Nghệ An: Cần làm rõ nguyên nhân ngao chết hàng loạt

ThienNhien.Net – Thời gian qua, người dân ở các xã ven biển gồm các huyện Quỳnh Lưu, Nghi Lộc “đứng ngồi không yên” vì diện tích ngao nuôi thương phẩm sắp đến ngày thu hoạch đã bị chết hàng loạt. Chưa bao giờ, họ lại phải chịu cảnh quá xót xa khi bỗng dưng hàng nghìn tấn ngao phải gom lại để đổ đi một cách vội vã.

Ngao đồng loạt chết

Những năm trở lại đây, nhờ áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào nuôi trồng thủy hải sản, bà con ven biển của tỉnh Nghệ An đã khai thác tối đa diện tích mặt nước, cửa lạch để phát triển kinh tế. Ngao cũng là loài được nuôi đồng loạt cho giá trị kinh tế cao trong thời gian qua. Ước tính, mỗi năm, toàn tỉnh nuôi trồng hàng trăm héc ta ngao thương phẩm, cho thu hoạch hàng chục tỷ đồng. Một số địa phương có diện tích nuôi ngao lớn như Quỳnh Lưu, Nghi Lộc, Cửa Lò được người dân đầu tư, cải tạo diện tích mặt nước thành những trang trại rộng lớn để nuôi hàng ngàn tấn ngao mỗi năm.

Tuy nhiên, đến thời điểm vừa qua, khi mùa cho thu hoạch bắt đầu thì ngao “bỗng dưng” đổ bệnh chết hàng loạt trên diện rộng khiến người dân hoang mang. Theo báo cáo của Chi Cục thú y Nghệ An (Sở NN&PTNT) thì tính từ thời điểm cuối tháng 2/2015 cho đến ngày cuối tháng 3/2015, diện tích ngao chết đồng loạt chủ yếu ở 5 xã của 2 huyện Quỳnh Lưu và Nghi Lộc lên tới 115,7ha. Trong đó, huyện Quỳnh Lưu chịu thiệt hại nặng nề nhất, chiếm tới 105 ha tập trung tại 4 xã Quỳnh Thọ, Quỳnh Long, Quỳnh Thuận và Sơn Hải.

01042015_ngaochethangloat

01042015_ngaochethangloat2
Ngao chết đồng loạt tại các xã ven biển của huyện Quỳnh Lưu trong thời gian qua. (Ảnh: Thanh Tâm – Tr. Lân) 

Anh Thái Bá Khang, một chủ hộ nuôi ngao tại vùng bãi triều giáp ranh giữa xã Sơn Hải và Quỳnh Thọ cho biết: Ngao bắt đầu có hiện tượng chết rải rác từ cuối tháng 2 đến đầu tháng 3/2015. Với diện tích nhận thầu khoán 20ha mặt bãi triều nuôi ngao sắp đã hơn 15 tháng tuổi sắp cho thu hoạch, thế nhưng đến thời điểm hiện nay đã chết đến hơn 70% diện tích. Chưa bao giờ, ngao lại chết đồng loạt và lan nhanh như năm nay. Gia đình anh đã phải huy động nhân công để thu gom số ngao đã chết nhằm vớt vát số diện tích ngao còn lại. Theo giá thị trường ngao thương phẩm bán ra hiện nay khoảng 11.000đồng – 12.000 đồng/kg, với diện tích ngao chết như vậy, gia đình anh thiệt hại khoảng trên 3 tỷ đồng.

Toàn xã Sơn Hải hiện nay có 17 hộ nuôi ngao với diện tích 50,7ha. Đây cũng là địa phương có diện tích nuôi ngao lớn nhất của huyện Quỳnh Lưu. Theo tính toán thì năng suất ngao đến kỳ cho thu hoạch có sản lượng ước đạt khoảng 30 – 34 tấn/ha. Với diện tích ngao chết tại Quỳnh Lưu hiện nay thì người dân phải “nhắm mắt” đổ đi gần 3 nghìn tấn ngao trong năm nay, thiệt hại kinh tế trên 20 tỷ đồng.

Người dân đang “đứng ngồi không yên” với những cánh đồng ngao mênh mông
Người dân đang “đứng ngồi không yên” với những cánh đồng ngao mênh mông. (Ảnh: Thanh Tâm – Tr. Lân)

Cùng chung hoàn cảnh, tại xã Nghi Thiết (Nghi Lộc), đến thời điểm hiện nay cũng đã có 10,7ha ngao chết đồng loạt. Theo phản ánh của người dân thì hiện tượng ngao ở đây bắt đầu chết rải rác từ ngày 20/2/2015 cho đến nay vẫn đang xuất hiện ngao chết rải rác. Cùng thời điểm này, không chỉ ngao chết mà Hàu, Vẹm, cá tự nhiên cũng chết rải rác từ ngoài biển dạt vào.

Do ô nhiễm nguồn nước?

Theo báo cáo của UBND huyện Quỳnh Lưu, vào thời điểm khoảng cuối tháng 2, đầu tháng 3, trên địa bàn đã có hiện tượng ngao, cá tự nhiên từ ngoài biển chết dạt vào bãi nuôi ngao và vùng ven biển. Sau khi nước thủy triều rút, người dân kiểm tra bãi ngao thì thấy một số ngao không khép vỏ được. Tiếp đến, khoảng 3 ngày sau thì thấy ngao bắt đầu chết rồi nổi lên mặt bãi. Từ ngày 27 – 28/2/2015, trên địa bàn xuất hiện ngao giấy, cá, ốc, nhuyễn thể chết từ biển dạt vào bãi nuôi ngao và vùng biển; 1/3 – 5/3/2015, ngao nuôi bắt đầu chết đồng loạt; từ ngày 6/3 đến nay, ngao ngừng chết.

Ông Đặng Văn Minh, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh cho biết: Sau khi có báo cáo nhanh từ UBND huyện Quỳnh Lưu, Nghi Lộc, ngày 17/3/2015, Chi cục Thú y Nghệ An đã chỉ đạo Trạm Thú y lấy 4 mẫu ngao ở 2 bãi nuôi thuộc xã Sơn Hải và Quỳnh Thọ gửi cơ quan xét nghiệm xác định nguyên nhân gây bệnh. Tiếp đó, vào ngày 18/3/2015, cơ quan Thú y vùng III, Chi cục Thú y, Chi cục nuôi trồng thủy sản đã làm việc với UBND huyện Quỳnh Lưu và các xã nuôi ngao bàn các giải pháp hạn chế thiệt hại cho người nuôi đồng thời đưa ra các biện pháp khắc phục, cải tạo môi trường để chuẩn bị vụ nuôi mới. Chi cục Thú y cũng phối hợp với các cơ quan chức năng triển khai công tác hướng dẫn hộ nuôi thực hiện các biện pháp giảm thiểu thiệt hại, hạn chế ô nhiễm môi trường bằng cách thu hoạch ngao đạt kịch cỡ, san thưa mật độ nuôi, tích cực nhặt ngao yếu, chết tiêu hủy.

Một nông dân đang kiểm tra ngao chết
Một nông dân đang kiểm tra ngao chết (Ảnh: Thanh Tâm – Tr. Lân)

Cũng theo phân tích của Chi cục Thú y, nguyên nhân ban đầu dẫn đến ngao chết hàng loạt có thể do môi trường nước biển tại vùng nuôi bị ô nhiễm từ nguồn nước thải công nghiệp hoặc do hiện tượng “thủy triều đỏ” từ tảo độc ở biển tràn vào bờ. Hơn nữa, ngao là loài thủy sản được nuôi ở các bãi cát bồi ở vùng cửa lạch, hệ thông nuôi hở, thức ăn hoàn toàn phụ thuộc vào tự nhiên. Mặt khác, vùng nuôi ngao phụ thuộc vào môi trường nước biển ven bờ và điều kiện thời tiết tại từng vùng nuôi. Vì vậy, để tìm được tác nhân tác động làm ngao nuôi bị chết hàng loạt như vừa qua cũng gặp nhiều khó khăn.

Các cơ quan chức năng xuống hiện trường, tìm hiểu nguyên nhân ngao chết đồng loạt
Các cơ quan chức năng xuống hiện trường, tìm hiểu nguyên nhân ngao chết đồng loạt. (Ảnh: Thanh Tâm – Tr. Lân)

Trao đổi với PV, ông Hoàng Mạnh Trinh – Chi cục Bảo vệ môi trường Nghệ An, cho biết: “Hiện tượng ngao chết hàng loạt tại hai huyện Quỳnh Lưu và Nghi Lộc chúng tôi cũng đã nắm được thông tin nhưng do bên phía Chi cục thú y không yêu cầu phối hợp kiểm tra nên chúng tôi chưa vào cuộc. Hiện tượng ngao chết có thể do nhiều nguyên nhân nhưng không loại trừ khả năng nguồn nước bị ô nhiễm”.

Được biết, hiện tượng ngao chết hàng loạt cũng xẩy ra tại hai huyện Kỳ Anh và Cẩm Xuyên của tỉnh Hà Tĩnh trong thời gian qua gây thiệt hại tới hơn 1 nghìn tấn trên diện tích hàng trăm héc ta, tương đương hàng chục tỷ đồng khiến nhiều hộ nông dân trắng tay.