ThienNhien.Net – Từ nhiều năm qua, tình trạng ô nhiễm sông Nhuệ ngày càng nghiêm trọng. Người dân sống dọc theo sông Nhuệ đang phải gánh chịu hậu quả khi số lượng người bị mắc bệnh ung thư tăng đột biến.
Sông Nhuệ kêu cứu
Sông Nhuệ có chiều dài 70km, điểm bắt đầu từ cống Liên Mạc lấy nước từ sông Hồng, đoạn qua quận Bắc Từ Liêm, thành phố Hà Nội và điểm kết thúc tại cống Phủ Lý khi hợp lưu với sông Đáy và sông Châu Giang. Nó là 1 trong bốn kênh tiêu thoát nước quan trọng nhất của thành phố Hà Nội. Theo kết quả khảo sát của Bộ Tài nguyên và Môi trường, hiện sông Nhuệ đang phải hứng chịu nguồn nước thải từ 700 đầu mối đổ vào với khối lượng 400 nghìn m3/ngày. Trong đó có nước thải của 8 khu công nghiệp, với gần 500 cơ sở và cụm công nghiệp; khoảng 360 làng nghề và các đô thị; khu dân cư; du lịch, khách sạn; nhà hàng; các cơ sở y tế.
Theo phản ánh của nhiều người dân sinh sống cạnh dòng sông Nhuệ, khoảng 10 năm trở lại đây, dòng sông Nhuệ đã bị ô nhiễm nặng nề, ảnh hưởng đến cuộc sống của hàng nghìn người dân xã Hoàng Tây, huyện Kim Bảng – tỉnh Hà Nam. Mức độ ô nhiễm nặng đến mức, toàn bộ số rau muống, củ quả mà người dân trông trên ruộng đã bị thối rữa do hàng ngày họ vẫn lấy nước sông Nhuệ để tưới rau.
Là một người dân sống cạnh sông Nhuệ đoạn chảy qua xã địa phận xã Hoàng Tây, anh Nguyễn Văn Lý cho biết, trên khúc sông này không còn một loại thủy sản nào có thể sống được trên, ngoài duy nhất một loại cá dọn bể, không có giá trị. Thế nhưng, ngay cả các loại gia súc sau khi ăn loại cá này nhiều lúc cũng bị bệnh.
“Thỉnh thoảng tôi vẫn phải sang sát khu vực sông Đáy mới có thể đánh bắt được một vài mẻ cá rô phi đi lạc, nhưng cũng chẳng dám ăn vì nước ở đây quá ô nhiễm, ăn vào sợ bị bệnh. Cá rô phi đánh được chỉ dùng làm thức ăn cho lợn” anh Lý nói.
Ông Trương Văn Khương – Phó chủ tịch xã Hoàng Tây, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam cho biết, do nguồn nước để tưới cho cây lúa bị thiếu nên thỉnh thoảng người dân vẫn phải dùng nước đen của sông Nhuệ để đưa vào đồng ruộng. Mặc dù là biết có thể ảnh hưởng không nhỏ, tác động tới môi trường, cây lúa, tới đời sống của bà con nhưng chúng tôi vẫn bắt buộc phải lấy. Được biết, không chỉ người dân xã Hoàng Tây phải gánh chịu sự ô nhiễm của sông Nhuệ mà rất nhiều khu vực hạ lưu khác cũng đang phải gánh chịu hậu quả do sự ô nhiễm này.
Kết quả quan trắc môi trường lưu vực sông Nhuệ năm 2014 cho thấy các chỉ COD, BODA, NH4+, hàm lượng chất rắn lơ lửng trong nước, hàm lượng kim loại nặng đã vượt nhiều lần cho phép. Đặc biệt, mức độ ô nhiễm càng nghiêm trọng hơn vào mùa cạn khi mực nước sông Hồng xuống thấp không bổ sung được nước cho sông Nhuệ. Và đây là nguyên nhân khiến cho dịch bệnh, bệnh tật ở xã Hoàng Tây đặc biệt nghiêm trọng.
Còn theo số liệu quan chắc của Tổng cục môi trường thì hàm lượng BOD và COD trên sông Nhuệ lớn gấp 3-5 lần so với tiêu chuẩn cho phép loại B đối với nước mặt là nước sử dụng cho mục đích tưới tiêu. Báo động tình trạng làm chết dòng sông.
Người dân ám ảnh căn bệnh ung thư
Do nguồn nước ô nhiễm nặng ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của nhiều người dân xã Hoàng Tây. Bằng chứng, chỉ trong 5 năm trở lại đây, đã có 48 người trong xã Hoàng Tây chết vì căn bệnh ung thư. Chỉ tính riêng 3 tháng đầu năm 2015, đã có 3 người chết vì căn bệnh này và còn khoảng 5 trường hợp đang bị ung thư giai đoạn cuối. Cá biệt có hộ gia đình sống sát bên bờ sông cả nhà 3 người đều bị ung thư và đã mất. Trong báo cáo mới đây nhất của Bộ TN & MT, xã Hoàng Tây đứng thứ 5 trong danh sách 10 xã có tỉ lệ người mắc ung thư cao nhất cả nước.
Ngoài căn bệnh ung thư, khoảng 45% người dân xã Hoàng Tây bị mắc các bệnh liên quan đến đường tiêu hóa, bệnh ngoài da, bệnh phụ khoa, và càng ngày càng tăng.
Trao đổi với PV VnMedia, ông Lê Văn Tuấn, trưởng trạm y tế xã Hoàng Tây, Kim Bảng, Hà Nam cho biết, mỗi năm có trên 5.000 bệnh nhân đến khám thì phải trên 80% bị các loại bệnh liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp đến nguồn nước sông Nhuệ. Vấn đề ông Tuấn lo ngại nhất hiện nay do nguồn nước sinh hoạt của người dân đang bị ô nhiễm từ sông Nhuệ dẫn đến tỉ lệ người mắc ung thư tại xã Hoàng Tây cao.
Được biết, hiện người dân xã Hoàng Tây do chưa có nước máy để sử dụng nên phải dùng nước giếng khoan để sinh hoạt. Nếu khoan ở độ sâu dưới 40m thì nước có màu vàng và mùi tanh nồng không thể sử dụng được. Nhiều hộ dân phải sử dụng hệ thống lọc để sử dụng, tuy nhiên cũng không một ai có thể bảo đảm rằng nguồn nước này an toàn khi mà sự ô nhiễm từ sông Nhuệ thẩm thấu vào đất vào các mạch nước ngầm xung quanh xã Hoàng Tây.
Trong khi chờ dự án nước sạch của tỉnh Hà Nam, không còn cách nào khác người dân xã Hoàng Tây phải sử dụng nước mưa để ăn, còn nước giếng khoan chỉ dùng để tắm, giặt. Thế nhưng nguồn nước được cho là sạch nhất này cũng không thể đủ dùng cho nhu cầu tối thiểu là ăn, uống.