ThienNhien.Net – Bắt nguồn từ cao nguyên Lâm Viên (Lâm Đồng) và đổ vào sông Sài Gòn để ra biển Đông, sông Đồng Nai đang “lở loét”, ô nhiễm và cạn dòng vì các công trình xung quanh.
Sông Đồng Nai đang chịu nhiều sức ép đối với môi trường nước, đặc biệt là các hoạt động khai thác khoáng sản, phát triển đô thị, công nghiệp…
Lâm Đồng là nơi đầu nguồn của 2 hệ thống sông suối chính: sông Krông Nô (một chi lưu của sông Srêpok – Mê Kông) và sông Đồng Nai – La Ngà có diện tích lưu vực 8.524 km2, gồm các sông Đa Dâng, Đa Nhim, Đại Nga, Đạ Huoai và một số phụ lưu phía tả ngạn sông Đồng Nai Thượng, chảy về vùng Đông Nam Bộ. Với vị trí này, Lâm Đồng có vai trò hết sức quan trọng trong việc bảo vệ nguồn nước hệ thống sông Đồng Nai và hệ thống sông Krông Nô.
“Gánh” hàng trăm ngàn tấn phân bón, hóa chất
Trong những năm qua, cùng với sự phát triển kinh tế đã tạo ra nhiều sức ép đối với môi trường nước ở lưu vực hệ thống sông Đồng Nai, đặc biệt là các hoạt động khai thác khoáng sản, phát triển đô thị, du lịch, công nghiệp, nông nghiệp… gây ô nhiễm cục bộ tại nhiều nơi. Bên cạnh đó, trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng hiện có rất nhiều công trình thủy điện như Đa Nhim; Đại Ninh; Đồng Nai 2, 3, 4, 5… và nhiều công trình khai thác cát cũng tác động đến nguồn nước trên lưu vực.
Ông Lương Văn Ngự, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Lâm Đồng, cho biết hằng năm, địa phương sử dụng hơn 500.000 tấn phân bón, 3.000 tấn thuốc bảo vệ thực vật… và dư lượng các hóa chất này đều đổ vào các hồ chứa, sông suối. Theo dòng chảy, tất cả những mối nguy hại trên sẽ đổ ra sông Đồng Nai. Do vậy, nếu không sớm giải quyết các mối họa gây ô nhiễm sông Đồng Nai thì chính TP HCM, Đồng Nai và Bình Dương là 3 địa phương gánh chịu hậu quả nặng nề nhất.
Theo khảo sát của phóng viên Báo Người Lao Động, nhiều doanh nghiệp sản xuất có phát sinh nước thải ra sông Đồng Nai chủ yếu thuộc địa bàn TP Bảo Lộc (một số nhà máy dệt nhuộm); huyện Đức Trọng, Lâm Hà (chế biến cà phê); huyện Đạ Tẻh và Cát Tiên (khai thác cát) đang âm thầm “giết” sông Đồng Nai từng ngày.
Hàng triệu người bị ảnh hưởng
Nguồn nước hệ thống sông Đồng Nai có tầm quan trọng đặc biệt, trong đó quan trọng hơn cả là chức năng cung cấp nước sinh hoạt cho hàng triệu người dân sinh sống trong vùng. Tuy nhiên, sức ép các hoạt động phát triển kinh tế – xã hội lên môi trường nước của lưu vực hệ thống sông Đồng Naingày càng lớn, khiến nguồn nước mặt bị ô nhiễm nặng. Theo Ủy ban Bảo vệ môi trường lưu vực hệ thống sông Đồng Nai, hiện nay có hơn 1.000 cơ sở thuộc danh mục các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng về nước thải với lưu lượng xả ra lưu vực hệ thống sông Đồng Nai trên 50 m3/ngày đêm.
Trước thực trạng này, cuối năm 2007, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt “Đề án bảo vệ môi trường lưu vực hệ thống sông Đồng Nai đến năm 2020” và thành lập Ủy ban Bảo vệ môi trường lưu vực hệ thống sông Đồng Nai vào năm 2008.
Theo đánh giá của ủy ban này, mặc dù thời gian qua, các địa phương trong lưu vực đã có nhiều biện pháp nhằm cải thiện chất lượng nước nhưng tình trạng ô nhiễm môi trường diễn biến nhanh và phức tạp, gây bức xúc trong dư luận và ảnh hưởng đến đời sống nhân dân trong lưu vực. Một số điểm nóng như kênh Ba Bò, Thầy Cai, tiến độ khắc phục còn chậm, chất lượng nước sông Thị Vải tuy được cải thiện nhưng tốc độ đã chững lại và có dấu hiệu xấu đi…
Ủy ban bảo vệ môi trường lưu vực hệ thống sông Đồng Nai cho biết hiện nay, trên sông và hệ thống kênh rạch thuộc lưu vực hệ thống sông Đồng Nai đang có tình trạng lục bình sinh sôi phát triển, cùng với cỏ dại và rác thải tích tụ qua nhiều năm gây tắc nghẽn dòng chảy, cản trở hoạt động giao thông thủy và khả năng tiêu thoát nước, tác động tiêu cực đến chất lượng nước sông. Mặc dù trong thời gian qua, một số tỉnh, thành đã tiến hành nhiều dự án cải tạo, nạo vét, khai thông dòng chảy, tổ chức thu gom, xử lý lục bình, cỏ dại, rác thải nhưng kết quả còn nhiều hạn chế, chưa bền vững.
Vụ lấp sông Đồng Nai: Quá liều lĩnh và vô trách nhiệm!
Chiều 31-3, trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, GS-TSKH Phạm Hồng Giang – nguyên Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chủ tịch Hội Đập lớn và Phát triển nguồn nước Việt Nam, Phó Chủ tịch Ủy hội Đập lớn thế giới – đã bày tỏ sự khó hiểu trước việc tỉnh Đồng Nai cho phép Công ty Toàn Thịnh Phát lấp sông Đồng Nai để làm dự án. “Tại sao tỉnh Đồng Nai lại có thể làm việc hết sức liều lĩnh và vô trách nhiệm như vậy? Ở Việt Nam chưa từng có việc lấp sông với quy mô lớn như Đồng Nai với mục đích để kinh doanh” – ông Giang nói. Theo bà Trần Thị Quốc Khánh, Ủy viên Thường trực Ủy ban Khoa học – Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, mỗi địa phương trong lưu vực sông Đồng Nai đều có quyền trong phạm vi địa giới do mình quản lý. Tuy nhiên, dự án triển khai đang gây bức xúc trong dư luận là vấn đề hoàn toàn khác vì nó liên quan đến thẩm quyền của các địa phương đã được quy định trong luật cũng như các văn bản khác. Bà Khánh cho biết ngay tại Đại hội đồng Liên minh Nghị viện thế giới (IPU 132) đang diễn ra ở Việt Nam, các đại biểu cũng bàn rất nhiều đến việc phải nghiêm ngặt trong việc bảo vệ nguồn nước bởi đây đang là vấn đề bức xúc trên toàn cầu. “Nếu để cho các địa phương và ngay cả các nước trong khu vực thấy chúng ta ứng xử với con sông không phù hợp thì sau này mình kiến nghị điều gì đó với họ sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Vì vậy, Đồng Nai phải lắng nghe và cầu thị” – bà Khánh đề nghị. V.Duẩn |
Kỳ tới: “Hung thần” thủy điện