Đạ Nha, lâm tặc như chủ rừng (kỳ 1): Gỗ lậu như ở chốn “không người”

ThienNhien.Net – Những cánh rừng ở Đạ Nha (Quốc Oai, Đạ Terh, Lâm Đồng), lâm tặc ngang nhiên chặt cây, xẻ gỗ, chở gỗ ra cho các điểm tập kết của đầu nậu. Trong khi đó, Cty TNHH nông nghiệp Khang Cường không đủ năng lực bảo vệ rừng…

Kỳ 1: Gỗ lậu như ở chốn “không người”

Gỗ lậu ngang nhiên đi ngang qua chốt bảo vệ của Công ty Khang Cường - chủ rừng (Ảnh: Khắc Dũng)
Gỗ lậu ngang nhiên đi ngang qua chốt bảo vệ của Công ty Khang Cường – chủ rừng (Ảnh: Khắc Dũng)

Thấy tôi chụp ảnh lâm tặc ngang nhiên chở gỗ lậu ngang qua cổng trạm kiểm soát cửa rừng, một cán bộ quản lý bảo vệ rừng của Công ty TNHH nông nghiệp Khang Cường tên Khánh nói: “Lâm tặc ở đây hung dữ lắm. Tụi em ở đây “hết thuốc” rồi. Bây giờ mà đứng ra chặn xe lâm tặc, tối nay cái nhà trạm này bị phá tan lập tức, tính mạng của tụi em cũng không an toàn. Bản thân em đã từng bị lâm tặc đánh đến nhập viện…”.

Thăm rừng của doanh nghiệp

Trưa nắng như đổ lửa, nhưng những cánh rừng ở Đạ Nha (Quốc Oai, Đạ Tẻh, tỉnh Lâm Đồng) còn “nóng” hơn khi tôi có mặt tại Chi nhánh Cty Khang Cường, một trong hơn hai chục doanh nghiệp thuê đất thuê rừng ở Đạ Tẻh trồng rừng, trồng cao su và sản xuất nông lâm kết hợp. Tôi quẳng cả ba lô lẫn xe máy tại chi nhánh rồi leo lên xe “chuyên dụng” của Dương Ngọc Khánh, tổ quản lý bảo vệ rừng. Khánh bảo: “Em sẽ đưa anh đi đến cuối phần đất của Khang Cường thuê. Rộng lắm, gần 900ha ở 4 tiểu khu 520, 525 thuộc xã Quốc Oai và 539, 524 thuộc xã Mỹ Đức. Trước, đất rừng này là của Công ty cổ phần đầu tư kinh doanh vàng bạc đá quý Kim Minh Đạt, trụ sở ở TPHCM. Khang Cường giống như là công ty con của Kim Minh Đạt, là cổ đông lớn nhất. Nay, diện tích này gần như công ty mẹ sang nhượng cho công ty con. Rừng này tỉnh Lâm Đồng cho Kim Minh Đạt thuê từ năm 2008… Đến khi bàn giao cho Khang Cường thì gỗ quý chẳng còn gì; hiện chỉ lèo tèo vài gốc thuộc gỗ nhóm II, nhóm III, còn lại hầu hết là nhóm VI nhóm VII… Không giống công ty mẹ, Công ty Khang Cường không lấy khai thác tận thu làm một trong những mục đích chính. Ấy nhưng, giờ đây, chỉ riêng giữ cho diện tích rừng của công ty khỏi bị lâm tặc tấn công cũng đã mệt mỏi lắm rồi…”.

Xế chiều, nắng quái xiên qua tán lá của dăm cây gỗ thưa thớt ven đường thốc vào mặt khiến tôi liên tục đưa tay áo lau mồ hôi trên mặt. Con đường băng ngang vùng rừng của Khang Cường hết lên dốc lại xuống dốc, có những dốc cao ngất ngưởng; rồi lại băng qua rất nhiều nhánh suối nhỏ đổ ra suối Đạ Nha. Khánh bảo: “Em cũng là dân Đà Lạt đấy! Sau khi giải ngũ, em làm nhiều nghề lắm, nay xuống đây làm cho Khang Cường chưa được lâu nhưng “dính đạn” lâm tặc nhiều lần rồi. Như lúc nãy em nói đấy, có lần họ đập em đến mức phải nhập viện”. Tôi hỏi: “Vất vả vậy, chuyện lương thưởng của Khánh có khá không?”. Khánh trả lời: “Dạ, hai chục triệu…”. Tôi ngạc nhiên: “Hai chục triệu đồng mỗi tháng?”. Anh chàng cười: “Dạ… một năm! Nói vui thôi, nhưng không biết anh có tin không, lương của em chỉ hai triệu rưỡi một tháng thôi, anh ạ!”. Tôi ái ngại, nhưng cũng đùa: “Nhưng bù lại, Khánh có được một tay lái rất vững để xuyên rừng như thế này đây”.

Đào mương chắn đường gỗ lậu ngay trong rừng nhưng không mang lại hiệu quả
Đào mương chắn đường gỗ lậu ngay trong rừng nhưng không mang lại hiệu quả 

Mấy tiếng đồng hồ lội rừng, tôi mệt đứ đừ. Dường như hiểu ý nên thỉnh thoảng Khánh dừng lại rồi giới thiệu với tôi: “Anh biết không, cả khoảnh rừng nơi trảng bằng này năm trước còn hơn ba chục cây cọ; nay, lâm tặc “xử” gần hết, chỉ còn lại lèo tèo mấy cây. Tôi ngạc nhiên: “Sao rừng ở đây mà có cọ được?”. “Thế mới quý chứ anh, gần như Khang Cường độc quyền rừng cọ ở Đạ Tẻh đấy. Nhưng, lâm tặc dữ quá, chắc những cây còn lại rồi cũng bị đốn hạ đến hết trong nay mai thôi…”. Hai chúng tôi lại lên xe, lại đi, rồi lại dừng lại. Chỉ tay về phía quả đồi lưa thưa mấy lùm cây bụi, Khánh bảo: “Thời gian gần đây, ở phía sườn đồi ấy có một, hai con nai xuất hiện. Thỉnh thoảng vào buổi chiều đi làm rừng về, em thấy nó. Rồi nữa, ở phía trảng cỏ bên này, khoảng nửa tháng gần đây có một con gấu xuất hiện. Nghe bảo dân địa phương cũng đã nhìn thấy nó và họ đang nhăm nhe…”.

 

Lâm tặc “làm rừng” như chủ nhân

Không chỉ nhiệt tình đưa tôi lội rừng mà Khánh còn tỏ ra khá vô tư khi kể cho tôi nghe đến tường tận nạn lâm tặc ở chốn này. Khánh bảo: “Lâm tặc vào đây “làm rừng” cứ như họ là chủ chứ không phải Khang Cường!”. Bỗng nghe tiếng cây đổ rồi sau đó là tiếng… thú rừng rộ lên, tôi hỏi: “Họ chặt gỗ và đang săn thú rừng trên kia à?”. Khánh nói: “Họ vừa cưa đổ cây, nghe tiếng xe máy, họ ra hiệu cho nhau là phải cẩn thận vì có người lạ vào rừng đấy. Rừng trên đó cũng hết gỗ quý rồi, anh à. Ví dụ như hiện tại em đi kiểm tra rừng, khi lên được đến nơi, thấy động là lâm tặc di chuyển đi nơi khác rồi chứ không để bị bắt tại trận đâu. Mà, nếu có bắt tại trận thì chắc gì em hoặc nhóm bảo vệ của công ty khống chế được họ”.

Đưa tôi đi thêm một đoạn, Khánh lại dừng lại và chỉ tay vào triền đồi: “Anh có thấy cái vườn điều đấy không? Vườn đó, Công ty Khang Cường đã đền bù toàn bộ, tiền thì họ nhận rồi; ấy nhưng, chủ vườn vẫn cứ tiếp tục làm vườn, công ty đành… bó tay”. Đến một đoạn có con mương đào ngang qua đường, Khánh bảo tôi xuống xe để anh qua một mình trên vài tấm ván khập khênh bắc ngang mương. Khánh nói: “Con mương này là do tụi em đào để không cho lâm tặc chở gỗ lậu qua, nhưng không ăn thua gì đâu anh ơi. Nếu chở bằng xe honda thì cái cầu này họ vẫn dám băng qua; còn nếu vận chuyển bằng trâu thì khi qua mương, họ dùng cây để kê kích. Có đào chục cái mương nữa cũng chẳng ăn thua. Hôm trước, một nhóm người địa phương kéo đến tận trụ sở bắt tụi em lấp lại cái mương phía trên kia kìa. Họ bảo, nếu Khang Cường không lấp cái mương đó thì cái trụ sở này không còn. Trước sự hung hăng của nhóm người đó, hôm sau, tụi em đành phải lấp lại. Nói chung là… sợ lắm”.

Trên đường đi, thỉnh thoảng gặp một tốp đàn ông từ rừng chạy xe máy ra. Tôi hỏi Khánh: “Họ vào rừng làm gì mà không thấy chở gỗ hay thứ lâm sản nào ra?”. Khánh giải thích: “Đó là nhóm cưa xẻ. Bây giờ, lâm tặc “làm rừng” bài bản lắm. Nhóm cưa xẻ vào rừng từ sáng sớm để chọn cây rồi hạ xuống và xẻ theo quy cách của đầu nậu giao. Giờ này (khoảng hơn 14 giờ) họ về. Trên rừng lúc này là công việc của nhóm vận chuyển. Nhóm vận chuyển bằng trâu thì ra khỏi rừng sớm hơn; còn nhóm vận chuyển bằng xe máy thì canh lúc hết giờ hành chính, tầm khoảng 17, 18 giờ đến tận tối mới đưa gỗ xuống. Nếu gặp kiểm lâm đi tuần bất ngờ thì đã có người từ bên ngoài gọi điện thoại báo vào, họ giấu gỗ cạnh vệ đường rồi đi xe không về; đợi đến tối, khi đã an toàn, họ quay lại chở gỗ ra cho các điểm tập kết của đầu nậu”.

Đã 16 giờ mà nắng ở Đạ Tẻh vẫn còn như đổ lửa. Vì có đoạn phải lội suối và đi bộ, áo quần của tôi đã bê bết bùn đất. Tôi đùa với Khánh: “Nhìn mình lúc này có giống lâm tặc không?”. Khánh cười: “Kiểu trói gà không chặt như anh thì còn lâu mới làm lâm tặc nổi. Anh thấy không, những người vừa ngang qua chúng ta đấy, ai cũng như vâm cả. Còn tay lái của họ thì… siêu hơn em nhiều. Cứ chiều về tại trạm cửa rừng, tận mắt chứng kiến cảnh từng đoàn người chở gỗ qua trạm là biết ngay”.