ThienNhien.Net – Hà Nội hiện có khoảng 1.350 làng nghề và làng có nghề, thu hút gần 750.000 lao động. Sự phát triển mạnh mẽ của làng nghề đã tạo công ăn việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân, góp phần phát triển kinh tế tại các địa phương.
Tuy nhiên, nhiều làng nghề đã và đang trong tình trạng ô nhiễm nghiêm trọng, tác động tiêu cực tới chất lượng sống của cư dân và gây nhiều hệ lụy cho xã hội. Có mặt tại 2 trong số các làng nghề của Hà Nội, chúng tôi đã ghi nhận bức xúc của người dân nơi đây.
Khổ như dân Triều Khúc
Sau những ngày mưa dầm dề, Hà Nội có phần khô ráo và dễ chịu hơn. Tuy nhiên, những ngày này với người dân làng Triều Khúc (Tân Triều, Thanh Trì) thì vô cùng khổ sở. Dọc đoạn đường dài dẫn vào khu nghĩa trang Giò Gà, nơi có 7 hộ dân làm nghề sản xuất lông vũ, đâu đâu cũng phơi đầy lông gà, lông vịt, ruồi nhặng bu kín. Xe máy qua lại làm lông bay tứ tung. Nước từ các cống rãnh đen ngòm, mùi hôi thối, ẩm mốc bốc lên, tỏa đi khắp làng. Người đi đường đều phải đeo khẩu trang, gác chân lên xe thật cao để tránh bị lông vấy bẩn. Theo bà Triệu Thị Loan (68 tuổi), đã có hơn 10 năm làm nghề, lông gia cầm được thu gom từ khắp các nơi, sau đó rửa sạch, phơi rồi mới đem đi chế biến. Nước rửa lông gà, lông vịt xả thẳng ra cống thải của làng. “Làm nghề này chỉ có ốm nhừ mà chết non, lúc nào cũng đau lưng, khó thở. Thế nên tôi mới bỏ, kiếm quán nước gần nhà bán chứ không dám làm nữa” – bà Loan than thở.
Không chỉ có nghề tái chế lông vũ, làng Triều Khúc còn gần 130 cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ tái chế phế liệu, đây chính là nguồn gây ô nhiễm nghiêm trọng. Phế liệu mua về, đem phân loại, sau đó chặt nhỏ rồi rửa sạch, đóng thành những bao tải lớn bán cho các cơ sở sản xuất. Nước thải đổ ra cống, chảy xuống sông Tô Lịch. Tiếng ồn khi chặt, xay nhựa, mùi hăng hắc và hôi nồng nặc từ nhựa tái chế không chỉ làm đau đầu nhức óc những người xung quanh, mà còn gây ô nhiễm không khí.
Theo báo cáo thực trạng môi trường làng nghề thôn Triều Khúc gửi UBND huyện Thanh Trì năm 2014, 100% nước thải trong sinh hoạt và sản xuất chưa được thu gom và xử lý tập trung. Rác thải sinh hoạt và rác thải sản xuất được đội vệ sinh thu gom bằng xe đẩy, ước tính khoảng 17-18 tấn/ngày đêm, tập kết tại 2 thôn. UBND xã đã ký hợp đồng với Xí nghiệp môi trường đô thị thu gom vận chuyển về nơi quy định để xử lý. Tuy nhiên, số lượng rác thải chưa được thu gom, vận chuyển kịp thời trong ngày còn nhiều dẫn đến phát sinh một số địa điểm chôn rác tự phát nằm ven làng gây mất vệ sinh môi trường và mỹ quan đô thị. Tại thôn Triều Khúc, một khối lượng lớn rác thải sinh hoạt và sản xuất để lưu cữu chưa được vận chuyển đến nơi xử lý theo quy định.
Nằm ngay cạnh một bãi rác của làng Triều Khúc là căn nhà xiêu vẹo của gia đình anh Nguyễn Quang Hà (39 tuổi). Anh Hà cho biết: “Nhà tôi ở tận xóm trong, nhưng có đất ở đây nên phải ra ngoài này chăn nuôi cho cỏ với rác khỏi lấn. Khu vực này sắp thành bãi rác của Hà Nội rồi. Rác đổ khắp nơi, cả rác sinh hoạt có, rác tái chế có. Bị cấm nhưng họ vẫn tranh thủ ban đêm chở xe đến đổ rồi châm lửa đốt. 2h sáng khói vẫn bay vào sặc sụa khắp nhà. Có nhà khi khoan nước giếng, khí metan bốc lên, thả tàn đóm xuống là bốc lửa, mùi nước thì không ngửi nổi”.
Nghẹt thở ở Thụy Ứng
Người dân làng Thụy Ứng (xã Hòa Bình, Thường Tín) cũng đang đau đầu đối phó với nạn ô nhiễm. Là một trong những làng nổi tiếng với nghề ủ da và sản xuất lược sừng trâu, sừng bò, kinh tế phát triển, nhưng khi bước chân đến đây, nhiều người không khỏi rùng mình vì mùi nồng nồng, thum thủm bốc lên khắp nơi. Theo một người có thâm niên với nghề ủ da trâu bò thì họ thường đi thu mua nguyên liệu (da, sừng, xương, móng trâu, bò) ở khắp mọi nơi về chế biến. Da trâu, da bò sau khi thu gom về được ướp với muối, ủ lại, chờ đến khi đủ số lượng các thương lái sẽ thu mua. Số lượng có khi lên đến hàng chục tấn. Các loại xương và sừng, móng cũng được rửa sạch, phơi khô để làm lược. Nước thải xả trực tiếp ra cống làng.
Quá trình ủ da trâu, bò diễn ra trong nhiều ngày khiến không khí xung quanh quánh đặc một thứ mùi nồng nặc. Nghiêm trọng hơn, nước thải từ các hộ kinh doanh theo cống thải trực tiếp xuống ruộng khiến hàng chục héc ta không thể canh tác được. Bà Nguyễn Thị Dự (58 tuổi), ở xóm 7 cho biết: Ở làng này, có lúc, cây cỏ không thể mọc nổi chứ đừng nói gì đến lúa. Mấy hộ sống ở ven đồng trồng được cây mía, mừng lắm, đến khi chặt ăn thì mặn không nuốt nổi. Nhiều gia đình chăn vịt ở đồng này, vịt uống phải nước bị ô nhiễm nên cũng chết hàng đàn. Người ta tiếc của, sợ không dám nuôi nữa… Còn theo bà Nguyễn Thị Khương (68 tuổi) nước uống, nấu ăn, gia đình phải mua ở Trạm Y tế của xã. Nước sinh hoạt thì đào sâu tận 70-80m mới dám sử dụng vì nếu khoan cạn, nước vừa mặn lại có mùi hôi. Nhiều ngày, nhất là vào mùa hè nhà bà phải đóng cửa, thắp hương mới bớt mùi.
Tình trạng ô nhiễm môi trường tại làng Thụy Ứng diễn ra nhiều năm nay, khiến người dân vô cùng bức xúc. Các hộ gia đình có đất canh tác bị ô nhiễm đã đệ đơn lên xã đề nghị các hộ gia đình làm nghề ủ da trâu, da bò phải ngừng sản xuất. Sau khi cảnh sát môi trường và chính quyền vào cuộc, điều kiện sống của người dân có phần được cải thiện nhưng vẫn còn nhiều bất cập.
Loay hoay khắc phục ô nhiễm
Ô nhiễm tại các làng nghề tại Hà Nội không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe nhân dân, gây ra các bệnh về tiêu hóa và mắt, bệnh hô hấp, bệnh ngoài da và các bệnh khác như các bệnh tai, mũi, họng, thần kinh… mà còn gây ra nhiều hệ lụy trong đời sống xã hội. Nhiều địa phương đã đưa ra giải pháp nhằm đẩy lùi ô nhiễm, bảo vệ môi trường. Riêng Tân Triều đã thành lập Tổ công tác giúp việc cho UBND xã trong công tác kiểm tra, xử lý các vi phạm về pháp luật bảo vệ môi trường, xây dựng đề án nâng cao năng lực quản lý và bảo vệ môi trường của xã đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020; xây dựng đề án nông thôn mới, trong đó có mục tiêu giảm thiểu ô nhiễm môi trường, phát triển bền vững. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, cả chính quyền và người dân đều thừa nhận họ đang gặp vô vàn khó khăn trong việc cải thiện môi trường, cũng như nâng cao chất lượng cuộc sống. Nguyên nhân là do câu chuyện “cơm, áo, gạo, tiền” của nhân dân và kinh phí eo hẹp của chính quyền địa phương.
Theo ông Nguyễn Hữu Tâm, cán bộ Phòng Địa chính – Môi trường xã Tân Triều, trong số gần 130 hộ sản xuất, kinh doanh, dịch vụ liên quan đến tái chế phế liệu, có 47 hộ tham gia mua phế liệu nhựa đồng nát, 70 hộ tham gia hoạt động sơ chế nhựa và 11 hộ tái chế nhựa. Hiện tại xã đang định hướng đưa các hộ kinh doanh dịch vụ tái chế nhựa vào cụm sản xuất làng nghề tập trung. Tuy nhiên, việc vận hành và cung cấp dịch vụ cho cụm sản xuất làng nghề còn nhiều bất cập như: Chưa đưa trạm xử lý nước thải vào hoạt động, chưa vận hành điện chiếu sáng, điện sản xuất không ổn định, công tác thu gom rác thải chưa thường xuyên… “Hơn nữa, nhiều hộ kinh doanh nhỏ lẻ không đủ tiền mua đất ở cụm sản xuất nên việc di chuyển rất khó khăn. Bên cạnh đó, xã định hướng cho các hộ gia đình làm nghề tái chế nhựa chuyển sang làm dịch vụ khác hoặc kinh doanh nhà trọ nhưng không phải hộ nào cũng có vốn và đất để làm buôn bán và xây phòng”, ông Tâm cho biết thêm.
Cũng giống như Triều Khúc, kinh phí đầu tư cho xử lý ô nhiễm môi trường cũng là vấn đề chính quyền xã Hòa Bình gặp phải. Theo ông Nguyễn Văn Học, Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Bình, hiện nay ở Thụy Ứng vẫn còn 3 hộ thu gom và xử lý da trâu, da bò và hàng chục hộ gia đình mua hàng ở nơi khác về giao bán cho các đại lý lớn trong xã. Ông Học cho biết: “Phát triển làng nghề luôn có hai mặt, một mặt mang lại đời sống khấm khá cho người dân, nhưng tất yếu dẫn đến ô nhiễm môi trường. Hiện nay tại địa phương chưa có kinh phí để xây dựng hệ thống xử lý nước thải. Đây thật sự là bài toán nan giải mà chúng tôi đang đau đầu tìm hướng giải quyết”.
Hiện tại, Sở Công thương Hà Nội đưa ra kế hoạch xử lý ô nhiễm môi trường trên địa bàn TP Hà Nội với kinh phí khoảng 1.350 tỷ đồng. Hy vọng với phương án này, tình trạng ô nhiễm ở các làng nghề sẽ sớm được khắc phục.