ThienNhien.Net – Trong quá trình khảo sát các công trình thủy điện tại Hà Giang, chúng tôi đã nhận được phản ánh về tình trạng tranh chấp, sử dụng hành lang bảo vệ lòng hồ cũng như việc xây dựng, vận hành một số Nhà máy thủy điện đang diễn ra tại địa phương này gây đau đầu cơ quan chức năng và lo lắng trong dân.
Một người dân ở xã Thuận Hòa, huyện Vị Xuyên cho biết, một số hộ dân nơi đây đang rất lo lắng vì chứng kiến một số hạng mục tại công trình thủy điện Sông Miện 5A chưa đảm bảo an toàn. Và người dân này đã dẫn chúng tôi đến khu vực xây dựng Nhà máy thủy điện sông Miện 5A trên địa bàn xã để phản ánh.
Tận mắt chứng kiến mới thấy được hiểm nguy mà công trình thủy điện này đang tiềm ẩn. Nhà máy đã đi vào vận hành thử nghiệm, hồ nước hàng triệu mét khối đã dâng đầy, dự kiến Nhà máy chính thức vận hành trong quý I 2015. Ấy vậy mà khi chúng tôi có mặt, sân tiêu năng của nhà máy này đúng như lời người dân đã nói trước đó, tình trạng hở hàm ếch, trơ khung thép, bê tông bị vỡ là có thật.
Sau khi ghi hình, chúng tôi đã liên hệ với những người có trách nhiệm trong việc xây dựng công trình thủy điện này. Tại trụ sở của Công ty CP thủy điện Sông Miện 5 (chủ đầu tư thủy điện Sông Miện 5A) ở thành phố Hà Giang, ông Hà Đức Luân – Phó giám đốc Công ty thủy điện sông Miện 5 cho biết: “Thủy điện sông Miện 5A đã cho chạy thử nghiệm ngày 4.2.2015, hiện còn một số hạng mục chưa hoàn thiện, khi nào hoàn thiện mới cho vận hành nhà máy. Còn thông tin hư hỏng tại sân tiêu năng chúng tôi ghi nhận và sẽ có biện pháp khắc phục trong thời gian tới”.
Ông Nguyễn Thanh Hùng – Trưởng phòng Quản lý điện năng (Sở Công thương tỉnh Hà Giang) – cho biết: “Sự việc xảy ra tại khu vực sân tiêu năng của thủy điện Sông Miện 5A chúng tôi có nắm được, bên dưới vẫn có móng, sự việc xảy ra là trong quá trình xây dựng thì lũ tràn về nên bị hư hỏng”.
Cũng liên quan đến lo lắng của người dân về việc xây dựng thủy điện Sông Miện 5A, ông Hoàng Văn Nhu, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Giang – cho biết: “Cũng như việc xây dựng các công trình thủy điện khác trên cả nước, thủy điện sông Miện 5A phải khắc phục sự cố ngay, thêm nữa là hai bên kè phải kiên cố. Trước đó đơn vị đã khắc phục bãi cát sau đập do quá trình thi công nhà máy gây ra”.
Hơn ai hết, hàng nghìn người dân ở xã Thuận Hòa, huyện Vị Xuyên và một số phường ở thành phố Hà Giang đang lo lắng về sự an toàn thân đập của nhà máy thủy điện sông Miện 5A.
Người dâng nước, kẻ lấp hồ
Trong quá trình tìm hiểu về việc xây dựng và phát triển thủy điện ở Hà Giang chúng tôi cũng nhận được phản ánh của ông Nguyễn Đức Vinh – Trưởng phòng Kinh tế kỹ thuật, Nhà máy thủy điện Thuận Hòa (Sông Miện 4). Ông Vinh cho rằng: “Mức nước tại hồ thủy điện Sông Miện 5 không đảm bảo an toàn về đảm bảo an toàn hồ đập, có thời điểm họ dâng chênh cao áp lên đến 8m, theo đó, nước dâng lên gây ngập rừng, mất đất sản xuất, công trình Sông Miện 4 khó thi công.
Đem câu chuyện này trao đổi với lãnh đạo công ty thủy điện Sông Miện 5, ông Hà Đức Luân- Phó giám đốc Công ty thủy điện Sông Miện 5 – cho biết: “Vừa qua chúng tôi cũng nhận được thông tin thủy điện Thái An (Chủ đầu tư thủy điện Sông Miện 4) đệ đơn lên tỉnh, tỉnh đã lập đoàn thanh tra do Sở Tài nguyên và Môi trường làm trưởng đoàn, trước tết đã thanh tra nhưng chưa xong vì nghỉ tết, ngày 20.3 đoàn tiếp tục thanh tra. Hiện tỉnh chưa có kết luận, vì đoàn thanh tra mới có vài kết luận sơ bộ trình tỉnh”.
“Thực tế thủy điện Thuận Hòa được xây dựng sau, ủi đất đá xuống sông, lòng hồ thuộc hành lang bảo vệ lòng hồ của thủy điện Sông Miện 5 như thế là vi phạm pháp luật. Ngoài ra việc làm đó khiến nước hồ thủy điện của chúng tôi bị dồn về phía sau. Đó còn chưa kể đến việc công trình thủy điện này đã nâng công suất lên gấp 3 lần so với quy hoạch năm 2005” – ông Luân cho biết thêm.
Theo tài liệu mà ông Luân cung cấp, đơn vị này đã có văn bản gửi thanh tra Bộ Công thương, Trưởng đoàn thanh tra do tỉnh Hà Giang thành lập về việc liên quan đến xây dựng Nhà máy thủy điện Thuận Hòa như: ảnh hưởng đến môi trường; ảnh hưởng các công trình xung quanh, an toàn lao động…
Cơ quan chức năng đâu đầu
Được biết, sự việc tranh chấp đã được các Công ty gửi đơn lên UBND tỉnh Hà Giang, và tỉnh đã có văn bản chỉ đạo thanh tra hai công trình thủy điện này và giao Sở Tài nguyên và Môi trường là trưởng đoàn thanh tra theo Quyết định số 16/QĐ-UBND ngày 06.1.2015.
Trao đổi với chúng tôi, ông Hoàng Văn Nhu, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Giang – cho biết: “Về tranh chấp giữa hai nhà máy thủy điện sông Miện 5 và Thuận Hòa đoàn thanh tra đã cử người đi đo đạc kiểm tra. Hai thủy điện đều do UBND tỉnh cấp phép”.
“Hiện vẫn chưa có kết luận của đoàn thanh tra. Tuy nhiên trong quá trình thanh tra đã gặp một số khó khăn như: Dù đoàn thanh tra đã yêu cầu nhiều lần nhưng đến ngày 18.3 Chủ đầu tư nhà máy thủy điện sông Miện 5 vẫn chưa cung cấp bản thiết kế chính, đơn vị Thuận Hòa đã cung cấp. Thêm nữa do kiến thức về thủy điện của Sở Tài nguyên và Môi trường hạn chế nên sau khi kiểm tra, thực tế hiện trường phải chờ ý kiến của Sở Công thương, những thành viên có chuyên môn mới đưa ra kết luận được” – ông Nhu cho biết thêm.
“Theo thông tin ban đầu của đoàn thanh tra, một phần nhỏ diện tích giao cho công trình thủy điện Thuận Hòa xây dựng nhà máy nằm trong diện tích bảo vệ hành lang lòng hồ thủy điện sông Miện 5. Theo quy định, sử dụng đất bảo vệ hành lang lòng hồ phải xin ý kiến chủ đập.
Việc thi công nhà máy thủy điện Thuận Hòa đã đổ đất đá xuống vùng lòng hồ của thủy điện Sông Miện 5, phần đất làm đường tỉnh đã giao cho nhà máy Thuận Hòa, qua kiểm tra thấy vi phạm chúng tôi đã cho dừng thi công, sắp tới sẽ phối hợp với đơn vị khác xử lý, việc này Cảnh sát môi trường tỉnh cũng đã lập biên bản vi phạm” – ông Nhu nhấn mạnh.
Qua khảo sát thực tế tại Hà Giang cho thấy, ngoài việc xảy ra chồng lấn, tranh chấp giữa một số nhà máy thủy điện thì công tác lập, thẩm định và phê duyệt quy hoạch chưa sát với thực tế, dẫn đến thường xuyên điều chỉnh quy hoạch, một số công trình khởi công nhưng không xây dựng, xây dựng nhưng bài toán kinh tế không hiệu quả, các đơn vị đầu tư quay lưng với thủy điện dẫn đến thất thu ngân sách, hạn chế sự phát triển kinh tế xã hội của địa phương… Đó cũng là nội dung mà Lao Động tiếp tục phản ánh tới bạn đọc trong bài viết sau.