ThienNhien.Net – Ông Nguyễn Phú Hùng- Vụ trưởng Vụ KHCN (Tổng cục Lâm nghiệp) cho biết, việc trồng mắc ca mục tiêu chủ yếu là lấy quả và hạt. Do đó, giống đóng vai trò rất quan trọng, quyết định thành công trong việc trồng cây mắc ca.
Về điều kiện khí hậu, vùng trồng cây mắc ca phải có tiểu khí hậu phù hợp, thời gian ra hoa ngắn, nên chỉ cần mưa gió là mất mùa ngay lập tức. Ở vùng có khí hậu mưa phùn, gió bấc sẽ không thành công nếu trồng cây mắc ca.
Ông Hùng cũng kiến nghị, trước mắt phải kiểm soát được giống và nên bắt đầu từ ngay các địa phương. “Nếu nhân rộng, khả năng chiết ghép sẽ không đáp ứng được nhu cầu, mà chỉ đảm bảo 20-30% giống, bởi nếu nhân giống bằng hom mắt, chúng ta sẽ không thể kiểm soát được chất lượng, cộng thêm thời gian ra quả kéo dài”- ông Hùng nói. Cũng theo ông Hùng, diện tích mắc ca trên toàn thế giới hiện mới có 80.000-90.000ha, nên nếu bảo trồng 200.000ha, Việt Nam phải rà soát quy hoạch ở các tỉnh tiềm năng, khả năng trồng được bao nhiêu và khuyến cáo các tỉnh kiểm soát chặt nguồn giống, bởi mắc ca không phải cây lấy gỗ, nếu không ra quả, sẽ khó xử lý.
Còn ông Nguyễn Huy Thiềng – Phó Viện trưởng Viện Điều tra quy hoạch rừng, cho đến nay diện tích cây mắc ca ở Tây Bắc mới trồng thử nghiệm, hơn 50ha, còn sản xuất đại trà chưa có. Tại ở Tây Nguyên, có khoảng 2.000ha, nhưng đây chỉ là quy hoạch tiềm năng, căn cứ vào nhu cầu sinh thái của loài cây này.
Số liệu về quy hoạch mắc ca cho thấy chủ yếu là diện tích trồng xen canh, như ở Tây Nguyên 155.000ha, trong đó diện tích trồng tập trung chỉ có 8.900ha, còn trồng xen với cây công nghiệp và cây lâm nghiệp. Tương đương, ở Tây Bắc chủ yếu là trồng xen. Cũng theo Viện Điều tra quy hoạch rừng, dự kiến diện tích đất khả thi để trồng cây mắc ca ở Tây Bắc là 43.762ha, song diện tích trồng thuần không đáng kể và phân tán là 1,188 triệu cây cây. Vùng Tây Nguyên, diện tích đất khả thi để trồng cây mắc ca đến năm 2020 là 155.752ha, trong đó trồng thuần 8.892ha, trồng xen 146.800ha, phân tán là 1,3 triệu cây.