ThienNhien.Net – Việc bãi bỏ lệnh cấm ngành nghề gây ô nhiễm hoạt động trong khu dân cư không có nghĩa là “thả cửa” cho doanh nghiệp.
Mới đây, UBND TP.HCM quyết định bãi bỏ Quyết định 200/2004 về một số ngành nghề gây ô nhiễm bị cấm trong khu dân cư (KDC). Khi lệnh cấm bị bãi bỏ, liệu doanh nghiệp (DN) sẽ được hoạt động trở lại, KDC có bị ảnh hưởng?
Cấm để bớt ô nhiễm
Năm 2002, UBND TP có chương trình di dời các cơ sở sản xuất thuộc ngành nghề gây ô nhiễm môi trường ra khỏi KDC, đưa vào các khu công nghiệp và các vùng phụ cận. Song song với việc di dời thì UBND TP cũng ban hành Quyết định 78/2002, sau đó thay bằng Quyết định 200/2004 quy định 17 ngành nghề không cấp phép kinh doanh trong KDC như hóa chất, phế liệu, tẩy nhuộm, thuộc da, xi mạ, cơ khí, vật liệu xây dựng, chế biến gỗ, thuốc lá, giết mổ gia súc, chế biến than…
Từ lúc có danh sách ngành nghề ô nhiễm này thì các DN mới thành lập mà muốn hoạt động 17 ngành trên thì vẫn được cấp phép thành lập DN nhưng chỉ được đặt trụ sở trong KDC thôi. Còn việc hoạt động các ngành nghề trên thì phải ghi chú trên giấy phép là “không hoạt động tại trụ sở”.
Hơn chục năm qua, Quyết định 200/2004 là một trong những căn cứ chính mà phòng Đăng ký kinh doanh, Sở KH&ĐT TP áp dụng, viện dẫn khi xử lý hồ sơ của DN.
Bỏ vì… không phù hợp
Tuy nhiên, trong nhiều năm qua, hành lang pháp lý về hoạt động kinh doanh cũng như quy định về bảo vệ môi trường ngày càng hoàn thiện hơn. Nhận định của Sở Tư pháp về Quyết định 200/2004 là: “Việc cho phép hay hạn chế một số ngành nghề không được kinh doanh trong KDC phải dựa trên các quy định pháp luật về điều kiện đặt địa điểm sản xuất, kinh doanh, điều kiện kinh doanh. Do đó Quyết định 200/2004 không còn phù hợp nữa”. Cuối cùng thì UBND TP.HCM đã bãi bỏ quyết định này.
Từ việc bãi bỏ này mà trong vài tuần qua, một số DN cho rằng có thể tái sản xuất 17 ngành nghề trên trong KDC, đặc biệt là có thể sản xuất ngay tại trụ sở. Về phía người dân cũng có không ít lo lắng về khả năng tái diễn tình trạng ô nhiễm từ các ngành nghề này.
Bà Trần Thị Bình Minh, Phó Giám đốc Sở KH&ĐT TP.HCM, cho biết DN và ngay cả một số quận, huyện cũng hiểu chưa chính xác về việc bỏ Quyết định 200/2004. Bà khẳng định “bãi bỏ Quyết định 200/2014 không đồng nghĩa là DN được quyền “tái kinh doanh” trong KDC”. Cũng theo bà Minh, hiện có rất nhiều quy định liên quan, ví dụ Luật Bảo vệ môi trường, các quy định về điều kiện kinh doanh… điều chỉnh việc kinh doanh. Khi DN muốn hoạt động ngành nghề nào thì cần tuân thủ quy định chung như Luật DN, Luật Bảo vệ môi trường… và các quy định riêng của ngành đó. Nếu DN hoạt động kinh doanh mà gây ô nhiễm thì sẽ bị xử phạt theo quy định. Các địa phương và Sở TN&MT sẽ kiểm tra, xử lý các vấn đề về ô nhiễm môi trường.
Cần hướng dẫn rõ hơn
Một chuyên viên đăng ký kinh doanh cũng cho biết theo Điều 37 Luật Bảo vệ môi trường quy định cơ sở sản xuất hoặc kho tàng có chất dễ cháy, dễ gây nổ; có chất phóng xạ hoặc bức xạ mạnh; có chất độc hại đối với sức khỏe con người và gia súc, gia cầm; phát tán mùi ảnh hưởng xấu tới sức khỏe con người;… thì không được đặt trong KDC hoặc phải có khoảng cách an toàn về môi trường đối với KDC. Như vậy, những ngành như hóa chất, dệt nhuộm, thuộc da, xi mạ, sản xuất vật liệu xây dựng… rõ ràng không được đặt trong KDC. Một số ngành khác như sản xuất rượu bia, thuốc lá… thì TP.HCM có quy hoạch ngành nghề cụ thể, trong đó cũng có địa điểm đặt ngoài KDC.
Làm rõ “khu dân cư” là gì
Cùng với việc bỏ lệnh cấm, UBND TP.HCM giao Sở TN&MT phối hợp với Sở Xây dựng xác định rõ tiêu chí “KDC” để làm cơ sở xem xét, cấp phép cho các cơ sở sản xuất, hoạt động. Trường hợp chưa có hướng dẫn cụ thể thì xin ý kiến hướng dẫn của Bộ Xây dựng. |
Với một số ngành nghề còn lại, có thể DN, hộ kinh doanh phải nộp bản cam kết bảo vệ môi trường theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường. Bản cam kết này phải nói rõ địa điểm kinh doanh, quy mô, nguyên liệu, nhiên liệu, chất thải là gì, quy trình xử lý chất thải ra sao và cam kết xử lý chất thải như thế nào…
Chuyên viên này phân tích cùng là kinh doanh cơ khí như đúc, cán kéo, dập cắt nhưng 10 năm trước là làm theo kiểu thủ công phát sinh tiếng ồn, bụi kim loại. Tuy nhiên, khi công nghệ thay đổi, DN cắt, khắc bằng công nghệ cao, bằng tia laser thì vấn đề môi trường đã khác đi, rất nhiều DN, hộ kinh doanh hoạt động được trong KDC. Vì vậy, hiện không còn quan niệm “ngành nghề gây ô nhiễm” nữa vì tùy từng ngành nghề, từng loại hoạt động, loại chất thải mà DN đều phải có biện pháp xử lý để đảm bảo cho môi trường. Nếu DN không thực hiện đúng thì DN đó gây ô nhiễm chứ không “đổ tội” cho ngành nghề. Do đó các quận, huyện, cơ quan quản lý về môi trường cần hướng dẫn cụ thể hơn cho DN biết họ phải làm gì về mặt bảo vệ môi trường nếu muốn kinh doanh một ngành nghề nào đó.