ThienNhien.Net – Ông Cao Tung Sơn, Phó Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường TP HCM, cho biết ô nhiễm không khí do hoạt động giao thông vẫn gia tăng trong 10 năm qua
Kết quả quan trắc ô nhiễm không khí năm 2014 của Chi cục Bảo vệ môi trường TP HCM cho thấy bụi lơ lửng và mức ồn từ các hoạt động giao thông là 2 nguyên nhân chủ yếu gây ra ô nhiễm không khí tại TP.
An Sương “đứng đầu”
Hiện có 15 trạm quan trắc không khí được rải đều toàn TP. Hàm lượng trung bình 1 giờ của bụi lơ lửng quan trắc được trong năm 2014 tại 15 vị trí dao động từ 163,42 – 607,08 μg/m3, phân nửa số trạm không đạt QCVN 05:2013/BTNMT (nồng độ bụi lơ lửng trung bình 1 giờ là 300 μg/m3). Ngã tư An Sương trong nhiều năm qua vẫn là khu vực có nồng độ các chất ô nhiễm không khí cao nhất trong số 15 trạm quan trắc. Riêng vị trí Phú Lâm, năm 2014, nồng độ bụi có xu hướng gia tăng và độ biến động mạnh so với các năm. Nguyên nhân được “chẩn đoán” là do hoạt động thi công cải tạo tuyến kênh Tân Hóa – Lò Gốm và cầu Ông Buông đã làm tăng mật độ xe lưu thông qua khu vực, đặc biệt là xe tải vận chuyển cát, đá, vật liệu, bùn phục vụ cho công trình.
Độ ồn đo được ở 15 điểm quan trắc dao động từ 45 – 86 dB. An Sương cũng là khu vực ồn nhất.
Theo ông Cao Tung Sơn, ô nhiễm không khí từ hoạt động giao thông không có dấu hiệu suy giảm mà còn gia tăng trong 10 năm qua. Số lượng xe cá nhân ngày một tăng trong khi việc tiếp cận các nhiên liệu thân thiện với môi trường còn hạn chế. Bên cạnh đó, mặc dù đã có các quy định về nhập khẩu máy móc, thiết bị nhưng quá trình kiểm soát còn hạn chế nên các loại xe động cơ cũ, kém chất lượng vẫn xâm nhập Việt Nam. “Vừa qua, Chính phủ đã ban hành quy định sử dụng xăng sinh học thay xăng có gốc hóa thạch tại một số địa phương là tín hiệu đáng mừng. Riêng TP HCM đang triển khai các tuyến metro với hy vọng sẽ giảm đáng kể lượng khí thải cũng như lượng xe cá nhân” – ông Sơn nói.
Mục tiêu giảm ô nhiễm khó đạt
Chương trình giảm ô nhiễm môi trường giai đoạn 2011 – 2015, TP đã đặt ra mục tiêu giảm thiểu 70% mức độ ô nhiễm không khí và tiếng ồn do sản xuất, 50% ô nhiễm không khí và tiếng ồn do hoạt động giao thông vận tải.
Theo thống kê từ Sở Tài nguyên và Môi trường (TN-MT), trên địa bàn TP có 999 nguồn thải phát sinh khí thải tại nguồn. Ước tính năm 2015, khoảng 85% nguồn thải có hệ thống xử lý khí thải. Bên cạnh đó, còn nhiều cơ sở sản xuất nhỏ lẻ, hộ gia đình sử dụng nhiên liệu đốt là vỏ hạt điều, vải vụn, vỏ xe… gây ô nhiễm nặng đối với môi trường không khí. Các hạng mục công trình xử lý khí thải trong các cơ sở sản xuất cũng mau hư; đặc biệt, các lò hơi, lò nhiệt sử dụng dầu do nhiệt độ cao và trong quá trình xử lý tạo ra sản phẩm thứ cấp axít dễ ăn mòn. Thế nhưng, Sở Tài nguyên và Môi trường cũng chỉ đánh giá được số lượng nguồn thải có xử lý đạt quy chuẩn môi trường hay không chứ không thể đánh giá được mức độ giảm ô nhiễm. Việc giảm thiểu tiếng ồn trong hoạt động sản xuất và nhất là trong hoạt động giao thông vận tải cũng không thể đánh giá được. Nguyên nhân là từ trước đến nay, TP chưa có chương trình nào đo đạc mức ồn trong môi trường tự nhiên nên thiếu số liệu nền để tiến hành so sánh, đánh giá về việc có giảm hay không mức độ ô nhiễm tiếng ồn.
Ở góc độ giao thông, Sở Giao thông Vận tải chỉ tập trung giải quyết ùn tắc giao thông chứ chưa có giải pháp giải quyết tổng thể và kế hoạch cụ thể đối với việc giảm tiếng ồn do động cơ tham gia giao thông. Vì thế, đến năm 2015, chương trình giảm ô nhiễm đã không thể đạt được mục tiêu đề ra.
Cố mà chống chọi
Bác sĩ Huỳnh Tấn Tiến, Giám đốc Trung tâm Bảo vệ sức khỏe lao động và Môi trường, đánh giá nồng độ bụi 607 g /m3 là quá cao, sẽ gây ra các bệnh cho đường hô hấp: viêm xoang, viêm mũi dị ứng, viêm phế quản…; đối với một số người do cơ địa nhạy cảm có thể bị hen, suyễn. Còn về độ ồn, mức độ trên 45 dBA sẽ gây ảnh hưởng đến hệ thần kinh thực vật, nhức đầu, cáu gắt, cao huyết áp. Nếu bị tác động thường xuyên sẽ làm giảm thính lực, mất ngủ, suy nhược thần kinh… “Ô nhiễm bụi và tiếng ồn khá trầm trọng và phổ biến nên để tránh không tiếp xúc với ô nhiễm và tiếng ồn tại một đô thị căng thẳng như TP HCM chắc là khó. Do vậy, người dân chỉ có thể tự nâng cao thể lực như sử dụng đồ ăn uống có nhiều vitamin C, tập thể dục thể thao… để chống chọi với các tác động tiêu cực của môi trường bị ô nhiễm” – bác sĩ Tiến khuyên. |