ThienNhien.Net – Được cấp phép khai thác khoáng sản nhưng chưa làm thủ tục cấp đất để khai thác; chuyển nhượng quyền khai thác nhưng không làm thủ tục với cơ quan chức năng; không có phương án hoàn trả môi trường… là những tồn tại được chỉ ra sau khi Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội kiểm tra 14 đơn vị khai thác khoáng sản trên địa bàn.
Theo báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, Công ty cổ phần (CP) Tập đoàn Xây dựng – Du lịch Bình Minh được cấp phép khai thác cát san lấp trên diện tích 100ha bãi nổi sông Hồng thuộc xã Trung Châu, huyện Đan Phượng, với thời hạn 17 năm. Năm 2008, công ty đã được bàn giao đất và ký hợp đồng thuê đất với Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hà Tây (trước khi Hà Nội mở rộng địa giới hành chính) nhưng đã nợ tiền thuê đất nhiều năm liền. Sau đó, do không đưa đất vào sử dụng trong thời gian kéo dài, năm 2013 UBND thành phố chấp thuận đề nghị của Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, yêu cầu Công ty Bình Minh nộp tiền thuê đất với diện tích được giao trong quý I-2013; sửa chữa đường vào bãi khai thác để sớm triển khai dự án, chậm nhất vào quý III-2013; nếu sau thời gian đó vẫn không triển khai sẽ lập hồ sơ thu hồi đất. Tuy nhiên, thời điểm kiểm tra cuối năm 2014, công ty chưa thực hiện những nội dung yêu cầu này.
Cũng trên địa bàn huyện Đan Phượng, doanh nghiệp tư nhân Hồng Giang được cấp phép khai thác cát san lấp trên diện tích 24ha đất bãi nổi sông Hồng thuộc xã Liên Hồng. Dự án đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư, đưa vào kế hoạch sử dụng đất của UBND huyện Đan Phượng… nhưng chưa được thuê đất và chưa được bàn giao mặt bằng. Tuy nhiên, từ đầu năm 2014, doanh nghiệp này đã khai thác cát làm đường vận chuyển lên đê và phục vụ sản xuất kinh doanh. Tháng 12-2014, UBND thành phố có văn bản giao UBND huyện Đan Phượng kiểm tra, xử lý theo thẩm quyền.
Một dạng vi phạm khác là chuyển quyền khai thác nhưng chưa hoàn tất thủ tục với cơ quan chức năng. Điển hình là trường hợp Công ty liên doanh Sungei Way Hà Tây, được cấp phép khai thác đá thời hạn 30 năm trên diện tích 49ha tại xã Hòa Thạch, huyện Quốc Oai. Năm 2013, Công ty liên doanh Sungei Way Hà Tây ký hợp đồng chuyển quyền khai thác khoáng sản cho Công ty TNHH Xây dựng và Vật liệu Hà Tây, tuy nhiên trong khi thành phố đang xem xét đề nghị chuyển đổi tên trong giấy phép khai thác sang pháp nhân mới, Công ty TNHH Xây dựng và Vật liệu Hà Tây đã điều hành hoạt động, bổ nhiệm giám đốc, lập bản đồ hiện trạng và khai thác với sản lượng tính từ đầu năm 2014 đạt hơn 350.000 tấn. Tương tự, Công ty CP Khoáng sản và Cơ khí được phép khai thác than bùn làm nguyên liệu sản xuất phân khoáng HUMIC trên diện tích 30ha tại xã Thượng Lâm, huyện Mỹ Đức, trong thời hạn 20 năm kể từ năm 2008 nhưng chưa làm thủ tục giao đất, ký hợp đồng thuê đất và thực hiện nghĩa vụ tài chính với Nhà nước. Tuy nhiên, công ty đã khai thác đến năm 2012. Từ năm 2013, công ty ngừng hoạt động nhưng để cho các cá nhân khác tự ý khai thác với tổng khối lượng khoảng 4.000m3.
Ngoài ra, trong quá trình kiểm tra, nhiều trường hợp được cấp phép khai thác nhưng không hoạt động, như Công ty TNHH Thương mại Kim Thanh được cấp phép khai thác cát san lấp trên tổng diện tích 100ha bãi nổi sông Hồng, xã Vân Hà, huyện Phúc Thọ trong thời hạn 9 năm (từ năm 2008) nhưng đến nay vẫn “án binh bất động”. Công ty TNHH Bình Minh được cấp phép khai thác khoáng sản từ năm 2003, thời hạn 15 năm, trên diện tích 26,2ha tại xã Đông Xuân, huyện Quốc Oai. Công ty ký hợp đồng thuê đất từ năm 2007 nhưng đến nay chưa nộp tiền thuê, chưa điều chỉnh giá, ký lại hợp đồng thuê theo quy định và ngừng sản xuất từ năm 2013 với lý do gặp khó khăn. Công ty CP Đầu tư xây dựng và Phát triển hạ tầng Vinaconex 34, Công ty TNHH MTV Đầu tư và Khai thác mỏ, cũng ngừng hoạt động từ năm 2011 đến nay cũng với lý do khó khăn trong kinh doanh.
Theo Sở Tài nguyên và Môi trường, trong 14 đơn vị có giấy phép khai thác khoáng sản, 3 đơn vị chưa hoàn thiện thủ tục về đất đai để được giao mặt bằng triển khai; 2 đơn vị đã chuyển quyền khai thác khoáng sản nhưng chưa hoàn thiện thủ tục với cơ quan thẩm quyền; 6 đơn vị đủ điều kiện pháp lý nhưng ngừng hoạt động; 5 đơn vị nợ tiền thuê đất với Nhà nước nhiều năm… Với những tồn tại trên, Sở Tài nguyên và Môi trường đã kiến nghị UBND thành phố thanh tra việc chấp hành quy định pháp luật đất đai, khoáng sản, môi trường, thuế và pháp luật có liên quan trong hoạt động khoáng sản với 4 đơn vị, trong quý II-2015, nếu thấy đủ điều kiện báo cáo thành phố thu hồi giấy phép khai thác khoáng sản. Riêng hai đơn vị là Công ty TNHH Thương mại Kim Thanh và Công ty CP Tập đoàn Xây dựng – Du lịch Bình Minh (đã có chỉ đạo xử lý vi phạm của UBND thành phố trước đó) sẽ thanh tra việc chấp hành các quy định của pháp luật và thực hiện chỉ đạo của UBND thành phố để xử lý nghiêm. Được biết, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hà Nội Vũ Hồng Khanh đã đồng ý với kiến nghị của Sở Tài nguyên và Môi trường và yêu cầu Sở cùng chính quyền các địa phương khẩn trương thanh tra việc chấp hành quy định pháp luật đối với các đơn vị trên.
Phó Chủ tịch Vũ Hồng Khanh cũng yêu cầu Sở Tài nguyên và Môi trường xử lý nghiêm các trường hợp chưa thuê đất nhưng đã khai thác khoáng sản. Đồng thời giao các sở, ngành liên quan đôn đốc các đơn vị thực hiện nghĩa vụ tài chính như thuế tài nguyên, tiền thuê đất, phí bảo vệ môi trường… thường xuyên kiểm tra, ngăn chặn việc khai thác khoáng sản trái phép.