ThienNhien.Net – Sụt lún nhà cửa, đất đai, ruộng vườn, mất nước sinh hoạt, ngập ngụa trong khói bụi, khí thải độc hại….là những hệ lụy mà mỏ than Khánh Hòa (thuộc Công ty TNHH MTV than Khánh Hòa) gây ra đối với hàng nghìn hộ dân ở TP. Thái Nguyên và huyện Đại Từ (tỉnh Thái Nguyên) hàng chục năm nay.
Ngắc ngoải vì khói bụi
Từ khi mỏ than Khánh Hòa đi vào hoạt động cũng là thời gian mà người dân xã Phúc Hà (TP. Thái Nguyên) phải sống chung với ô nhiễm từ hoạt động khai thác, vận chuyển than gây ra. Đi khắp các đường làng, ngõ xóm ở xã Phúc Hà, đâu đâu cũng thấy một màu đen kịt. Than bám vào nhà cửa, cây cối và bay lờ vờ trong không trung. Tại đây, hàng ngày có hàng nghìn xe trọng tải lớn vận chuyển đất đá, than chạy ầm ầm cày nát các con đường, gây tiếng ồn và bụi than. Bởi vậy, các đường rẽ vào xã Phúc Hà lầy lội, dày đặc bùn than nhem nhuốc.
Dân sống xung quanh mỏ than Khánh Hòa không chỉ ngắc ngoải trong khói bụi từ hoạt động khai thác than mà còn thiếu nước sạch sinh hoạt nghiêm trọng. Do các mỏ khai thác than lộ thiên, ăn sâu vào lòng đất hút hết nguồn nước ngầm nên các giếng khơi, giếng khoan của người dân cạn kiệt nước. Người dân phải mua nước sạch với giá cao ở nơi khác về dùng. Không chỉ vậy, nhà cửa, ruộng vườn của người dân xung quanh mỏ than còn có hiện tượng sụt lún, nứt nẻ khiến người dân hết sức hoang mang.
Không chỉ có vậy, những điểm cháy ngầm tại khu vực bãi thải than khổng lồ cũng đang ngày đêm “hành hạ” người dân xã Phúc Hà. Theo người dân xóm 12, xã Phúc Hà, các điểm cháy ngầm tại bãi thải than phía nam đã cháy liên tục hàng chục năm trời. Khói và khí thải độc hại tuôn ra nghi ngút bao trùm cả khu vực rộng lớn khiến không khí luôn đặc quánh làm người dân khó thở, tức ngực. Trong làng đã có rất nhiều người chết trẻ liên quan đến các bệnh hiểm nghèo, nhất là bệnh ung thư.
Để tìm hiểu thực tế, chúng tôi đã luồn lách qua khe núi, để thâm nhập vào bãi than cháy ngầm. Một khu vực rộng lớn khói từ núi than thải bốc lên khét lẹt, muốn bóp ngẹt lá phổi. Điểm than cháy ngầm rộng lớn nhưng tại đây chỉ có một trạm bơm bé tẹo để tưới nước chữa cháy. Dòng nước tưới thì nhỏ trong khi khu vực cháy ngầm thì lớn khiến công tác chữa cháy tại đây như “muối bỏ bể” không đem lại hiệu quả chữa cháy.
Theo quan sát của chúng tôi, một mối “ẩn họa” nữa đang đe dọa tính mạng người dân Phúc Hà là từ các núi than thải của mỏ than Khánh Hòa. Các bãi than thải của mỏ than Khánh Hòa được bồi đắp nhiều năm cao sừng sững như ngọn núi khổng lồ. Ngọn núi này áp sát khu dân cư, nguy cơ sạt lở vùi lấp nhà dân bất cứ lúc nào. Hơn nữa, mỏ than thải khổng lồ này sát con đường chính nối từ Phúc Hà ra trung tâm TP. Thái Nguyên mà không hề có hệ thống che chắn. Hàng ngày, hàng nghìn người phải liều mình đi qua núi thải mà không biết tai họa sẽ ập xuống lúc nào.
Chính quyền cũng… bó tay
Không chỉ người dân Phúc Hà khốn khổ mà người dân xã An Khánh (huyện Đại Từ) cũng chịu chung số phận. Bãi thải than tại đây không ngừng được mở rộng khiến môi trường cũng bị ô nhiễm chẳng biết kêu ai. Được biết, trong hai năm 2013-2014, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thái Nguyên đã nhiều lần tiến hành kiểm tra, giám sát việc bảo vệ môi trường đối với mỏ than Khánh Hòa và phát hiện nhiều tồn tại. Cụ thể, mỏ than Khánh Hòa đang thực hiện đầu tư nâng công suất khai thác lên 800.000 tấn/năm. Tuy Dự án chưa được phê duyệt, kể cả báo cáo đánh giá tác động đối với môi trường, nhưng ngay trong năm 2013 Công ty đã khai thác than với sản lượng trên 700.000 tấn/năm (công suất được cấp phép là 600.000 tấn/năm). Việc tăng công suất khai thác đồng nghĩa với việc gia tăng mức độ tác động ảnh hưởng đến môi trường. Dù mỏ than Khánh Hòa đã áp dụng nhiều biện pháp giảm thiểu ô nhiễm nhưng đất đá, than thải vẫn rơi vãi dọc các tuyến đường trong khu vực gây ô nhiễm bụi. Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thái Nguyên còn phát hiện bãi thải Tây đã đổ lấn ranh giới khoảng cách an toàn Chùa Làng Ngò nhưng chưa được phê duyệt báo cáo đánh giá tác động đối với môi trường. Không những thế, mỏ than còn nắn suối Làng Ngò để mở rộng khai trường gây ngập lụt khiến việc canh tác và sinh hoạt của người dân bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Theo người dân Làng Ngò: Tại đây, có đến 90% đất canh tác của bà con đã dành cho khai trường của mỏ than Khánh Hòa, giờ đến nước sinh hoạt, nước canh tác cũng bị mất.
Trao đổi với phóng viên về tình trạng này, ông Nguyễn Đức Nhất- Phó chủ tịch UBND xã Phúc Hà thừa nhận, mỏ Than Khánh Hòa gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng nghiêm trọng đến người dân địa phương là có thật. Chính quyền xã đã mời Công ty Than Khánh Hòa xuống làm việc nhiều lần, yêu cầu Công ty Than Khánh Hòa giải quyết nhưng nay vẫn chưa giải quyết dứt điểm được. Cũng theo ông Nhất, người dân cũng liên tục phản ánh việc có nhiều người bị bệnh ung thư, viêm phổi, ảnh hưởng về đường hô hấp…
Bà Hoàng Thị Liên- Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường tỉnh Thái Nguyên cũng thừa nhận, Mỏ than Khánh Hòa là một điểm nóng về ô nhiễm. Họ có khắc phục nhưng do tính chất hoạt động khai thác than gây ra tác động quá lớn nên chưa giải quyết được triệt để. Do vi phạm các quy định về bảo vệ môi trường nên ngành chức năng Thái Nguyên đã nhiều lần xử phạt Công ty Khánh Hòa. Cũng theo bà Liên, để giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường ở mỏ than Khánh Hòa, Chi cục Bảo vệ môi trường đã có nhiều biện pháp kiểm tra, xử lý vi phạm, nhưng thẩm quyền của Chi cục Bảo vệ môi trường chỉ có giới hạn nhất định, muốn giải quyết triệt để phải có cả một chủ trương, quy hoạch và sự vào cuộc của tất cả các ngành chức năng.