ThienNhien.Net – Rừng ngập mặn là rừng thuộc hệ nước mặn ven biển, chủ yếu là nơi sinh sống của cây đước, cây mắm, cây vẹt. Giá trị của rừng ngập mặn nằm ở chức năng phòng hộ, chống sạt lở ven biển, cân bằng môi trường thiên nhiên, giá trị kinh tế rất thấp. “Cái khó ló cái khôn”, người dân ở các huyện Ðầm Dơi, Năm Căn, Ngọc Hiển, Phú Tân, U Minh và Trần Văn Thời (Cà Mau) đã mở ra cách sản xuất mới, tận dụng mặt nước dưới chân rừng thả nuôi các loài thủy sản. Trung tâm Khuyến ngư (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cà Mau) cho biết: Hơn hai năm qua, đã có hơn 400 hộ dân nuôi thủy sản dưới chân rừng ngập mặn cho thu nhập 100 triệu đồng/năm trở lên. Ðến nay, nhiều người phát triển sản xuất theo mô hình này, trong đó nhiều loài thủy sản được thả nuôi như: cá đối, cá chẻm, cá thòi lòi, tôm, cua.
Không riêng Cà Mau, ngành nông nghiệp tỉnh Kiên Giang cũng khuyến khích nông dân phát triển và nhân rộng mô hình nuôi thủy sản kết hợp trồng rừng, góp phần bảo vệ môi trường và tạo nơi trú ẩn cho các loài thủy hải sản. Trong đó, mô hình nuôi ba khía (một loài họ cua có càng to, đặc trưng ở vùng Nam Bộ, sống tập trung ở vùng nước lợ, mặn), được áp dụng tại xã Bình Giang, huyện Hòn Ðất, bước đầu đem lại thu nhập ổn định cho người dân. Ba khía có khả năng sinh trưởng mạnh và lớn rất nhanh, ít bị hao hụt. Nếu thả nuôi một tấn ba khía giống với giá 15.000 đồng/kg (khoảng 120 con), sau hơn hai tháng nuôi sẽ cho thu hoạch được khoảng năm tấn thành phẩm (khoảng 25 con/kg), bán ra với giá 32.000 đồng/kg. Ðến “ngày hội” (30 âm lịch hằng tháng), ba khía sẽ đẻ nhiều. Bên cạnh đó, khi thả nuôi ba khía, môi trường được bảo vệ tốt, nhất là rừng phòng hộ.
Theo đánh giá chung của ngành nông nghiệp hai tỉnh nói trên, nghề nuôi thủy sản dưới chân rừng có lợi là giữ được rừng đồng thời cải thiện được cuộc sống cho người dân sinh sống ở những vùng rừng ngập mặn, cho nên chính quyền địa phương cần khuyến khích.