ThienNhien.Net – Sự cố hóa chất (cháy hóa chất, nổ hóa chất, rò rỉ hóa chất độc) ngoài việc để lại thiệt hại về tài sản, con người còn gây ảnh hưởng lớn đến môi trường như phát thải một lượng lớn nhất hóa chất nguy hiểm có thể gây độc, bức xạ nhiệt.
Thời gian qua, những sự cố môi trường liên quan đến hóa chất độc hại ở các doanh nghiệp vẫn xảy ra, điển hình như sự cố rò rỉ 300 tấn hóa chất LAB ra sông Cấm của Công ty Hóa chất Soft-SCC (Hải Phòng) tháng 11/2014; vụ nổ hoá chất ở Cty Sản xuất Dịch vụ Thương mại Đặng Huỳnh (TP HCM) tháng 10/2014; hay vụ nổ hóa chất MEKP tại Nhà máy Nhiệt điện Hải Phòng giữa năm 2010… Nguyên nhân chủ yếu vẫn là do thiết bị, vận hành, người lao động không được trang bị kiến thức và thông tin đầy đủ, doanh nghiệp thiếu kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất.
Chủ động phòng ngừa là chính
Một số loại hình hoạt động công nghiệp luôn tiềm ẩn những sự cố hóa chất: nhà máy giấy, lọc hóa dầu, nhựa cao su, phân đạm, hóa chất bảo vệ thực vật và các hóa chất nông nghiệp khác, hóa chất vô cơ cơ bản, hóa chất hữu cơ mạch vòng. Theo tổng kết từ Hội Hóa học Việt Nam, 97% các sự cố công nghiệp xuất phát từ 3 yếu tố: vận hành không an toàn, điều kiện không an toàn và phát thải năng lượng.
Nhận biết được sự nguy hại của sự cố hóa chất gây ảnh hưởng tới môi trường, nhiều doanh nghiệp hoạt động ở những loại hình trên đã chủ động tìm giải pháp ngăn ngừa ứng phó với sự cố. TS Chử Văn Nguyên, Phó Chủ tịch Hội đồng Trách nhiệm xã hội của các doanh nghiệp Hóa chất Việt Nam – VRCC cho biết: Đối với một doanh nghiệp hóa chất, nội dung quan trọng trong hoạt động phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường chính là thực hiện tốt kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất.
Cũng theo ông Chử Văn Nguyên, sau khi hoàn tất kế hoạch ứng phó sự cố hóa chất và được các cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, doanh nghiệp cần diễn tập tổng thể định kỳ theo kế hoạch có sử dụng thực binh.
Kinh nghiệm tại doanh nghiệp
Đối với các doanh nghiệp lớn hoạt động có liên quan đến sử dụng hóa chất, mục tiêu phát triển củadoanh nghiệp luôn được gắn kết với mô hình quản lý môi trường, trong đó có sự an toàn hóa chất. Điển hình như tại Cty Unilever, quản lý hóa chất và phòng ngừa các tai nạn liên quan đến hóa chất đứng thứ 4 trong 7 bước quản lý môi trường.
Nguyên nhân chủ yếu của sự cố môi trường liên quan đến hóa chất độc hạivẫn là do thiết bị, vận hành, người lao động không được trang bị kiến thức và thông tin đầy đủ. |
Xác định thông tin giữ quan trọng của việc phòng ngừa – ứng phó với sự cố nên ở Unilever đã đưa ra những cách thức giúp người lao động tiếp cận với thông tin nhanh, dễ nhớ. Ông Vũ Tiến Anh, Trưởng phòng Sức khỏe – An toàn – Môi trường, Cty Unilever Việt Nam cho biết: Con người khi vận hành các qui trình sản xuất được trang bị đầy đủ thông tin liên quan đến hóa chất. Tuy nhiên, do vẫn phải nhập khẩu một số loại hóa chất từ nước ngoài nên Cty quy định thông tin về các loại hóa chất phải dịch sang tiếng Việt, đăng trên trang website hoặc bản tin nội bộ để người lao động tìm hiểu. Bên cạnh đó, Cty đều có bản đồ chỉ dẫn khu vực có hóa chất độc hại, thiết bị sử dụng để người công nhân hiểu và biết cách sử dụng. Thông tin hướng dẫn thao tác cho công nhân thường ít chữ, nhiều hình ảnh, rõ ràng giúp họ nhận biết nhanh. Liên quan đến đánh giá rủi ro hóa chất, khi phòng Marketing đưa ra ý tưởng cho ra mắt sản phẩm mới thì đi kèm với nó, họ phải có đánh giá về rủi ro kinh doanh, rủi ro môi trường. Trong đó, vấn đề rủi ro về môi trường được xem ngang bằng với việc đưa ra ý tưởng, thiết kế, hay thực hiện.
Trong khi đó, Cty Dupont hoạt động dựa trên 4 giá trị cốt lõi thì an toàn – sức khỏe và quản lý môi trường là 2 yếu tố quan trọng đặt lên hàng đầu. Từ đây, Cty lập 2 chương trình gồm ứng phó khẩn cấp tại khu vực sản xuất (nhà máy) và ứng phó bên ngoài khu vực sản xuất (áp dụng vận chuyển và phân phối sản phẩm).
Trước thực trạng gần đây một số xe chuyên chở hóa chất ở Việt Nam bị đổ tràn ra đường, Cty đã đưa ra kinh nghiệm ứng phó đối với tình huống này được thực hiện bởi một nhóm cung ứng của chính Cty. Theo ông Thái Thiên Quốc, Cty TNHH Dupont Việt Nam, trước tiên, Cty xem xét qui định của địa phương, thiết lập chương trình đánh giá thanh kiểm tra đối với các sản phẩm nhập khẩu, thống nhất đường đi của sản phẩm từ cảng về kho hàng, đánh giá nguy cơ để đề ra biện pháp ngăn ngừa, phòng tránh sự cố cho nhà vận chuyển.
Ông Chử Văn Nguyên nhấn mạnh rằng doanh nghiệp cần xây dựng kế hoạch phòng ngừa cụ thể với từng địa điểm, vị trí trong nhà máy, nhiệm vụ hành động của mỗi người phải rõ ràng. Hơn nữa, doanh nghiệp cần bám sát đánh giá rủi ro mới nhất, chú ý các sự cố đã từng xảy ra ở các nhà máy tương tự, chủ động lập kế hoạch phòng ngừa…