ThienNhien.Net – Lực lượng chức năng tại Hà Tĩnh trong thời gian qua đã triển khai nhiều biện pháp cứng rắn để khống chế nạn “cát tặc”. Song tất cả chỉ là “đá ném ao bèo” khi nhìn vào thực trạng phương tiện khai thác trộm, bòn rút tài nguyên đang diễn ra trên sông La đoạn đi qua địa bàn huyện Đức Thọ.
Người dân mất ngủ vì “cát tặc”
Phản ánh tới Báo TN&MT, người dân địa phương cho biết: “Từ sau tết Ất Mùi đến nay, dòng sông La đi qua địa bàn huyện Đức Thọ bị “chao đảo” bởi sức quậy phá của “cát tặc”. Có gần 20 phương tiện khai thác cát, ngang nhiên bủa vây tại địa điểm xã Đức Hòa để hút cát trái phép. Tuy vậy, sự việc diễn ra trong khoảng thời gian dài nhưng không thấy xuất hiện bóng dáng của lực lượng chức năng”.
Để tận mắt ghi lại hình ảnh sông La bị “móc ruột”, chúng tôi quyết định mục sở thị trên dòng sông. Từ chân cầu Linh Cảm men theo đường bờ đi ngược dòng sông La qua thôn 1, 2 của xã Đức Hòa, ai cũng phải xót xa khi nhìn hàng chục thuyền lớn nhỏ với đầy đủ các loại máy móc, thiết bị phục vụ cho việc khai thác cát, ngạo mạn “móc ruột” lòng sông. Ở khu vực thôn 2, xã Đức Hòa (điểm tiếp giáp với xã Ân Phú, huyện Vũ Quang) có mức độ khai thác rầm rộ nhất.
Đã 8h sáng 21/3, chưa phải thời gian cao điểm “cát tặc” hoành hành nhưng việc khai thác vẫn diễn ra náo nhiệt, công khai, tiếng máy gầm rú như ở một công trường đang thi công. Theo “thổ công” thì bọn “cát tặc” hút cát cả ngày lẫn đêm, nhưng tiến hành mạnh vào thời điểm nước thủy triều lên, chỉ cần tiếng đồng hồ là có thể hút với số lượng lên đến hàng trăm khối cát. Vào thời điểm chúng tôi có mặt ở điểm giáp ranh giữa hai huyện Đức Thọ và Vũ Quang đã có tới gần 10 chiếc tàu đang thi nhau nhã các “vòi rồng” xuống lòng sông hút cát.
Ông Phạm Quốc Lập – Bí thư Chi bộ thôn 2, xã Đức Hòa bức xúc cho biết: “Việc khai thác cát trái phép ở địa phương đã diễn ra từ nhiều năm nhưng chưa có thời điểm nào rầm rộ như thời điểm hiện nay. Tiếng máy hút cát gầm rú không dứt, nhất là vào ban đêm khiến người dân không có giây phút để nghỉ ngơi, có những đêm chúng tôi đếm có đến 17 chiếc tàu tham gia hút cát ở địa bàn xóm 2. Đã nhiều lần nhân dân tập trung đuổi “cát tặc” nhưng không hiệu quả, nhiều người sau đó còn bị bọn chúng đe dọa”.
Thôn 2, xã Đức Hòa là điểm giáp ranh của hai huyện, có 127 hộ dân, trong đó có hơn 50% số hộ nằm bên bờ sông La đang chịu sự tra tấn của hoạt động khai thác cát trái phép này. Điều đáng lo ngại hơn, việc khai thác cát một cách bừa bãi nên dọc bờ sông luôn xảy ra sụt lún, nước sông xâm thực đe dọa đến cuộc sống của các hộ dân dọc tuyến sông. Đặc biệt, vào mùa mưa lũ ai cũng nơm nớp lo sợ bờ sông sụt lở.
Theo phản ánh, sở dĩ “cát tặc” xuất hiện nhiều trong thời gian gần đây là do các cơ quan chức năng buông lỏng, thiếu quyết liệt xử lý. Mặt khác, hoạt động trái phép này còn có sự yểm trợ của những đối tượng “bảo kê” ở trên bờ sẵn sàng dùng thủ đoạn gây khó khăn cho mọi lực lượng ngăn cấm. Phản ánh tại điểm xảy ra người dân cho biết, gần khu vực “cát tặc” hoạt động trên có mỏ cát của Công ty Công Tuyến được cấp phép khai thác nên khó kiểm soát hoạt động núp bóng, vì lẽ đó người dân rất khó tham gia để phát hiện.
“Cát tặc” sử dụng “bảo kê”, lực lượng chức năng mất khả năng kiểm soát
Tổng hợp của phóng viên cho thấy, câu chuyện “cát tặc” xâm hại sông La, trên địa bàn huyện Đức Thọ đã nhiều lần được báo TN&MT tham gia điều tra, phản ánh. Lãnh đạo các ban, ngành huyện này đã vào cuộc xử lý. Song chỉ là “đá ném ao bèo” khi nhìn vào thực trạng “cát tặc” đại náo hiện nay diễn ra trên địa bàn.
Được biết, thành phần tham gia bảo vệ trên tuyến sông này gồm có các lực lượng chủ chốt, cấp xã (gồm Công an xã, xã đội…); cấp huyện có lực lượng thanh tra liên ngành (gồm Công an huyện, Huyện đội, Phòng TN&MT, Phòng NN&PTNT…); cấp tỉnh có (Sở TN&MT, Phòng Cảnh sát giao thông đường thủy, Phòng Cảnh sát môi trường, An ninh kinh tế…), nhưng hoạt động “cát tặc” vẫn trót lọt trong nhiều năm qua, công khai hoạt động trái phép, thậm chí những đơn vị này thừa nhận có những lúc vượt ra ngoài tầm kiểm soát của lực lượng chức năng.
Tìm hiểu tại nơi xảy ra chúng tôi được phản ánh, sự tham gia bảo vệ của lực lượng chức năng là thiếu quyết liệt. Điều này được thể hiện rõ trong nhiều vụ việc cụ thể, yếu tố linh hoạt trong việc ngăn chặn nạn “cát tặc” của cơ quan công quyền còn hạn chế. Trong khi đó, do mang lại nguồn lợi lớn nên các đối tượng khai thác dùng mọi thủ đoạn để tránh sự kiểm soát của lực lượng quản lý.
Ông Phạm Đình Việt, Phó Trưởng công an xã Đức Hòa thừa nhận: “Tình trạng khai thác cát trái phép trên địa bàn là có thật và đang diễn biến phức tạp. Gần đây bọn “cát tặc” sử dụng lực lượng “bảo kê” để đối phó với cơ quan chức năng nên nếu chỉ dựa vào lực lượng công an xã thì không thể xử lý. Thậm chí bọn chúng còn đe dọa tính mạng nếu chúng tôi làm quyết liệt”.
Ông Phan Đình Thức, Chủ tịch UBND xã Đức Hòa cho hay: Mỗi khi phát hiện dấu hiệu khai thác cát trái phép, UBND xã Đức Hòa đều làm văn bản gửi các cấp, ngành liên quan xin hỗ trợ lực lượng. Mặt khác, do xã Đức Hòa là điểm tiếp giáp của hai huyện nên rất khó kiểm soát, chỉ cần một cái nhích thuyền nhẹ sang địa bàn huyện Vũ Quang là không còn thẩm quyền. “Cái khó trong việc ngăn chặn khai thác cát trái phép ở địa phương là do chế tài quá yếu, chính quyền chỉ phạt hành chính, tiêu hủy phương tiện có giá trị nhỏ, trong khi đó sự hỗ trợ của cấp trên quá chậm, thiếu mạnh mẽ”, ông Thức cho biết thêm.
Trao đổi với phóng viên về vấn nạn này, lãnh đạo huyện Đức Thọ từng nhiều lần lên tiếng cho rằng do các xã còn thiếu trách nhiệm, đồng thời kèm theo văn bản phê bình. Tuy nhiên, cách vào cuộc sau khi nhận được phản ánh của cơ quan này dường như thiếu quyết liệt, không xử lý dứt điểm vụ việc nên bọn “cát tặc” không biết sợ (nội dung này được lãnh đạo một số xã phản ánh).
Đại tá Nguyễn Phúc Tiến – Trưởng phòng Cảnh sát giao thông đường thủy, Công an tỉnh Hà Tĩnh cho biết: Hiện nay số lượng tàu hoạt động khai thác cát trái phép trên các con sông nằm ở phía bắc của Hà Tĩnh có khoảng 15 chiếc, so với trước đây đã ngăn chặn cơ bản nhưng để triệt để thì chưa làm được. Chúng tôi đã họp bàn và thống nhất, xảy ra ở địa phương nào thì địa phương đó chịu trách nhiệm xử lý. Còn lực lượng CSGT đường thủy hiện nay, con số ít, quản lý địa bàn rộng nên phải cơ động, không thể tập trung tại một địa bàn.
Nạn khai thác cát trên sông La khi chưa được các cơ quan chức năng cho phép không còn là vấn đề mới, diễn ra ngày càng lộ liễu. Khu vực giáp ranh giữa hai huyện Đức Thọ và Vũ Quang đang rơi vào cảnh “cha chung không ai khóc”, nên chăng các lực lượng chức năng tỉnh Hà Tĩnh cần có sự bắt tay vào cuộc để xử lý dứt điểm…?!.