ThienNhien.Net – Sông Đồng Nai chảy qua 11 tỉnh, thành nhưng mỗi địa phương đang sử dụng nó như một “ao làng” của riêng mình
Rất nhiều chương trình, dự án, kế hoạch… cải thiện môi trường sông Đồng Nai đã được đề ra nhưng năm nào, con sông này cũng bị đánh giá suy thoái theo báo cáo hiện trạng môi trường quốc gia.
Trên phá, dưới xả
TS Đào Trọng Tứ, Giám đốc Trung tâm Phát triển bền vững tài nguyên nước và thích ứng với biến đổi khí hậu, nhận xét sông Đồng Nai nằm ở khu vực phát triển kinh tế sôi động nên đang bị khai thác quá mức. Thủy điện là mối đe dọa lớn vì không chỉ phá rừng đầu nguồn, thay đổi dòng chảy… mà còn gây ra hàng loạt tác hại cho hạ nguồn: xói mòn, rửa trôi, cạn kiệt nguồn nước. “Sông Đồng Nai không còn là một dòng sông nguyên thủy mà đã bị băm nát thành những cái hồ chứa kéo theo nhiều hệ lụy về môi trường, sinh thái” – TS Tứ nói.
Báo cáo quan trắc chất lượng môi trường nước hệ thống sông Đồng Nai do Ủy ban Bảo vệ môi trường lưu vực sông Đồng Nai (Ủy ban Sông Đồng Nai) thực hiện cho thấy chất lượng nước mặt càng về hạ nguồn càng giảm sút, tỉ lệ nghịch với sự hình thành ngày càng gia tăng của các khu đô thị. Một số chỉ tiêu ô nhiễm như COD, BOD, TSS… năm 2014 có dấu hiệu gia tăng so với các năm trước. Chỉ số chất lượng nước trên sông Đồng Nai tại hồ Phước Hòa, cửa sông Bé, thị trấn Uyên Hưng, phà Cát Lái… suy thoái trầm trọng so với năm 2013. Theo PGS-TS Phùng Chí Sỹ, Phó Viện trưởng Viện Kỹ thuật nhiệt đới và bảo vệ môi trường, Tổng cục Môi trường vừa ra 3 tiêu chí để xác định các điểm nóng môi trường trên lưu vực sông Đồng Nai (gồm dòng chính và 6 hợp lưu): nồng độ các chất ô nhiễm vượt ngưỡng, gây thiệt hại cho kinh tế – xã hội và nhiều bức xúc cho người dân. Có hàng trăm điểm thỏa các tiêu chí này. Các điểm nóng cấp 1 như kênh Thầy Cai – An Hạ (TP HCM – Long An), kênh Ba Bò (TP HCM – Bình Dương), sông Thị Vải (TP HCM – Đồng Nai – Bà Rịa – Vũng Tàu), sông Đồng Nai chảy qua TP Biên Hòa (Đồng Nai)… gồm 7 điểm sẽ được Tổng cục Môi trường tập trung nghiên cứu, giải quyết trước. Các điểm nóng cấp độ 2 và 3 sẽ do các địa phương tự rà soát, giải quyết. “Trong năm 2014, Tổng cục Môi trường đã lấy mẫu phân tích đánh giá được 2 điểm là kênh Ba Bò và sông Ui – sông Giêng (Đồng Nai – Bình Thuận). Năm nay sẽ nghiên cứu thêm 3 điểm nữa, còn 2 điểm chắc phải đợi đến năm sau vì kinh phí không cho phép” – PGS-TS Sỹ cho biết.
Cần có quỹ bảo vệ môi trường
Theo TS Tứ, câu chuyện lấp sông xây đô thị ở Đồng Nai một lần nữa cho thấy tư duy quản lý cũng như sử dụng nguồn nước một cách thiếu phối hợp, mạnh ai nấy làm của các địa phương trong lưu vực. “Lâm Đồng, Đắk Nông xây thủy điện; Đồng Nai thì lấp sông…, chẳng địa phương nào hỏi địa phương nào hay xem xét việc làm này có tác động xấu đến các địa phương khác hay không. Đất liền có thể phân chia địa phận nhưng sông là một dòng chảy liền mạch xuyên biên giới, nó không phải là cái “ao làng” mà nói tôi xây trên phạm vi địa phương thì không ảnh hưởng đến ai. Sông Đồng Nai cũng như nhiều dòng sông khác đang chết dần vì tư duy quản lý cát cứ như vậy!” – TS Tứ nhận xét.
PGS-TS Sỹ cho rằng Ủy ban Sông Đồng Nai với cơ cấu tổ chức chủ tịch ủy ban là chủ tịch một địa phương nhưng làm luân phiên nên không sâu sát cũng như không đủ thẩm quyền. Nguồn tài chính cho bộ máy này hoạt động thực ra cũng chỉ đủ về thủ tục văn phòng chứ không có kinh phí cho khảo sát, đánh giá, quan trắc nguồn nước… Nếu thực sự muốn cứu sông Đồng Nai cần phải có một quỹ bảo vệ môi trường để thực hiện các dự án làm sạch nguồn nước. “Chi phí có thể lên đến hàng ngàn tỉ USD trong vòng 10 năm nhưng dòng sông đã ô nhiễm như thế rồi không chần chừ được. Ngân sách nhà nước chắc chắn là không thể đáp ứng, chúng ta có thể đi vay. Theo như tôi biết, khá nhiều tổ chức sẵn sàng cho chúng ta vay để cải thiện chất lượng nguồn nước sông” – PGS-TS Sỹ đề xuất.
Ngoài tiền, cơ cấu tổ chức giám sát là vấn đề quan trọng không thể thiếu. Singapore từng cải tạo dòng sông của họ trong vòng 10 năm với kinh phí đến 40-50 tỉ USD, hằng tuần chính cố Thủ tướng Lý Quang Diệu chủ trì một cuộc họp giao ban để giải quyết các khúc mắc trong quá trình thực hiện. Tuy nhiên, cũng phải thấy rằng trách nhiệm ngăn ngừa, xử lý ô nhiễm trước hết thuộc về các địa phương. Đơn cử, trong việc cải thiện chất lượng môi trường nước kênh Ba Bò, TP HCM bỏ ra hơn 700 tỉ đồng để khơi dòng, xây hồ điều tiết… nhưng thực ra chỉ là giải quyết phần ngọn, trong khi phần gốc là Bình Dương phải kiểm soát các nguồn thải thì vẫn chưa được xử lý.
Theo TS Tứ, Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng chưa thực hiện hết trọng trách Chính phủ giao. “Đây là cơ quan có trách nhiệm lập quy hoạch sử dụng, quản lý lưu vực sông cũng như hành lang bảo vệ bờ sông, quy hoạch hành lang bảo vệ nguồn nước… Bộ Tài nguyên và Môi trường cần khẩn trương lập các quy hoạch này đối với sông Đồng Nai. Trên cơ sở đó, địa phương nào có vi phạm quy hoạch phải bị xử lý triệt để” – TS Tứ kiến nghị.
Gấp rút bảo vệSở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Lâm Đồng đã xây dựng dự án “Điều tra, đánh giá, phân vùng xả nước thải vào các nguồn tiếp nhận trên địa bàn trong năm 2014”. Trong đó, bao gồm nội dung điều tra, khảo sát, xác định cụ thể các nguồn thải chính. Ngoài ra, tỉnh cũng đầu tư và đưa vào vận hành nhà máy xử lý nước thải tập trung cho một số phường của TP Đà Lạt.
Mới đây, UBND tỉnh Lâm Đồng đã phê duyệt đề án bảo vệ môi trường lưu vực hệ thống sông Đồng Nai trên địa bàn giai đoạn 2014-2020. Mục tiêu tổng quát của đề án nêu rõ: “Kiểm soát và hạn chế mức độ gia tăng ô nhiễm nguồn nước, bảo vệ sinh thái lưu vực hệ thống sông Đồng Nai” với tổng vốn để triển khai là hơn 1.162 tỉ đồng. Mục tiêu của đề án nhằm kiểm soát và quản lý các nguồn gây ô nhiễm ảnh hưởng trực tiếp đến lưu vực hệ thống sông Đồng Nai; kết hợp xử lý, khắc phục từng bước các điểm có khả năng gây ô nhiễm. Bên cạnh đó, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát các hoạt động xả thải vào nguồn nước; kiểm soát và giám sát chặt chẽ việc thực hiện công tác bảo vệ môi trường đối với các hoạt động khai thác thủy điện, khai thác khoáng sản… M.Hải |