ThienNhien.Net – Việc xây dựng và phát triển thủy điện thì chủ của các nhà máy ngoài nghĩa vụ đống thuế cho nhà nước thì từ năm 2011 đến nay các thủy điện trên địa bàn tỉnh Hà Giang cũng như các thủy điện trên cả nước phải đóng phí chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR). Số tiền này sẽ được chi trả cho nhân dân vùng thượng lưu nơi có nguồn nước chảy về các nhà máy thủy điện.
Tiền nợ tăng dần theo các năm
Theo Nghị định số 99/2010/NĐ-CP ngày 24.09.2010 của Chính phủ về Chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng, quy định doanh nghiệp bán mỗi 1KW điện phải trả 20 đồng tiền DVMTR.
Tuy nhiên, theo thông tin số liệu mà ông Đinh Xuân Lượng, Giám đốc Quỹ bảo vệ Phát triển rừng tỉnh Hà Giang cung cấp, số tiền dịch vụ môi trường rừng mà các cơ sở sản xuất điện hiện còn nợ là hơn 38,2 tỷ đồng, trong đó riêng các nhà máy thủy điện trên địa bàn tỉnh đã nợ gần 38,2 tỷ đồng từ năm 2012 đến hết năm 2014.
Cụ thể, số tiền nợ của các doanh nghiệp có nhà máy thủy điện tăng dần theo các năm. Nếu năm 2011 các chủ đầu tư thủy điện đã trả hết số tiền nợ DVMTR thì năm 2012 các đơn vị nợ hơn 142 triệu đồng, năm 2013 đã tăng lên nhanh chóng với con số hơn 12,3 tỷ đồng và càng “choáng” hơn khi năm 2014 số nợ của các công ty đã lên tới khoảng 25 tỷ đồng.
Trong đó, đứng đầu danh sách nợ là Công ty CP năng lượng Botexco Nho Quế nợ hơn 16 tỷ đồng, Công ty cổ phần thủy điện Thái An gần 11 tỷ đồng, Công ty Cp thủy điện Nậm Mu nợ hơn 4 tỷ đồng, Công ty CP thủy điện Sông Bạc hơn 3,3 tỷ đồng, Công ty TNHH Sơn Lâm nợ hơn 1,2 tỷ đồng và nhiều công ty khác nợ từ vài chục đến vài trăm triệu đồng.
Tỉnh phải đòi nợ
Trước số nợ ngày càng tăng, ngày 15.12.2014 UBND tỉnh Hà Giang đã ra Quyết định số 2625/QĐ-UBND về việc thành lập đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra thực hiện nghĩa vụ chi trả DVMTR trên địa bàn tỉnh Hà Giang theo Nghị định 99/2010/NĐ-CP và giao Sở Công thương làm trưởng đoàn, lãnh đọa Sở Nông nghiệp, Giám đốc Quỹ bảo vệ phát triển rừng, Phó chủ tịch UBND các huyện nơi được chi trả DVMTR làm thành viên.
Đồng thời văn bản này cũng yêu cầu nêu rõ những khó khăn, vướng mắc mà các công ty thủy điện gặp phải và báo cáo UBND tỉnh sau khi kết thúc đợt kiểm tra ngày 31.12.2014.
Sau khi kết thúc đợt kiểm tra, Sở Công thương tỉnh Hà Giang đã có văn bản số 23/BC-SCT ngày 30.1.2015 đề nghị UBND tỉnh Hà Giang có các phương án giải quyết. Xét đề nghị của Sở Công thương, ngày 27.2.2015 UBND tỉnh Hà Giang ký Văn bản số 612/UBND – CNGTXD về việc thực hiện nghĩa vụ chi trả DVMTR gửi Sở Công Thương, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, các công ty CP thủy điện Bitexco Nho Quế, Thái An, Sông Miện 5, Nậm Mu, Sông Bạc.
Văn bản nêu rõ cho phép các chủ đầu tư thủy điện còn nợ đọng phí chi trả DVMTR theo thời gian theo cam kết như biển bản đã được lập với đoàn kiểm tra liên ngành. Sau thời gian đã cam kết nếu các đơn vị không thực hiện nghĩa vụ chi trả DVMTR thì Sở Công thương sẽ tham mưu cho UBND tỉnh Hà Giang và báo cáo Bộ Công thương xem xét, thu hồi giấy phép hoạt động điện lực, đồng thời công khai thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Theo như bản cam kết thời gian mà các đơn vị sẽ hoàn thành nghĩa vụ chi trả DVMTR, các Công ty thủy điện Bitexco Nho Quế, Thái An, Sông Bạc, Sông Miện 5 sẽ phải hoàn thiện nghĩa vụ vào ngày 30.9.2015, riêng Công ty CP thủy điện Nậm Mu hạn cuối là ngày 30.6.2015.
Khó thu tiền của chủ đầu tư
Nhiều người đã đặt ra câu hỏi, các nhà máy thủy điện bán điện với giá cao như thế tại sao không hoàn thành nghĩa vụ chi trả DVMTR? Người dân nhường đất sản xuất để xây dựng thủy điện phải chịu cảnh đói nghèo, những người bảo vệ rừng gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống…
Chúng tôi đã đến tìm hiểu tại một số nhà máy thủy điện trên địa bàn tỉnh Hà Giang và tìm gặp các chủ đầu tư thì được biết, nhiều chủ đầu tư cho rằng thủy điện công suất nhỏ nhưng vùng chi trả DVMTR rừng lớn, ngoài ra còn phải nộp thuế, chi phí đầu tư, sửa chữa nhà máy, lương cán bộ công nhân, nhiều khoản chi phí khác… đang gây khó khăn cho doanh nghiệp.
Ông Nguyễn Văn Hoàng, Phó trưởng phòng Nông nghiệp huyện Quang Bình – cho biết: “Huyện thuộc lưu vực của 4 thủy điện là Thác Bà, sông Chừng, sông Bạc, Bản Rịa, tổng diện tích được chi DVMTR khoảng 20.000ha, năm 2015 giảm 20 ha do diện tích đó là rừng trồng, người dân đã khai thác.
Thủy điện sông Bạc đang nợ tiền DVMTR là do nhà máy vừa mới đi vào vận hành, hiện nhà máy còn nợ tiền của Tổng công ty điện lực 1 tiền xây dựng và tiền DVMTR nhưng công ty chấp hành việc đóng thuế cho địa phương, nên việc nợ phí có thể chấp nhận được”.
“Tiền dịch vụ do tỉnh thu, hàng năm huyện nộp hồ sơ theo các đơn vị thiết kế, đo đạc và nộp về tỉnh, sau đó quỹ có kết hoạch chi trả cho các chủ rừng, ngày 18.3 mới quyết toán của năm 2013, còn năm 2014 chưa thủy điện nào chi trả. Có thể nói Quang Bình là huyện thu tiền DVMTR tốt nhất, một số huyện khác trong tỉnh còn nợ từ năm 2012” – ông Hoàng cho biết thêm.
Được biết, ngoài hai thủy điện phải chi trả tiền DVMTR ở trên địa bàn huyện Quang Bình là Sông Chừng và Sông Bạc thì địa phương này còn được nhận tiền từ thủy điện Thác Bà là hai xã Nà Khương và Bản Rịa họ đều thanh toán rất nhanh vì số tiền ít, khoảng 60 triệu đồng còn các chủ đầu tư nợ nhiều vẫn chưa thể hoàn thành nghĩa vụ của mình.
Và cho đến thời điểm này, số tiêng hàng chục tỷ đồng mà các chủ đầu tư nhà máy thủy điện đang là số tiền mà Quỹ bảo vệ và phát triển rừng tỉnh Hà Giang cũng như hàng ngàn người dân tỉnh Hà Giang đang mong chờ.