ThienNhien.Net – Phóng viên Báo Hải quan đã có cuộc phỏng vấn ông Nguyễn Văn Thuấn, Tổng cục trưởng Tổng cục Địa chất Khoáng sản Việt Nam (Bộ TN&MT) một số vấn đề liên quan đến việc thực hiện đấu giá cấp quyền khai thác khoáng sản.
Thưa ông, công tác thực hiện đấu giá cấp quyền khai thác khoáng sản đã được thực hiện đến đâu? Các bước thực hiện đấu giá sẽ được thực hiện như thế nào?
Theo Quyết định phê duyệt kế hoạch đấu giá quyền khai thác khoáng sản đợt 1 vừa được Bộ TN-MT phê duyệt, việc đấu giá quyền khai thác khoáng sản sẽ được tiến hành tại 4 khu vực: Sắt tại Khe Bằng, xã Thu Cúc (Tân Sơn, Phú Thọ); metacacbonat (đá ốp lát và đá cảnh) tại xã Suối Giàng (Văn Chấn, Yên Bái); vàng tại Xà Khía (Lệ Thuỷ, Quảng Bình) và fluorit tại Bình Đường (Nguyên Bình, Cao Bằng).
Thực hiện chỉ đạo của Bộ, chúng tôi đang triển khai kiểm tra thực địa khu vực mỏ được đấu giá và làm việc với chính quyền địa phương nơi có khu vực được đấu giá. Song song với đó, chúng tôi đang hoàn tất công việc lập hồ sơ để tiến hành đấu giá. Dự kiến trong tháng 4 chúng tôi sẽ bán hồ sơ cho các doanh nghiệp.
Để đảm bảo công khai minh bạch việc đấu giá cấp quyền khai thác khoáng sản sẽ thực hiện theo các bước, bao gồm: Lập hồ sơ mời đấu giá; xét chọn doanh nghiệp đủ điều kiện tham gia đấu giá; công bố công khai trên phương tiện thông tin đại chúng danh sách doanh nghiệp tham gia đấu giá; cơ quan Nhà nước sẽ mời doanh nghiệp đến để giải đáp mọi thắc mắc của doanh nghiệp (nếu có) và đưa doanh nghiệp đi thực địa xem xét khu vực mỏ nếu có yêu cầu; doanh nghiệp đóng tiền đặt cọc; cuối cùng, tổ chức đấu giá công khai. Hội đồng đấu giá là các thành viên thuộc các bộ, ngành liên quan và chính quyền địa phương nơi có mỏ đấu giá tham gia.
Ngoài ra, trong hồ sơ mời đấu giá Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam sẽ thông báo rõ các tiêu chí. Thứ nhất, doanh nghiệp phải chứng minh được năng lực tài chính để thực hiện dự án đó; Thứ hai, doanh nghiệp có chuyên môn về thăm dò, khai thác khoáng sản; Thứ ba, doanh nghiệp phải cam kết chế biến sâu khoáng sản. Các doanh nghiệp phải đáp ứng được các tiêu chí trên mới đủ điều kiện vào vòng trong dự đấu giá. Phiên đấu giá, doanh nghiệp nào trả cho Nhà nước số tiền nhiều hơn sẽ trúng đấu giá.
Ý nghĩa của việc cấp quyền khai thác khoáng sản là gì, thưa ông?
Đấu giá cấp quyền khai thác khoáng sản, kể cả đấu giá ở khu vực đã có kết quả thăm dò hay chưa có kết quả thăm dò, mục đích chính là chọn ra được tổ chức, cá nhân có năng lực tham gia đầu tư vào lĩnh vực khoáng sản thông qua hình thức đấu giá công khai.
Bản chất đấu giá là ai trả giá cao nhất sẽ được lựa chọn, yếu tố năng lực, tài chính, năng lực kỹ thuật cũng được xem xét đầu tiên để lựa chọn tổ chức, cá nhân được tham gia đấu giá. Còn khi đã vào phiên đấu giá yếu tố giá cả vẫn được đặt lên hàng đầu.
Thực tế việc khai thác khoáng sản là hoạt động chịu nhiều rủi ro vì tài nguyên nằm dưới lòng đất, nếu doanh nghiệp không có chuyên môn, nguồn lực tài chính… sẽ không đem lại hiệu quả.
Trước đây chúng ta không thu tiền khai thác khoáng sản nên DN chỗ nào dễ thì làm chỗ nào khó thì bỏ. Như vậy, quá lãng phí tài nguyên quốc gia. Khi thực hiện đấu giá cấp quyền khai thác khoáng sản buộc các doanh nghiệp phải tính toán, xem xét để làm sao khai thác có hiệu quả.
Sắp tới Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam sẽ thực hiện phiên đấu giá cấp quyền khai thác khoáng sản đợt 1. Vậy theo ông các doanh nghiệp có mặn mà với phiên đấu giá lần này?
Trước đây, doanh nghiệp tự thăm dò các mỏ khoáng sản sau đó nộp hồ sơ xin cấp phép khai thác. Có nhiều doanh nghiệp không đáp ứng đủ nguồn lực tài chính, công nghệ vẫn được cấp quyền khai thác khoáng sản. Dẫn tới việc doanh nghiệp khai thác khoáng sản không hiệu quả “chỗ nào khó thì bỏ”.
Tuy nhiên, theo Luật Khoáng sản 2010 (sửa đổi), để được khai thác khoáng sản doanh nghiệp phải đáp ứng được các tiêu chí về nguồn lực tài chính, công nghệ khai thác… mới được tham gia phiên đấu giá. Tại phiên đấu giá, doanh nghiệp nào trả giá cao mới được cấp quyền khai thác khoáng sản.
Tôi thấy phiên đấu giá cấp quyền khai thác khoáng sản đợt 1 sắp tới, nhiều doanh nghiệp lớn, có nguồn lực tài chính mạnh rất hưởng ứng việc cấp quyền khai thác khoáng sản. Tuy nhiên, những doanh nghiệp nhỏ lại tỏ ra không hào hứng với việc cấp quyền khai thác khoáng sản vì không đáp ứng đủ điều kiện để tham gia đấu giá.
Khi không được cấp quyền khai thác khoáng sản, doanh nghiệp sẽ không được tham gia khai thác. Vì trong cuộc chơi này các doanh nghiệp nhỏ, không có nguồn lực tài chính sẽ bị đào thải.