ThienNhien.Net – Nhiều tỉnh khu vực Nam Trung bộ đang rơi vào tình trạng hạn hán nghiêm trọng. Mùa khô ở các tỉnh này mới bắt đầu song nước sinh hoạt đã phải phân bổ theo đầu người, nước sản xuất cạn kiệt, hàng chục nghìn hộ dân có nguy cơ thiếu đói vì hạn hán.
Hết nước sản xuất
Dù mới bước vào mùa khô nhưng mực nước trên các sông ở khu vực miền Trung, đặc biệt là Nam Trung bộ đã thiếu hụt nghiêm trọng. Đi đôi với tình trạng thiếu nước sinh hoạt, nước sản xuất là xâm nhập mặn ngày một sâu. Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, 2 tháng đầu năm 2015, tổng lượng mưa trên cả nước đều thiếu hụt từ 20 – 70%, trong đó cao nhất là Nam Trung bộ. Hiện tại, mực nước trên nhiều sông ở Nam Trung bộ và Tây Nguyên đang xuống mức rất thấp, còn tại đồng bằng sông Cửu Long, hiện tượng xâm nhập mặn đang tiến sâu vào nội đồng tới 40-70km. Ngay từ đầu tháng 3, dung tích trữ của các hồ chứa thủy lợi đạt trung bình khoảng 50-85% so với dung tích thiết kế. Riêng khu vực Khánh Hòa, Ninh Thuận đạt từ 10-30%. Mực nước các hồ thủy điện hầu hết ở mức thấp hơn mực nước dâng bình thường từ 0,5 – 4,5m.
UBND tỉnh Ninh Thuận cho biết, từ vụ Hè Thu 2014 đến nay, hầu như không có mưa, dòng chảy trên các sông, suối đã cạn kiệt. Khảo sát các hồ chứa, lượng nước còn lại trung bình của 20 hồ chỉ khoảng 13,7%, tổng cộng còn 26/192 triệu m3, thấp hơn cùng kỳ 52 triệu m3. Thiếu nước khiến sản xuất, hoạt động chăn nuôi, sinh hoạt… của người dân bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Một số nơi quá khó khăn thậm chí phải trông chờ vào nước từ xe bồn, xe cứu hỏa được tỉnh huy động, chở từ thành phố về, phân phối với định mức khoảng 20 lít/hộ/ngày. Nắng nóng cũng đã làm nhiều diện tích lúa và cây ăn quả bị chết, ảnh hưởng, hàng nghìn cừu, trâu, bò đang đứng trước nguy cơ không còn thức ăn cũng như nước uống…
Theo lãnh đạo tỉnh Ninh Thuận, vụ Đông Xuân 2015, tỉnh phải dừng gieo cấy khoảng 6.100 ha do thiếu nước tưới, trên 8.000 hộ với 34.000 nhân khẩu có khả năng thiếu đói giáp hạt. Trong khi đó, theo dự báo của cơ quan khí tượng thủy văn, tại tỉnh Ninh Thuận, tình hình nắng hạn sẽ tiếp tục kéo dài và diễn ra trên diện rộng, đến giữa tháng 9 mới bắt đầu có mưa. Trước tình trạng trên, tỉnh Ninh Thuận đã phải “cầu cứu” Chính phủ hỗ trợ lương thực chống đói và kinh phí để nạo vét kênh mương, luồng lạch lấy nước sản xuất.
Chia sẻ nước từ thủy điện?
Ông Vũ Hồng Khanh, Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý công trình thủy lợi và an toàn đập (Bộ NN&PTNT) cho biết, tại Nam Trung bộ, bà con nông dân đang đối mặt với tình trạng thiếu nước tưới, khô hạn và nơi bị nặng nhất hiện nay là khu vực các tỉnh Lâm Đồng, Kon Tum, Gia Lai, Đắk Nông, Đắk Lắk. Tại Đắk Nông, Đắk Lắk các địa phương đang phải dùng mọi cách có thể để cung cấp nước tưới cho các khu vực trồng cà phê, hồ tiêu, điều cũng như cây ăn trái và hoa màu…
Còn tại các tỉnh vùng đồng bằng Bắc bộ, mực nước trên các sông lớn như sông Hồng, sông Lô cũng đã sụt giảm. Còn tại các tỉnh miền núi phía Bắc như Điện Biên, Lai Châu, Hà Giang, Cao Bằng, Lào Cai… từ nhiều năm nay, bà con đã gặp khó khăn về nguồn nước sinh hoạt và nước tưới vào mùa cao điểm tháng 3-4.
Trong khi đó, phương án xả nước từ các hồ chứa thủy điện dù đã được tính đến nhưng do phải đảm bảo nước để duy trì điện vào mùa khô nên cũng khó khả thi. Ông Vũ Hồng Khanh cho hay, Bộ NN&PTNT đang tính tới phương án xả nước, chia sẻ nguồn nước từ các thủy điện để cứu lúa, hoa màu cũng như chăm sóc cây công nghiệp tại các địa phương. Theo kế hoạch, đầu tháng 4-2015, Bộ NN&PTNT sẽ có cuộc làm việc với Tập đoàn Điện lực Việt Nam – EVN để bàn kế hoạch, phương án xả nước tại các thủy điện để hỗ trợ địa phương nguồn nước tưới, đảm bảo duy trì sản xuất nông nghiệp.