ThienNhien.Net – Tỉnh Đồng Nai hiện có gần 164.000ha đất lâm nghiệp, trong đó đất rừng đặc dụng khoảng gần 102.000ha, rừng phòng hộ gần 31.300ha, còn lại là rừng sản xuất. Dù được đánh giá là địa phương quản lý giữ rừng tương đối tốt, nhưng ở các công ty, lâm trường ở Đồng Nai vẫn còn xảy ra tình trạng đất lâm nghiệp bị lấn chiếm.
Theo đó, toàn tỉnh hiện có gần 2.400ha đất rừng đang có tranh chấp giữa người dân địa phương với các công ty, lâm trường sử dụng đất lâm nghiệp. Tình trạng này đã diễn ra nhiều năm nhưng vẫn chưa được xử lý dứt điểm. Có nhiều lý do dẫn đến tranh chấp đất lâm nghiệp tại Đồng Nai, song chủ yếu là do các nguyên nhân khi thành lập lâm trường không xác định rõ ranh giới giao đất; cư dân sinh sống sử dụng đất trước khi thành lập lâm trường; các lâm trường cho hộ dân mượn đất canh tác dưới tán rừng… Hiện những diện tích đất lâm nghiệp này đã không còn rừng và người dân đang sản xuất nông nghiệp.
Đất lâm nghiệp bị tranh chấp nhiều tại Đồng Nai hiện thuộc về các đơn vị: Ban Quản lý rừng phòng hộ Tân Phú, Công ty TNHH một thành viên lâm nghiệp La Ngà (huyện Định Quán), Vườn quốc gia Cát Tiên, Xí nghiệp nguyên liệu giấy Đông Nam bộ… Mới đây, trong đợt giám sát về quản lý, sử dụng đất nông lâm trường tại tỉnh Đồng Nai, ông Mã Điền Cư, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội, gợi ý: Với đất lâm nghiệp bị lấn chiếm, tỉnh phải cương quyết thu hồi lại hết. Còn những hộ đã sống lâu trên đất lâm nghiệp từ trước khi có các nông, lâm trường thì nên xem xét có thể ký hợp đồng giao khoán để họ vẫn có thể sinh sống và sản xuất.