho Nhà nước về tiền cấp quyền, đã có quy định: Công tác thăm dò phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền giám sát. Khâu này trước đây bị buông lỏng nên đã sinh ra rất nhiều trữ lượng “ảo”, các doanh nghiệp khai thác khoáng sản không còn hiện trạng “ôm mỏ”, chỉ đề nghị cấp phép khai thác đủ trữ lượng theo công suất phù hợp với năng lực.
Các doanh nghiệp phải khai thác triệt để phần trữ lượng đã được cấp phép; không còn hiện tượng khai thác chọn lọc, lãng phí tài nguyên, phải tự giác chấp hành các quy định của pháp luật. Nếu vi phạm pháp luật nghiêm trọng sẽ bị thu hồi Giấy phép khai thác mà không được hoàn lại tiền cấp quyền khai thác khoáng sản đã nộp.
Tổng số hồ sơ các doanh nghiệp đã nộp để tính tiền cấp quyền khai thác khoáng sản là 481/495 hồ sơ cấp phép cũ và 87/117 hồ sơ cấp phép mới. Số hồ sơ đã được Bộ TN&MT phê duyệt là 168 với tổng số tiền phải thu là 19.280 tỷ đồng và số tiền thu năm 2014 là 2.690 tỷ đồng. Tính đến 30/11/2014, tiền cấp quyền khai thác khoáng sản đã nộp vào ngân sách nhà nước năm 2014 khoảng 600 tỷ đồng.
Đối với hồ sơ tính tiền cấp quyền khai thác khoáng sản ở địa phương, theo báo cáo từ 39/63 tỉnh, thành phố, đã có 608 hồ sơ được UBND tỉnh, thành phố phê duyệt tiền cấp quyền khai thác khoáng sản với tổng số tiền phải thu là 2.052 tỷ đồng, thu trong năm 2014 là 411 tỷ đồng.
Nhiều địa phương vẫn kêu quản lý hoạt động khai thác khoáng sản rất khó bởi việc công bố những khu vực khoáng sản phân tán, nhỏ lẻ cho các địa phương còn chậm. Quan điểm của ông về vấn đề này?
– Trước đây, trong thời gian ngắn (5 năm) từ khi có Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Khoáng sản năm 2005 đến khi Luật Khoáng sản năm 2010 có hiệu lực (1/7/2011), các địa phương đã cấp gần 4000 Giấy phép khai thác khoáng sản. Việc khai thác khoáng sản tràn lan dẫn đến hủy hoại môi trường, sử dụng lãng phí tài nguyên.
Thẩm quyền cấp phép của địa phương, đối với khoáng sản không thuộc nhóm vật liệu xây dựng thông thường, chỉ được cấp phép thăm dò, khai thác đối với khu vực được Bộ TN&MT khoanh định, công bố là khu vực có khoáng sản phân tán, nhỏ lẻ. Đến nay, Bộ TN&MT đã công bố 2 đợt với số lượng hơn 120 khu vực và dự kiến công bố Đợt 3 với khoảng gần 50 khu vực. Trong khi các địa phương đề nghị công bố hơn 800 khu vực.
Các khu vực địa phương đề nghị thì hầu hết không đúng tiêu chí là khu vực có khoáng sản phân tán, nhỏ lẻ. Việc “chậm” khoanh định công bố khu vực có khoáng sản phân tán nhỏ lẻ là để thực hiện chủ trương quản lý khai thác khoáng sản chặt chẽ hơn, hiệu quả hơn, tiết kiệm tài nguyên cho các thế hệ sau.
Để việc đấu giá được minh bạch và quản lý tốt tài nguyên khoáng sản, tránh cơ chế “ xin – cho”, “vận động hành lang” như chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Tổng cục Khoáng sản sẽ có những hoạt động gì tiếp trong thời gian tới?
– Chúng tôi sẽ đẩy mạnh thực hiện một số giải pháp tăng cường hiệu quả quản lý hoạt động khai thác khoáng sản, cụ thể: Tiếp tục khoanh định để Bộ trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt khu vực không đấu giá quyền khai thác khoáng sản đối với khoáng sản thuộc thẩm quyền; trình Bộ trưởng phê duyệt kế hoạch đấu giá quyền khai thác khoáng sản năm 2015 của Bộ trong Quý I để tổ chức thực hiện; triển khai chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ trong “Chỉ thị về việc tăng cường hiệu quả thực thi chính sách, pháp luật về khoáng sản” đã được Bộ trình trong năm 2014.
Theo đó, xây dựng quy chế phối hợp, cung cấp thông tin với Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính) về sản lượng khai thác khoáng sản hàng năm của tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản theo Giấy phép thuộc thẩm quyền của Bộ; tăng cường thanh tra, kiểm tra hoạt động khoáng sản, nhất là việc kiểm soát sản lượng khai thác thực tế. Hoàn thành việc xây dựng cơ sở dữ liệu quản lý giấy phép hoạt động khoáng sản và đưa vào sử dụng làm cơ sở cho cơ quan quản lý nhà nước các cấp; tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản cập nhật dữ liệu, khai thác nhằm kiểm soát chặt chẽ thông tin khai thác khoáng sản.
Trân trọng cảm ơn ông!