ThienNhien.Net – Đồng Nai là một trong những tỉnh hiện có nguy cơ cháy rừng cấp 5 – cấp cực kỳ nguy hiểm trong mùa khô năm nay.
Những ngày cao điểm này, Khu Bảo tồn Thiên nhiên – Văn hóa Đồng Nai (KBT) tăng cường lực lượng tuần tra, chốt trực suốt ngày đêm tại các điểm nóng…
Trực canh 24/24
Giữa trưa nắng nóng những ngày cuối tháng 3, chúng tôi tìm đến Trạm Kiểm lâm Cây Gùi (ấp 4, xã Mã Đà, huyện Vĩnh Cửu, Đồng Nai).
Khắp nơi vắng vẻ. Trạm trưởng Nguyễn Văn Chiến cho biết: “Giờ này tất cả anh em cán bộ kiểm lâm đã đi kiểm tra, chốt trực tại các điểm gác quan trọng trên địa bàn phụ trách rồi. Thậm chí buổi trưa chúng tôi cũng chỉ để một người trực trạm, còn tất cả anh em tranh thủ ăn vội cơm rồi lại tiếp tục ra canh rừng”.
Theo chân Trạm trưởng Chiến, chúng tôi đến một số khu vực trọng điểm, nơi người dân và cán bộ kiểm lâm chia nhau canh trực suốt ngày đêm để PCCCR. Anh Chiến chia sẻ: “Trạm chúng tôi chỉ có 7 người nhưng phải quản lý diện tích rừng tới hơn 4.700 ha. Do vậy, công tác quản lý bảo vệ rừng và PCCR gặp rất nhiều khó khăn”.
Ông Trương Văn (người dân tại khoảnh 5, tiểu khu 121, thuộc Trạm Kiểm lâm Cây Gùi) tâm sự: “Ngày xưa tôi định lên đây làm một thời gian để kiếm tiền rồi quay về quê sống, nhưng không biết mình đã quý rừng từ lúc nào Mà gắn bó với rừng cho đến tận bây giờ. Mỗi khi nghe báo đài đưa tin về các vụ chặt phá rừng, bẫy thú, săn bắt động vật hoang dã khiến tôi rất bức xúc”.
Suốt gần 40 năm qua ông Văn đã tình nguyện tham gia công tác bảo vệ rừng, PCCCR vào mùa khô với Lâm trường và KBT, vừa tạo thêm thu nhập lo phụ gia đình, đồng thời ông muốn đóng góp việc làm ý nghĩa cho xã hội.
Do vậy, ông gắn bó với rừng ngay từ khi Lâm trường Mã Đà còn đang quản lý rừng đến khi KBT được thành lập, ông vẫn tiếp tục tham gia PCCCR cho đến nay.
Theo kinh nghiệm của ông Văn trong công tác PCCCR, nguyên nhân có thể gây cháy rừng phần lớn do con người gây ra trong khi phát đốt, dọn nương rẫy, vào rừng hái lượm, săn bắt tổ ong hay vô tình vứt tàn thuốc bừa bãi…
“Tôi đang ngồi đây nhưng nếu xảy ra cháy ở đâu tôi đều biết ngay. Bởi khi cháy, các đốm tro tàn bay lên, cháy lớn tàn sẽ bay xa, cháy nhỏ tàn bay gần”, ông Văn nói.
Tiếp tục tìm đến khu vực chòi canh của Trạm Kiểm lâm Rang Rang (tại khoảnh 2, tiểu khu 102), chúng tôi quan sát thấy, cứ cách 1 đoạn rừng lại có người dân và cán bộ kiểm lâm ngồi trực dưới cái nắng rát bỏng buổi trưa.
Kiểm lâm viên Trương Minh Ngọc cho biết, vào đợt cao điểm của mùa khô thì Trạm phải phân công hai người trực ở chòi canh, còn ngày thường chỉ cần một người. Từ trên chòi canh cao 25 m, người trực luôn quan sát về các hướng, nếu phát hiện có khói bốc lên ở hướng nào thì lập tức phải gọi điện cho người phụ trách nơi đó đến xác minh và xử lý.
Do diện tích rừng của Khu Bảo tồn Thiên nhiên- Văn hóa Đồng Nai quá lớn, người dân vào sinh sống và SX nông nghiệp đông cộng thêm khí hậu hanh khô… là những yếu tố có thể gây ra cháy rừng rất cao. Khu bảo tồn đang tăng cường thêm các biện pháp phòng chống “giặc lửa” nhằm giữ bình yên cho những cánh rừng. Còn nếu thấy cháy quá lớn thì người phụ trách khu vực phải báo lên cấp trên để có sự hỗ trợ kịp thời. |
Tăng cường lực lượng tuần tra
Theo BQL Trạm Kiểm lâm Cây Gùi, ngay từ đầu mùa khô 2014-2015 trạm đã sớm xây dựng kế hoạch PCCCR gửi lên Hạt Kiểm lâm cùng giám đốc KBT xem xét và sớm có phương án chỉ đạo cụ thể cho trạm thực hiện.
Mùa khô năm nay, trạm ưu tiên tập trung thi công đường băng cản lửa (ĐBCL) ở khu vực rừng trồng, vì có nguy cơ cháy cao rồi sau đó mới đến rừng tự nhiên. Quá trình thi công, ngoài lực lượng kiểm lâm, trạm vận động thêm người dân cùng tham gia công tác PCCCR, vừa giải quyết công ăn việc làm cho họ, lại giúp trạm hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Còn đối với Hạt Kiểm lâm KBT, phương án tác chiến PCCCR mùa khô năm 2014 – 2015 cũng được triển khai thực hiện theo phương châm “4 tại chỗ”: chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ và hậu cần tại chỗ.
KBT đã ký kết với các hộ dân trên địa bàn tham gia vào tổ PCCCR tại địa phương và sử dụng trang thiết bị, phương tiện của người dân. Đặc biệt trong thời gian cao điểm của mùa khô từ tháng 2 – 4 đơn vị tăng cường thêm lực lượng tuần tra lưu động tại các Trạm Kiểm lâm.
KBT hiện có 6 chòi canh lửa cố định phục vụ công tác PCCCR mùa khô năm nay. Tổ chức thực hiện việc trực gác tại 55 điểm gác PCCCR.
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Hoàng Hảo, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm KBT cho biết, đến thời điểm này, KBT đã hoàn thành 98% khối lượng thi công đường băng cản lửa theo đúng kế hoạch đề ra.
Trong đó, thi công đường băng cản lửa cho rừng trồng đạt 100%, thi công đường băng cản lửa rừng tự nhiên được hơn 331 ha, đạt 98%; còn lại hơn 16 ha là đường băng cản lửa giáp hồ Trị An và hồ Bà Hào chưa thi công do mực nước hồ còn lớn.