ThienNhien.Net – Mong muốn được sử dụng nước sạch là nhu cầu chính đáng của nhân dân, nhưng hiện nay, với tình trạng ô nhiễm nặng nề tại một số khu vực khiến cho người dân phải sử dụng nước bẩn trong cuộc sống và sinh hoạt. Theo các chuyên gia y tế, nếu kéo dài tình trạng này, sức khỏe của người dân sẽ bị ảnh hưởng đáng kể.
Nhiều hệ lụy
Báo cáo của Bộ Y tế cho thấy dù đã đạt được những thành công nhất định trong việc bao phủ tỷ lệ cấp nước sinh hoạt tới người dân ở đô thị và nông thôn song các bệnh lây truyền qua đường nước luôn luôn là mối đe dọa đối với sức khỏe cộng đồng.
Cũng theo Bộ Y tế, hiện Việt Nam, mỗi năm có khoảng 250.000 người bị mắc bệnh tiêu chảy cấp phải nhập viện. Tình trạng thiếu nước sạch hàng năm ảnh hưởng tới ít nhất 1 triệu người Việt Nam và trong 4 năm qua, có tới 6 triệu trường hợp mắc bệnh liên quan tới thiếu nước sạch.
Phát biểu tại một Hội thảo nước sạch do Bộ Y tế tổ chức gần đây, ông Nguyễn Thanh Long – Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết: Việt Nam đang đạt tỷ lệ 80% dân số đô thị được cung cấp nước sạch theo quy chuẩn của Bộ Y tế, tuy nhiên, ở nông thôn dù 85% dân số được cấp nước hợp vệ sinh nhưng chỉ có 42% đạt quy chuẩn của Bộ Y tế.
Báo cáo kết quả kiểm tra, giám sát định kỳ chất lượng nước trên cả nước năm 2014 cho thấy, 21,6% số cơ sở cấp nước từ 1.000 m3/ngày đêm trở lên không đạt vệ sinh chung. Tỷ lệ này ở các cơ sở cấp nước dưới 1.000 m3/ngày đêm là 27,4%. Một số chỉ tiêu không đạt thường gặp như: Nhiễm vi sinh và chất hữu cơ; hàm lượng một số kim loại nặng vượt quá mức cho phép…
Theo kết quả được công bố bởi nhiều nhà khoa học về mối liên quan giữa việc sử dụng nước bẩn với sức khỏe con người cho thấy, khi sử dụng nước nhiễm asen để ăn uống, con người có thể mắc bệnh ung thư trong đó thường gặp là ung thư da. Ngoài ra, asen còn gây nhiễm độc hệ thống tuần hoàn khi uống phải nguồn nước có hàm lượng asen 0,1mg/l. Vì vậy, cần phải xử lý nước nhiễm asen trước khi dùng cho sinh hoạt và ăn uống.
Còn theo kết quả được công bố bởi Dự án “Điều tra, tìm kiếm nguồn nước hợp vệ sinh phục vụ cấp nước sinh hoạt cho một số “làng ung thư” của Việt Nam”, các nguồn nước ăn uống, sinh hoạt tại 37 “làng ung thư” đều ô nhiễm nặng.
Ông Hồ Minh Thọ – Phó Liên đoàn trưởng – Liên đoàn Quy hoạch và điều tra tài nguyên nước miền Trung, chủ nhiệm Dự án cho biết: Qua điều tra, khảo sát của dự án thì điểm chung nhất là các nguồn nước bà con đang sử dụng ở 37 “làng ung thư” đều bị ô nhiễm, có những chỉ tiêu vượt mức cho phép theo quy định tiêu chuẩn về nước của Việt Nam.
Cũng theo ông Thọ, thời gian qua, các nhà điều tra, khảo sát đã thu thập, phân tích 814 mẫu nước lấy từ nguồn nước sông, suối, giếng mà người dân đang sử dụng tại 37 “làng ung thư”, kết quả cho thấy, các mẫu nước này đều có mức ô nhiễm vượt tiêu chuẩn cho phép (TCCP). Cụ thể, hơn 80% kết quả phân tích mẫu vi sinh vượt TCCP, hơn 65% kết quả phân tích nhiễm bẩn vượt TCCP, hơn 30% số mẫu có tổng hàm lượng sắt vượt TCCP.
Bất cập
Bàn về nguyên nhân của tình trạng nêu trên, đại diện Cục Môi trường y tế – Bộ Y tế cho rằng: Nguyên nhân của tình trạng này là chất lượng nước tại nhiều nơi vẫn chưa đạt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, nhất là nước cấp từ những cơ sở sản xuất nhỏ lẻ; trạm cấp nước tại nhiều vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa có công nghệ xử lý còn lạc hậu, hệ thống đường ống chưa đảm bảo và có tỷ lệ thất thoát nước cao.
“Trong khi, công tác tự kiểm tra, giám sát, kiểm nghiệm chất lượng nước của các cơ sở cung cấp nước sạch và công tác kiểm tra, giám sát của các cơ quan quản lý Nhà nước một số tỉnh, thành phố chưa được thực hiện đầy đủ theo các quy định hiện hành. Một số địa phương chưa giám sát được chất lượng nước khu vực nông thôn”, vị đại diện này thừa nhận.
Còn theo đại diện Bộ Tài Nguyên và Môi trường, ô nhiễm nguồn nước còn gây tổn thất lớn cho các ngành sản xuất kinh doanh. Tại Hà Nội, vấn đề ô nhiễm môi trường do hoạt động sản xuất công nghiệp cũng đã lên tiếng báo động từ nhiều năm qua. Đặc biệt, hoạt động sản xuất công nghiệp tại các khu cụm công nghiệp vừa và nhỏ và các làng nghề do chưa được đầu tư hệ thống xử lý chất thải đảm bảo tiêu chuẩn cũng như quy hoạch còn có nhiều điểm bất cập. Ô nhiễm đặc biệt nghiêm trọng tới nguồn nước vì các cơ sở sản xuất công nghiệp không có công trình và thiết bị xử lý chất thải hoặc nếu có thì mang tính đối phó.
Bàn về chất lượng nước hiện nay, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam yêu cầu các cơ quan kiểm định chất lượng nước cần công khai, minh bạch kết quả kiểm định chất lượng nước ở từng khâu để xác định rõ chất lượng nước bị ảnh hưởng bởi khâu nào để có biện pháp xử lý phù hợp.
Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng cũng yêu cầu các bộ, ngành của Việt Nam cần phối hợp chặt chẽ hơn nữa với các nhà tài trợ, giữa các nhà tài trợ với nhau từ khâu xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, cho đến quy hoạch, chiến lược để có thêm nhiều mô hình nước sạch phục vụ người dân hiệu quả, phù hợp với đặc thù của từng vùng, miền. Bên cạnh đó cần nghiên cứu, tính đến các phương án, lộ trình điều chỉnh giá nước nhằm khuyến khích đầu tư, áp dụng những công nghệ mới trong xử lý nước sạch với tiêu chuẩn cao nhất cung cấp cho người dân.
“Chúng ta cũng phải đổi mới công tác truyền thông để người dân tự nhận thức việc sử dụng nước sạch, vệ sinh môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm không chỉ là tự bảo vệ mình khỏi bệnh tật mà còn tiết kiệm không ít chi phí y tế cho xã hội”, Phó Thủ tướng nói.