ThienNhien.Net – Phân người chứa vàng và các kim loại quý hiếm trị giá lên tới hàng trăm triệu USD.
Phát hiện đột phá này của các nhà khoa học Mỹ không chỉ mang giá trị vật chất mà còn giúp bảo vệ môi trường.
Theo nhà nghiên cứu Kathleen Smith (Ca-thơ-lin Xmít) thuộc Cơ quan Khảo sát địa chất Mỹ (USGS), trong hầu hết các mẫu chất thải hữu cơ rắn thu được sau khi xử lý phân người từ các nhà máy xử lý chất thải của Mỹ đều tìm thấy vàng và các kim loại quý như platinum và bạc.
Lượng kim loại quý trong các mẫu chỉ ở mức độ cặn khoáng rất nhỏ; trong 1 kg chất thải chứa khoảng 0,4 mg vàng, 28 mg bạc và 638 mg đồng và 49 mg vanadium. Tuy nhiên, với lượng rất lớn chất thải hữu cơ rắn thải ra mỗi năm, con người đang vứt đi cả một kho báu. Ngoài các kim loại quý hiếm, trong chất thải này còn tìm thấy lượng lớn các kim loại nặng như chì, thạch tín, những chất không tốt cho môi trường.
Hiện vấn đề làm đau đầu các nhà khoa học là phương pháp để có thể thu lại được “kho báu” này. Theo đó, nhóm nghiên cứu đang tìm cách thay đổi quy trình chiết suất kim loại từ các mỏ khoáng sản đang được sử dụng trong ngành công nghiệp mỏ để áp dụng tách kim loại khỏi chất thải hữu cơ rắn. Hai mục đích được đưa ra là loại bỏ một số kim loại nặng thông thường làm giảm hiệu quả loại phân bón làm từ phân người và thu thập các kim loại giá trị, các kim loại này có một số có giá trị công nghệ cao như vanadium và đồng – được sử dụng trong việc chế tạo linh kiện điện thoại, máy tính và hợp kim. Việc này không chỉ mang lại giá trị vật chất mà còn có giá trị bảo vệ môi trường do giúp cắt giảm nhu cầu khai thác mỏ cũng như giảm lượng kim loại nặng vô tình thải ra môi trường.
Các nhà khoa học cho biết các kim loại hiếm thâm nhập vào cơ thể chúng ta thông qua các sản phẩm hóa mỹ phẩm mà chúng ta sử dụng hàng ngày như dầu gội đầu, chất tẩy rửa, và thậm chí quần áo – nơi những hạt nano đôi khi được sử dụng để khử mùi cơ thể. Theo thống kê, mỗi năm tại Mỹ, thu được hơn 7 triệu tấn chất thải hữu cơ rắn được xử lý từ phân người tại các cơ sở xử lý nước thải của Mỹ; khoảng 60% lượng chất thải rắn được sử dụng làm phân bón cho các cánh đồng và rừng, nửa còn lại bị đốt hoặc chôn.
Phát hiện trên được công bố tại Hội nghị và triển lãm quốc gia lần thứ 249 của Hội hóa học Mỹ (ACS) – tổ chức khoa học lớn nhất thế giới, diễn ra tại Denver (Đen-vơ), bang Colorado (Cô-lô-ra-đô), từ nay cho đến hết ngày 26/3.