ThienNhien.Net – Đó là phát biểu trả lời của Bộ trưởng, CNVP Chính phủ Nguyễn Văn Nên tại buổi họp báo thường kỳ Chính phủ chiều 01/4. Bộ trưởng Nguyễn Văn Nên cho rằng:
Trong tất cả những việc mà chúng ta làm như thay xây xanh Hà Nội, lấn sông Đồng Nai mà cấp ngành, địa phương quản lý xem xét vấn đề thật kỹ thì đã không xảy ra việc tương tự…Qua việc này chúng ta rút ra kinh nghiệm sâu sắc trên tinh thần nếu có sai thì sửa, nếu ai vi phạm, vi phạm đến đâu sẽ xử lý nghiêm minh đến đó…
Bên cạnh đó, có trên 20 câu hỏi về những vấn đề an sinh xã hội mà các phóng viên đã chuyển tới Bộ trưởng Chủ nhiệm VPCP kiêm người phát ngôn của Thủ tướng Chính phủ đã được trả lời trong chiều 01/4. Phóng viên báo tainguyenmoitruong.vn xin lược ghi để độc giả được rõ.
PV: Việc tỉnh Đồng Nai cho phép doanh nghiệp lấn sông Đồng Nai để xây dựng dự án ở thành phố Biên Hòa gây bức xúc trong dư luận, xin Bộ trưởng cho biết Chính phủ đã chỉ đạo việc này thế nào?
Bộ trưởng Nguyễn Văn Nên: Về việc này, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã chỉ đạo Bộ TN&MT chủ trì, phối hợp với các Bộ: NN&PTNT, Xây dựng, GTVT, UBND tỉnh Đồng Nai và các cơ quan liên quan kiểm tra việc thực hiện, đánh giá tác động của dự án, xử lý theo thẩm quyền và quy định của pháp luật hiện hành; đề xuất xử lý những vấn đề vượt thẩm quyền, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 5/2015.
Các Bộ và UBND tỉnh Đồng Nai đang tích cực triển khai ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng. UBND tỉnh Đồng Nai đã quyết định dừng triển khai dự án này để thẩm định tính pháp lý và đánh giá, làm rõ hơn các tác động của dự án. Trên cơ sở báo cáo của các Bộ và UBND tỉnh Đồng Nai, Thủ tướng Chính phủ sẽ có ý kiến về việc này.
PV: Việc cải tạo, thay thế cây xanh đô thị tại Hà Nội vừa qua không nhận được sự đồng tình của dư luận. Đề nghị Người phát ngôn Chính phủ cho biết quan điểm và giải pháp về vấn đề này?
Bộ trưởng Nguyễn Văn Nên: Việc quản lý cây xanh đô thị được quy định tại Nghị định số 64/2010/NĐ-CP của Chính phủ. Theo đó, UBND các tỉnh, thành phố có trách nhiệm quản lý toàn bộ cây xanh trên địa bàn. Nghị định cũng quy định rõ 3 loại cây được chặt hạ, dịch chuyển là: Cây đã chết, đã bị đổ gãy hoặc có nguy cơ gãy đổ gây nguy hiểm; cây bị bệnh hoặc đến tuổi già cỗi không đảm bảo an toàn; cây trong các khu vực thực hiện dự án đầu tư xây dựng công trình.
Việc chặt hạ, thay thế cây xanh của TP Hà Nội vừa qua đã không được dư luận đồng tình, gây bức xúc xã hội. Trước tình hình này, UBND TP Hà Nội đã có chỉ đạo dừng triển khai kế hoạch và tiến hành thanh tra, kiểm tra làm rõ để có biện pháp xử lý theo quy định.
UBND TP Hà Nội đã có báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ về tình hình chặt hạ, thay thế cây xanh vừa qua và đề xuất các giải pháp xử lý. Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ đạo yêu cầu UBND TP Hà Nội: (1) Khẩn trương thanh tra, làm rõ, kết luận và xử lý nghiêm trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân theo quy định; (2) Rà soát, đánh giá các biện pháp, cách thức tổ chức thực hiện; kịp thời điều chỉnh biện pháp, cách làm không phù hợp, khắc phục những tồn tại, bất cập trong quá trình tổ chức thực hiện; (3) Tăng cường quản lý cây xanh đô thị trên địa bàn TP Hà Nội theo đúng quy định; (4) Thông tin kịp thời, đầy đủ, công khai, minh bạch và tiếp thu ý kiến của các chuyên gia, các nhà khoa học, nhân dân, tạo sự đồng thuận trước khi thực hiện.
PV: Về đề xuất tịch thu phương tiện đối với người điều khiển ôtô, xe máy, xe điện sử dụng rượu bia của Uỷ ban ATGT Quốc gia, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu Bộ GTVT chủ trì, phối hợp các Bộ Công an, Tư pháp nghiên cứu đề xuất này, báo cáo Thủ tướng trước 31/3. Bộ trưởng có thể cho biết, Thủ tướng đã nhận được báo cáo chưa và chỉ đạo như thế nào?
Bộ trưởng Nguyễn Văn Nên: Việc xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ hiện đang được thực hiện theo quy định tại Nghị định số 171/2013/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt và Nghị định số 107/2014/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 171.
Thực hiện chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ GTVT đã phối hợp với các Bộ, ngành liên quan nghiên cứu báo cáo Thủ tướng Chính phủ: Đề xuất của Uỷ ban ATGT Quốc gia là có cơ sở pháp lý, phù hợp với Điều 14 của Hiến pháp 2013 và được quy định trong Luật Xử lý vi phạm hành chính, Nghị định số 171/2013/NĐ-CP. Tuy nhiên, cần có thời gian tuyên truyền, phổ biến, vận động tạo sự đồng thuận cao trong xã hội và người dân. Vì vậy, tại thời điểm hiện nay, các Bộ đề nghị chưa áp dụng hình thức tịch thu phương tiện đối với hành vi vi phạm nêu trên.
Tại phiên họp thường kỳ tháng 3, Chính phủ đã thảo luận và thống nhất chưa thực hiện biện pháp tịch thu phương tiện đối với hành vi vi phạm này; giao Bộ GTVT chủ trì, phối hợp với Bộ Công an, Bộ Tư pháp và các bộ, ngành liên quan tổ chức tổng kết, đánh giá việc triển khai thực hiện Nghị định 171/2013/NĐ-CP, Nghị định 107/2014/NĐ-CP, trên cơ sở đó, xây dựng dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định này cho phù hợp với thực tiễn, bảo đảm tính khả thi, trình Chính phủ trong năm 2015.
Đồng thời, cho phép tạm thời chưa áp dụng xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm quy định về tải trọng trục xe ô tô chở hàng hóa được quy định tại Nghị định 171/2013/NĐ-CP và Nghị định 107/2014/NĐ-CP của Chính phủ cho đến khi Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của hai Nghị định có hiệu lực.
PV: Một số ý kiến chưa đồng tình với việc điều chỉnh tăng giá điện vừa qua của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) vì cho rằng EVN thiếu minh bạch trong giá điện; nếu Bộ Công Thương chỉ dựa vào báo cáo của EVN để quyết định cho tăng giá thì mới đứng về phía doanh nghiệp, chưa quan tâm lợi ích của người tiêu dùng. Xin ông cho biết quan điểm của Chính phủ về vấn đề này?
Bộ trưởng Nguyễn Văn Nên: Trong những năm vừa qua, Bộ Công Thương đã chỉ đạo tích cực thực hiện việc công khai, minh bạch đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh điện.
Thực hiện Quyết định 24/2011/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về điều chỉnh giá bán điện theo cơ chế thị trường, từ năm 2011 Tổ công tác liên ngành gồm đại diện các bộ, cơ quan liên quan, trong đó có Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Hiệp hội bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đã triển khai công tác kiểm tra giá thành sản xuất, kinh doanh điện. Căn cứ vào kết quả kiểm tra, Bộ Công Thương thay mặt Tổ công tác liên ngành đã tổ chức họp báo, công bố, gửi cho các cơ quan báo chí và đăng tải công khai trên trang web của Bộ các nội dung về giá thành sản xuất kinh doanh điện, chi phí các khâu phát điện, truyền tải, phân phối bán lẻ điện, chi phí điều hành quản lý và dịch vụ phụ trợ hệ thống; kết quả hoạt động (lỗ/lãi) của sản xuất, kinh doanh điện; các khoản còn treo chưa được phân bổ vào giá điện.
Việc điều chỉnh giá bán điện ngày 16/3 vừa qua là cần thiết và căn cứ vào giá thành sản xuất, kinh doanh điện năm 2013 đã được kiểm toán độc lập và kiểm tra của Tổ công tác liên ngành; chi phí ước thực hiện năm 2014, trong đó các yếu tố tăng giảm chi phí đầu vào như tăng giá than, giá khí, tỷ giá, thuế tài nguyên nước, giá mua điện từ các nhà máy thủy điện nhỏ; chỉ có giá dầu là giảm. Đồng thời bảo đảm phù hợp với Quyết định 69/2013/QĐ-TTg về cơ chế điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân, Quyết định số 2165/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về khung giá của mức giá bán lẻ điện bình quân các năm 2013-2015.
Phương án điều chỉnh giá cũng được các Bộ: Công Thương, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Ngân hàng Nhà nước thống nhất. Đây cũng là phương án tăng thấp và ít tác động đến kinh tế – xã hội; dự tính chỉ làm tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) năm 2015 khoảng 0,18% – 0,23%; ngân sách nhà nước hỗ trợ tiền điện cho các hộ nghèo, hộ chính sách xã hội sẽ tăng thêm mỗi năm khoảng 150 tỷ đồng. Đối với một số ngành sản xuất có mức tiêu thụ điện cao như thép, xi măng, ước tính tỷ lệ tăng giá thành khoảng 0,07% – 0,66%.
PV: Việc điều chỉnh đồng thời giá điện và giá xăng dầu cùng một lúc được nhận định là chưa hợp lý vì tạo sức ép gia tăng lạm phát, ảnh hưởng lớn đến đời sống của người dân và hoạt động của doanh nghiệp. Xin Bộ trưởng cho biết Chính phủ có ý kiến gì về việc điều chỉnh này?
Bộ trưởng Nguyễn Văn Nên: Điện và xăng dầu là hai mặt hàng rất quan trọng đối với nền kinh tế; cơ chế quản lý, điều chỉnh giá phải tuân thủ quy trình, thủ tục, nguyên tắc theo quy định của pháp luật. Giá bán xăng dầu được thực hiện theo cơ chế thị trường, có sự quản lý của Nhà nước.
Hiện nay, việc điều hành giá xăng dầu đã cơ bản theo cơ chế thị trường; giá bán lẻ xăng dầu trong nước được điều chỉnh trên cơ sở biến động giá xăng dầu thế giới, kết hợp với các công cụ điều tiết thuế và quỹ bình ổn giá xăng dầu, đáp ứng yêu cầu chỉ đạo, điều hành kinh tế -xã hội theo quy định tại Nghị định 83/2014/NĐ-CP của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu.
Việc điều chỉnh giá điện, giá xăng dầu cùng trong tháng 3/2015 vừa qua đã được các cơ quan có thẩm quyền cân nhắc thận trọng, ngoài biến động các yếu tố chi phí đầu vào (có tăng, có giảm) còn đánh giá tác động của việc điều chỉnh giá đến kinh tế, xã hội, trên cơ sở đó lựa chọn phương án có tác động bất lợi thấp nhất và hỗ trợ người tiêu dùng điện ở mức phù hợp. Trong bối cảnh chỉ số giá tiêu dùng năm 2014 và những tháng đầu năm 2015 ở mức thấp, việc điều chỉnh giá điện, xăng dầu này không ảnh hưởng nhiều đến ổn định kinh tế vĩ mô. Đợt điều chỉnh giá xăng dầu ngày 11/3/2015 ước tính làm tăng CPI của tháng 3/2015 khoảng 0,04%; việc điều chỉnh giá điện ước tính làm tăng CPI năm 2015 khoảng 0,18% – 0,23% như đã nêu trên.
PV: Trân trọng cám ơn Bộ trưởng!