ThienNhien.Net – Theo Chủ tịch UBND TP.Hà Nội trả lời ngày 19.3 thì không có một chiến dịch chặt hạ hơn 6.700 cây xanh, thực tế, đó là kế hoạch từng bước thay thế những cây già cỗi, sâu mọt, cong nghiêng, không đúng chủng loại, không đảm bảo an toàn giao thông. Dư luận đề nghị cần làm rõ những cây xanh đã bị hoặc đang chờ chặt hạ có nằm trong diện phải thay thế như lời người đứng đầu thành phố đã nói?
Cần, nhưng không thể thay thế đồng loạt
Vào mùa mưa bão, người dân không khỏi bất an khi đi trên đường phố Hà Nội – nhất là những tuyến đường có hàng cây cổ thụ – bởi tính mạng bị cây cướp đi lúc nào không hay. Đã có những cái chết do cây xanh gây ra mà chẳng thấy cơ quan quản lý phải chịu trách nhiệm.
Sau cái chết của anh Phạm Tuấn Anh – tài xế hãng xe taxi Mai Linh – (năm 2012) trên phố Lò Đúc, chúng tôi đã gặp người dân sống ở con phố có hàng cây sao nổi tiếng, được biết họ đã thống kê được gần hai chục cây sẵn sàng… chờ đổ. Người dân đã kiến nghị, nhưng cơ quan chức năng quản lý cây xanh trả lời, không phải “muốn là chặt được”. Cây phải nằm trong diện “nguy hiểm”, phải có cấp thẩm quyền quyết định mới được chặt hạ.
Sáng 19.3, tại phiên họp thường kỳ của lãnh đạo TP.Hà Nội, ông Lê Văn Dục – Giám đốc Sở Xây dựng – cho rằng, cây xanh được thay thế – ngoài số cây không đảm bảo an toàn, còn có cả những cây không thuộc chủng loại cây xanh đô thị. Số lượng cây không đảm bảo sẽ từng bước được thay thế bằng những cây phù hợp với quy hoạch, đảm bảo an toàn. cảnh quan đô thị và môi trường sinh thái.
Tuy nhiên, theo ý kiến người dân thì việc chặt hạ cây đang được thực hiện trên nhiều tuyến đường không phải là thay thế mà là bị chặt đồng loạt, khi người dân lấy cơ sở căn cứ là Nghị định 64/2010/NĐ-CP ngày 11.6.2010 của Chính phủ quy định về quản lý cây xanh đô thị. Quy định tại khoản 1 Điều 14: Điều kiện chặt hạ, chuyển dịch cây xanh đô thị gồm, cây xanh đã chết, bị đổ gãy hoặc có nguy cơ gãy đổ, gây nguy hiểm; cây xanh bị bệnh hoặc đến tuổi già cỗi không đảm bảo an toàn; cây xanh trong các khu vực thực hiện dự án đầu tư xây dựng công trình.
Người dân không khỏi thắc mắc khi trồng đồng loạt cây vàng tâm ở đường Nguyễn Chí Thanh. Vàng tâm là loại gỗ quý hiếm. Hà Nội đã phải bảo vệ cây sưa để chống trộm mà vẫn bị mất. Du khách đã từng ngạc nhiên trước hình ảnh những cây sưa được “mặc chiếc váy” bằng sắt để chống trộm, thì liệu trong tương lai, hàng cây vàng tâm trên đường Nguyễn Chí Thanh lại phải đồng phục với “váy sắt”.
Tính công khai, minh bạch ở đâu?
Ngày 30.1.2015, ông Nguyễn Quốc Hùng – Phó Chủ tịch UBND TP.Hà Nội – ký công văn số 695 gửi Sở Xây dựng Hà Nội, về việc “thay thế cây xanh…”, trong đó có chỉ đạo “Trước khi thực hiện, Sở Xây dựng tổ chức công bố công khai trên các phương tiện đại chúng để tạo sự ủng hộ, đồng thuận của cộng đồng”. Xin được hỏi, Sở Xây dựng đã thực hiện chỉ đạo trên của UBNDTP?
Rõ ràng người dân không được biết đến chủ trương thay thế cây xanh của UBND TP.Hà Nội. Người dân cần được biết, vì sao lại trồng cây vàng tâm – loại quý hiếm – trên đường phố? Những loại cây nào thuộc chủng loại cây xanh đô thị? Những cây nào cần phải thay thế vì không đảm bảo an toàn?
Kiến nghị của ông Trần Đăng Tuấn cũng là nguyện vọng của nhân dân thủ đô: Nên tạm dừng việc chặt hạ cây một thời gian để người dân tự kiểm tra: Có đúng 6.700 cây đó là thuộc diện cần loại, thay hay không?
Nguyện vọng của người dân là Sở Xây dựng tạm dừng việc chặt hạ cây xanh, thông báo cho nhân dân được biết đầy đủ về chủ trương này.
Theo công ty TNHH Một thành viên Công viên cây xanh Hà Nội, trước yêu cầu của dư luận về việc TP Hà Nội cần trưng cầu ý kiến người dân về thay thế cây xanh trên địa bàn thành phố,chiều ngày 19. 3 Cty đã treo biển trưng cầu ý kiến người dân về việc chuẩn bị thay thế, cây sâu mục trên một số tuyến phố. Đồng thời công ty sẽ tiếp nhận thông tin phản hồi của người dân qua số máy 043.9764540, trực 24/24 giờ. |