ThienNhien.Net – “Cuộc sống ở vùng tái định cư sẽ tốt hơn nơi ở cũ”, đó là những gì người dân khu vực lòng hồ thủy điện Bản Vẽ (Tương Dương, Nghệ An) được hứa hẹn. Song, với nhiều bất cập và khuyết thiếu trong thực thi chính sách di dân, không ít hộ đã rơi vào cảnh khốn cùng. Và họ lại buộc phải “tái định cư ngược” về chốn cũ.
“Nghèo, ra đi càng nghèo hơn!”
Hoang vắng, lạnh lẽo, những cảm giác ấy ập tới khi đặt chân đến hai xã Thanh Sơn, Ngọc Lâm (huyện Thanh Chương). Ðây là khu vực tái định cư (TÐC) chủ yếu của người dân sáu xã thuộc địa bàn huyện Tương Dương, nhường đất cho Công trình thủy điện Bản Vẽ. Sau những cung đường gập ghềnh sạt lở, đập vào mắt tôi là nhiều công trình xuống cấp, tốc mái và bị bỏ hoang. Trời đã chập choạng, mà chẳng một ánh lửa bếp. Anh Lô Văn Tơn (bản Nọng, xã Ngọc Lâm), cho hay: “Người dân còn đang lên nương, xuống suối, và một phần “di cư” về lòng hồ Bản Vẽ rồi”.
Vội vã chỉ cho tôi những vị trí bà con phải tự đi khai hoang do thiếu đất canh tác, anh Tơn nói thêm: “Dưới đó dễ xói mòn, mồ hôi công sức đổ ra đằng đẵng để có một ô trồng cấy, chỉ một trận mưa là tất cả bị dòng nước nuốt chửng”.
Vượt 160 km, tôi quay lại tìm về khu vực lòng hồ, nơi Công trình thủy điện đang hòa vào lưới điện quốc gia. Từ bến Thượng Lưu, phải thuê thuyền đi vào xã Hữu Khuông mất gần hai giờ đồng hồ. Tiếng động cơ khiến không gian bớt cô quạnh. Ngay bên mép nước có những túp lều nhỏ cất tạm bợ, là nơi trú ngụ của dân địa phương đã bỏ khu TÐC Thanh Chương về sống bằng nghề chài lưới, trồng ngô. Có hàng trăm hộ dân đã lựa chọn như thế, bỏ về nương tựa lòng hồ. Trong đó, nhiều nhất là bản Kim Hồng, với 52 hộ đã bán hết nhà cửa nơi TÐC.
Người dân hy sinh cho thủy điện, họ có quyền được đối xử công bằng, được bồi thường thỏa đáng để ổn định cuộc sống mới. Nơi ở mới phải tốt hơn nơi ở cũ. |
Bản Kim Hồng nằm nép mình dưới chân núi dốc. Những căn nhà tạm ọp ẹp mới dựng lên đứng liêu xiêu. Vài đứa trẻ nhếch nhác không được tới trường ùa ra “xem mặt” khách. Một số người lớn ngồi tựa cửa với dáng đen đúa. Những bàn tay mệt mỏi xua xua. Những câu “Về đi!” buông ra lạnh nhạt. Hỏi ra, họ tưởng tôi là cán bộ đến vận động quay trở lại Thanh Chương. Biết là không phải thế, ông Lương Tấn (52 tuổi) nghẹn ngào: “Khổ quá rùi! Xuống đó lấy đất mô làm ăn? Ðối chiếu tờ rơi (biên bản quy định đền bù, hỗ trợ – PV), có thấy đúng mô!”.
Xác nhận thông tin này, già làng Lò Văn Quyết ước tính: Từ năm 2009 theo sự vận động của cán bộ, hơn 100 hộ bản Kim Hồng đã di chuyển, nhưng điều kiện nơi đó không đủ sống nên năm 2011 lần lượt bỏ về quê cũ. “Tui có ba con, đã dựng vợ gả chồng. Tất cả cùng về một lượt. Chúng tui sống nghèo, ra đi càng nghèo hơn!”, ông Quyết thả xuống một câu chua chát.
Nỗi sợ… nơi ở mới
Là cán bộ xã, ở gần dân, nhiều người vì trách nhiệm mà vận động bà con quay lại, nhưng không dám “mạnh tay” bởi đa số người dân là họ hàng, quen mặt, sống tình nghĩa với nhau đã nhiều năm. Họ chỉ còn biết kiến nghị lên cấp cao và chờ đợi. Lời anh Lô Văn Tùng, Phó Chủ tịch UBND xã Hữu Khuông và anh Quàng Văn Ðặng, Chánh văn phòng UBND huyện Tương Dương, là sự chia sẻ chung nỗi xót xa của nhiều cán bộ vùng núi cỗi cằn này: “Thấy bà con đói, tội lắm! Năm 2011, gia đình chú họ của tôi quay về, ai cũng gầy tong teo. Cán bộ đến thì hầu như ai cũng khóc, xin đừng bắt họ về Thanh Chương!”. Nhiều đoàn công tác đã đi tận những nơi bà con cư trú thuyết phục họ trở về khu TÐC nhưng chẳng kết quả. Mỗi lần thấy cán bộ, bà con thường trốn vào trong rừng sâu, không hợp tác.
Vì sao nơi ở mới lại trở thành nỗi ám ảnh với người dân, khiến họ sợ hãi đến vậy? Có người nói vì dân không hòa nhập được điều kiện sống mới, người khác bảo một số hộ ỷ lại, chờ đợi chính sách. Còn người dân lên tiếng: “Nếu nơi đó sống tốt, thì bỏ về làm chi!”. Hai vợ chồng ông Lê Văn Nghệ và bà Chu Thị Huệ, mới bìu ríu đàn con về bản Kim Hồng, cùng khóc: “Không ruộng, đi làm thuê chẳng ai mướn. Ðói, bệnh tật đi vay mượn người thân thì họ cũng chung hoàn cảnh !”.
Kết nối thông tin từ người dân và cán bộ địa phương, có thể phần nào mường tượng được quá trình TÐC, ngay từ việc khảo sát, chuẩn bị cơ sở vật chất đã chưa đến nơi đến chốn, vậy nên, vướng mắc lớn nhất chính là chưa chuẩn bị đủ quỹ đất sản xuất cho dân. Thậm chí, năm 2003, khi chưa có đất TÐC, thì hai bản với 141 hộ dân đã phải di dời và phải bốn năm sau đó mới có quyết định chính thức. Nhiều hộ dân qua hơn chục năm đến nay vẫn chưa được giao đủ đất. Là người trực tiếp tham gia vận động dân, nhưng ông Vi Tân Hợi, Phó Chủ tịch UBND huyện Tương Dương cũng chỉ ra: “Phía chủ đầu tư chỉ muốn nhanh chóng đưa dân ra khởi lòng hồ chứ chưa thật sự quan tâm đến quá trình hậu di dân. Ðã vậy, các công trình như nhà ở, nhà văn hóa, trường học ở nơi ở mới đã mau chóng xuống cấp, không đáp ứng điều kiện sống tối thiểu cho người dân. Ðó là chưa kể công tác di dân đã không tính toán đầy đủ đến việc phù hợp với tập quán của người dân”.
Ðến giờ nhìn lại việc người dân sống khổ sở, bản thân ông Vi Tân Hợi cũng chua chát nhận trách nhiệm về mình. Ấy là, phía địa phương chưa “dám” nói thật với nhân dân về những khó khăn trước mắt, mà chỉ đưa ra viễn cảnh “nơi ở mới sẽ tốt hơn nơi ở cũ”. Còn anh Lô Văn Tùng, Phó Chủ tịch UBND xã Hữu Khuông, sau nhiều lần đi gặp các cấp để hỏi về quyền lợi cho người dân, đến giờ vẫn chưa tìm được lời đáp cho câu hỏi: “Sao cứ để dân nghèo thêm vì thủy điện?”.
Câu hỏi nhức nhối còn đó
Ðem câu hỏi nhức nhối của anh Lô Văn Tùng đi tìm lời giải, chúng tôi được biết, di dân TÐC thủy điện Bản Vẽ đã là vấn đề nóng của tỉnh. Thậm chí, trong phiên chất vất và trả lời chất vấn trong kỳ họp thứ 11 của Hội đồng nhân dân tỉnh, ngày 15-7-2014, đại biểu Lữ Kim Duyên đã thẳng thắn chỉ ra: “UBND tỉnh Nghệ An đã không kịp thời, chưa kiên quyết xử lý khi chủ đầu tư không thực hiện các hạng mục như cam kết”. Trả lời những chất vấn về vấn đề hậu TÐC, ông Lê Xuân Ðại, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An đã cam kết, tỉnh sẽ riết ráo làm tốt công tác an sinh xã hội, đồng thời nêu lên những nhiệm vụ bức thiết mà tỉnh phải quyết liệt thực hiện. Chính Ban Dân tộc (Hội đồng nhân dân tỉnh Nghệ An) đi khảo sát việc thực hiện lời hứa sau chất vấn của UBND tỉnh cũng có đề xuất: Việc ổn định tốt cho những người đang lao động sản xuất ở vùng TÐC, sẽ là cơ sở để vận động những người bỏ về quay trở lại.
Kế hoạch của UNBD tỉnh Nghệ An đặt ra là xây dựng đề án chuyển đổi cơ cấu, mô hình sản xuất; đôn đốc BQL Dự án Thủy điện 2 cùng huyện Thanh Chương đẩy nhanh tiến độ chia và giao đất; chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp đẩy mạnh công tác khuyến nông, khuyến lâm, vận động bà con tăng cường sản xuất, gia tăng sản xuất…
Kế hoạch là như vậy, nhưng bản thân Ban quản lý (BQL) Dự án Thủy điện 2 cũng cho biết: “Tổng diện tích ruộng nước đã được thực hiện xong và BQL phối hợp với UBND huyện Thanh Chương thu hồi 1.779 ha đất lâm nghiệp của nông trường Thanh Chương, tiếp tục chia cho người dân. Tuy nhiên, việc này cũng gặp nhiều khó khăn, vì quỹ đất đã được giao khoán”. Liệu với lý giải thiếu đất tái sản xuất do quỹ đất được giao khoán đã đủ cho thực tế, biết bao gia đình đã được TÐC trên giấy? Rõ ràng, vấn đề bức thiết nhất lúc này là thiếu đất sản xuất thì phải lấy ở đâu để chia cho dân, đơn vị nào có trách nhiệm thực hiện, vẫn chưa có câu trả lời.
Ðã gần nửa năm kể từ khi những cam kết được chính quyền và BQL dự án đưa ra mạnh mẽ, nhưng chuyến đi thực tế của chúng tôi tại vùng tâm điểm của di dân vẫn chưa ghi nhận được mấy sự thay đổi tích cực. Những ánh mắt của bà con vùng TÐC, cũng như bà con bỏ về lòng hồ vẫn đầy vẻ khắc khoải. Họ trông đợi một sự chuyển động thật sự từ phía tỉnh Nghệ An, chứ không phải là những lời hứa.
Ðể người dân thật sự yên tâm “dứt áo ra đi”, thủy điện cần mang đến ánh sáng, đời sống ấm no. Ðừng để họ sống trong quầng tối dưới chân cột đèn.