ThienNhien.Net – Không chỉ ảnh hưởng đến các vùng lân cận, ngay chính bản thân dự án lấp sông Đồng Nai sẽ chịu tác động xấu nhất nếu cố triển khai.
Bà Lâm Thị Thu Sửu, đại diện Mạng lưới sông ngòi Việt Nam, cho rằng ngay từ tính pháp lý, dự án đã xuất hiện nhiều lỗ hổng. Đến 91% diện tích dự án là mặt sông Đồng Nai nên phải chịu sự điều phối chính của Luật Tài nguyên nước.
Vi phạm nhiều luật
Theo bà Sửu, quyết định về việc chấp thuận đầu tư dự án do UBND tỉnh Đồng Nai ban hành năm 2014 không hề căn cứ vào Luật Tài nguyên nước. Việc cấp phép dự án cũng vi phạm nhiều quy định của pháp luật. Điều 9 Luật Tài nguyên nước nghiêm cấm đặt vật cản, chướng ngại vật, xây dựng công trình kiến trúc, trồng cây gây cản trở thoát lũ, lưu thông nước ở các sông, suối, hồ, kênh, rạch. UBND tỉnh Đồng Nai cấp phép cho Công ty Toàn Thịnh Phát xây dựng công trình trên sông là hợp thức hóa hành vi bị cấm.
Dự án này còn vi phạm điều 31 Luật Tài nguyên nước quy định về các sông, suối, ao hồ… phải có hành lang bảo vệ nguồn nước. Điều 6 Luật Tài nguyên nước cũng quy định trường hợp đầu tư xây dựng hồ, đập trên sông thuộc lưu vực sông liên tỉnh phải có trách nhiệm phối hợp với chính quyền địa phương lấy ý kiến đại diện cộng đồng dân cư trên địa bàn bị ảnh hưởng, UBND cấp tỉnh có liên quan và tổ chức lưu vực sông. Tuy nhiên, TP HCM, Bình Dương, Đắk Nông, Lâm Đồng và Ủy ban Bảo vệ môi trường lưu vực sông Đồng Nai đều không được lấy ý kiến về dự án.
Ngoài ra, dự án này cũng vi phạm điều 80 Luật Bảo vệ môi trường: Bảo vệ môi trường đô thị phải được thực hiện theo nguyên tắc phát triển bền vững, gắn liền với việc duy trì các yếu tố tự nhiên. Trong khi đó, dự án của Công ty Toàn Thịnh Phát đã không còn duy trì yếu tố tự nhiên của sông Đồng Nai.
Theo PGS-TS Lê Mạnh Hùng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi – Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, dự án phải tuân thủ Luật Đê điều và Luật Phòng chống thiên tai nhưng trong các văn bản pháp lý liên quan cũng như quá trình thực hiện đều không nhắc đến 2 luật này.
Dự án cũng chưa thực hiện đúng Luật Quy hoạch đô thị 2009 về việc lấy ý kiến cộng đồng. Điều 20 của luật này quy định cơ quan, tổ chức lập quy hoạch đô thị, chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng có trách nhiệm lấy ý kiến của cơ quan, tổ chức, cá nhân và cộng đồng dân cư liên quan về nhiệm vụ và đồ án quy hoạch đô thị. Sau khi đồ án quy hoạch được phê duyệt, chủ đầu tư và cơ quan liên quan có trách nhiệm công khai quy hoạch bằng nhiều hình thức khác nhau. Tuy nhiên, nhiều người dân trong khu vực dự án không hề hay biết về việc nó sẽ được triển khai như thế nào, nhà của họ có bị giải tỏa hay không, bồi thường ra sao…
Không tồn tại lâu
Tổng diện tích dự án là 8,4 ha, trong đó có 0,68 ha đất (theo quy hoạch sẽ được sử dụng làm công viên cảnh quan), 7,7 ha còn lại là đất mặt nước sông Đồng Nai sẽ được san lấp để tạo mặt bằng. Trên vùng đất mới này sẽ mọc lên 108 căn nhà ở riêng lẻ, cao 2-4 tầng (diện tích sàn xây dựng 33.500 m2), 3 khối chung cư 22 tầng gồm 450 căn hộ chung cư (diện tích sàn 85.600 m2), khách sạn 5 sao 20-22 tầng, cao ốc văn phòng, thương mại dịch vụ 25-27 tầng.
Ông Thái Quang, Liên đoàn trưởng Liên đoàn Bản đồ Địa chất miền Nam (Tổng cục Địa chất – Bộ Tài nguyên và Môi trường), cho biết khu vực TP Biên Hòa ven sông Đồng Nai có kết cấu địa chất đệ tứ, đất bở rời, không vững chắc nên việc chất tải quá nhiều lên khu vực địa chất này sẽ gây nhiều tác hại. Việc lấp sông sẽ tạo thành một dòng chảy xiết bên dưới công trình nên đổ cát, đá kiểu gì cũng sẽ bị sạt lở, bản thân các công trình xây dựng trên khu vực này không thể tồn tại lâu được. Bên cạnh đó, việc đổ đất đá sẽ khiến lòng sông đào sâu, 2 bên bờ bị tàn phá là điều không thể tránh khỏi.
“Về nguyên tắc, dòng sông đã đạt được thế cân bằng từ rất lâu rồi. Nếu lấp một đoạn sông, nghĩa là người ta đang cố tạo một thế cân bằng khác. Dòng sông bị thay đổi tất nhiên sẽ tàn phá 2 bên bờ và hạ lưu. Trước giờ, người ta ngăn sạt lở bằng cách làm kè thật vững chắc bảo vệ vùng đất ven sông đó. Chưa ai dám lấp luôn vùng lõm của con sông mà nói là để bảo vệ bờ sông cả!” – ông Quang băn khoăn.
Theo ông Nguyễn Thành Luân – Phòng Thí nghiệm trọng điểm quốc gia về động lực học sông biển, Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam – các công trình này xây trên vùng đất sông chứ không phải đất liền nên những nghiên cứu về xói lở bờ sông và dòng chảy là một yếu tố quan trọng để đánh giá tính khả thi của dự án. Thế nhưng, trong báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) của dự án, vấn đề xói lở được đề cập ở mức độ đơn giản, nếu không muốn nói là mờ nhạt. Ngoài ra, số liệu đã lạc hậu nên không đáng tin cậy.
“Theo chính số liệu của đơn vị nghiên cứu tác động dòng chảy đưa ra từ năm 1999-2007, sông Đồng Nai sâu thêm 1-3 m. Như vậy, đây là dòng sông có biến động đáng kể. Đánh giá tác động dòng chảy được thực hiện vào năm 2007 nhưng đến cuối năm 2014 dự án mới triển khai. Trong thời gian đó, các vấn đề về thủy văn, dòng chảy… chắc chắn cũng thay đổi rất nhiều” – ông Luân phân tích.
Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải yêu cầu kiểm tra
Ngày 29-3, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã có ý kiến chỉ đạo liên quan đến dự án “Cải tạo cảnh quan và phát triển đô thị ven sông Đồng Nai”. Theo đó, Phó Thủ tướng giao Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp các bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Xây dựng, Giao thông Vận tải và UBND tỉnh Đồng Nai kiểm tra việc thực hiện dự án, đánh giá tác động môi trường, từ đó xử lý theo quy định của pháp luật. Trường hợp thẩm quyền xử lý vượt quá chức năng các bộ – ngành, phải báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 5-2015. |
Đánh giá tác động kiểu… trời ơi!
Dự án lấp sông Đồng Nai do Viện Quy hoạch Thủy lợi miền Nam thực hiện đánh giá tác động dòng chảy, Viện Môi trường và Tài nguyên TP HCM thực hiện ĐTM. Thật trùng hợp, đây là 2 đơn vị đã thực hiện ĐTM cho 2 dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A. ĐTM lần thứ nhất của 2 dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A do Viện Quy hoạch thủy lợi miền Nam thực hiện, sau khi trình các cơ quan chức năng thẩm định đã bị phát hiện sao chép các ĐTM từ những dự án khác có nhiều lỗi khá buồn cười, như: dự án không ảnh hưởng đến cây dừa nước (loài cây chỉ có ven sông nước miền Nam, hoàn toàn không thể mọc ở vùng cao như Vườn Quốc gia Cát Tiên); việc xây dựng 2 công trình thủy điện tại Lâm Đồng, Đắk Nông và Bình Phước sẽ mang lại nhiều lợi ích về kinh tế – xã hội cho tỉnh… Quảng Nam. Chủ đầu tư tiếp tục thuê Viện Môi trường và Tài nguyên thực hiện ĐTM lần 2. Dư luận và giới chuyên môn lại phát hiện dù đổi đơn vị tư vấn nhưng chất lượng ĐTM vẫn không được cải thiện. Để giảm thiểu tác động tiêu cực của dự án, đơn vị tư vấn đã đưa ra nhiều giải pháp không tưởng! Chẳng hạn, giải pháp thu thập cây con và nguồn gien những loài thực vật đặc hữu thuộc danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm trong khu vực xây dựng dự án đến phân khu phục hồi sinh thái của Vườn Quốc gia Cát Tiên để ươm trồng và nhân giống. Theo giới chuyên môn, loài đặc hữu tức là loài chỉ có ở khu vực đó, nếu sống được ở khu vực khác thì không còn gọi là đặc hữu nữa, đây là kiến thức cơ bản. Bản ĐTM lần 2 lại bị Hội đồng Thẩm định của Bộ Tài nguyên và Môi trường trả về. Chủ đầu tư cùng Viện Môi trường và Tài nguyên tiếp tục chỉnh sửa ĐTM. Nhưng lần này vẫn bị phát hiện gian dối nên chủ đầu tư đã xin rút về để chỉnh sửa lần 3. Tuy nhiên, điều đó đã không còn cần thiết vì Thủ tướng Chính phủ quyết định loại bỏ 2 dự án. Vì thế, đối với dự án lấp sông Đồng Nai, dư luận và giới chuyên môn tỏ ra hoài nghi về các số liệu cũng như lập luận mà 2 đơn vị này đưa ra. Bước đầu, đã có nhiều phát hiện về việc dự án sử dụng số liệu cũ và lập luận thiếu cơ sở khoa học. |