ThienNhien.Net -Mới đây, chúng tôi trở lại khu vực mỏ vàng Bồng Miêu thuộc xã Tam Lãnh huyện Phú Ninh, Quảng Nam, chứng kiến cảnh tàn phá rừng núi để khái thác quặng vàng. Những hầm hố ngang dọc, đất đá bị cày xới, hàng chục lán trại nằm ẩn trong các cánh rừng, những tiếng máy nổ, máy xay đá, tiếng cưa cắt gỗ,… nổ ầm vang như một đại công trường.
Để tìm hiểu cụ thể về tình hình khai thác vàng tại đây, nhóm phóng viên chúng tôi sau khi đến địa phân xã Tam Lãnh, đã quyết định mạo hiểm vượt núi, băng rừng đến những điểm nóng khai thác vàng trái phép. Sau khi lội bộ hàng cây số, chúng tôi có mặt tại chân núi Kẽm. Từ đây nhìn lên núi đã thấy hàng chục căn chòi được che bạt màu xanh nằm sát bên nhau. Trong rừng ầm vang những tiếng máy nổ, máy xay, tiếng cưa cắt gỗ. Đến gần nơi đây đất đá bị cày xới ngổn ngang. Nhiều nơi bị sạt lở nghiêm trọng.
Những phu vàng tại đây đa số là dân nghèo, lao động nặng nhọc nhưng gần như không có bảo hộ lao động. Trước mắt chúng tôi hàng chục con người đang ra sức đào xới cạnh những hầm hố sâu hoắm bên vách núi cheo leo. Càng đáng lo sợ hơn, ở khu vực Ngách Chụm, đồi AD1 đến lò 10, bãi Thầu Đâu nhiều hố sâu, vực thẳm và những lán trai tạm bợ, cất bên vực núi chênh vênh. Khi thấy nhóm phóng viên đưa máy lên tác nghiệp, những phu vàng tưởng là lực lượng chức năng truy quét nên đã nhanh chóng bỏ lều, di chuyển lên phía trên cao hoặc chui ngược vào hầm trốn tránh.
Tại hiện trường, hàng chục hầm chứa quặng, đất đá bị cáy xới tan hoang. Một người dân có mặt tại hiện trường cho biết: “Sau khi đào xới núi rừng, tạo thành những hầm, hố. Hố cạn thì vài mét, sâu thì hàng chục mét khi nào tìm ra quặng là bắt đầu dùng xà beng và các vật dụng khác để khai thác. Quặng vàng sau đó được xay nhuyễn và chuyển về các thùng chứa bằng các đường ống dẫn nước. Tại đây các phu vàng sẽ sử dụng các hóa chất độc như cyanua để lọc vàng, sau đó bã quặng và dung dịch chứa vàng sẽ đi qua các bể lắng rồi đẩy chất thải ra môi trường xung quanh. Công việc vô cùng vất vả nhưng rất nhiều người đổ về đây khai thác quặng vàng, bất chấp tất cả để mưu sinh”.
Tại địa phương này đã từng xảy ra những vụ tại nạn chết người đau lòng vì khai thác vàng trái phép. Ngay ngày 1-1 hai phu vàng Nguyễn Văn Minh (43 tuổi) và Cao Minh Tâm (35 tuổi, cùng trú thôn Trung Sơn, xã Tam Lãnh) bị chôn vùi do sập hầm vàng tại khu vực hầm lò núi Kẽm. Còn theo theo Công an huyện Phú Ninh, đợt truy quét ở Tam Lãnh trước tết, lực lượng chức năng đã đẩy đuổi gần 200 người ra khỏi khu vực; phá hủy 86 lán trại, 475 bao xái, đá quặng, 73 thòn nước và hóa chất, hơn 5m3 gỗ các loại dùng để chèn chống hầm lò và dựng lều, lán trại. Làm mất tác dụng 29 máy nổ, 29 cối xay, 21 cối dập, 5 dinamo, 2 máy nén khí, 5 máy phát điện, 4 máy bơm nước. Tiêu hủy 3.065m2 bạt, 12.750m dây nước, 1.150m dây điện, 20 bao vôi; tạm giữ 2 máy phát điện, 135 lít dầu Diezen, 1 máy cưa lốc, 15 môtô, xe máy các loại, hơn 400m dây điện… Thế nhưng đâu lại vào đó.
Ông Nguyễn Văn Thanh, Trưởng công an xã Tam Lãnh cho biết: Nạn khai thác vàng trái phép tại địa phương đã xảy ra lâu nay. Địa phương và các đoàn liên ngành của huyện, tỉnh cũng đã nhiều lần truy quét, đẩy đuổi nhưng xong các đợt truy quét họ lại tiếp tục tập trung về đây khai thác vàng. Đáng lo sau tết trở lại đây nạn khai thác vàng trái phép bắt đầu nổi lên lại, nổi cộm nhất là khu vực Núi Kẽm, bãi Thầu Đâu.
Qua tìm hiểu của phóng viên, các phu vàng khai thác trái phép, không chỉ là người địa phương mà người dân các xã, các nơi xa khác cũng đổ về đây để làm. Thậm chí họ đi cả gia đình, tổ chức làm lán trại, ăn ở tại chỗ khai thác quặng vàng. Còn theo chính quyền xã, trước đây địa phương có khoảng 300 công nhân làm cho Công ty Khai thác vàng Bồng Miêu, do đơn vị này đang khó khăn cho tạm nghỉ và họ mới nhận lại khoảng 70 người, còn hơn 200 người chưa có việc làm trở lại, trong số đó có ít người về làm nông, trồng rừng, còn đa số đi làm vàng trái phép để kiếm thêm thu nhập.
Theo chính quyền địa phương, do lực lượng quá mỏng, phương tiện, kinh phí còn khó khăn, còn các đoàn liên ngành cũng đến rồi đi vì không thể đủ quân số cắm giữ, huống gì các vấn nạn trên xảy ra trên diện rộng, ở những nơi núi rừng hiểm trở. Vì thế “cuộc chiến” chống lại các vấn nạn trên cũng không biết đến khi nào mới có hồi kết.