ThienNhien.Net – Sở Công Thương tỉnh Quảng Bình làm dự án qua vùng lõi của rừng nhưng chưa tham vấn đơn vị bảo tồn thiên nhiên nào.
Hiện dư luận băn khoăn với dự án điện mặt trời lớn nhất Việt Nam có thể đắp kho thì Sở Công Thương tỉnh Quảng Bình lại thực hiện dự án điện lưới quốc gia gần như trùng khít với dự án điện mặt trời trị giá gần 370 tỉ đồng từ vốn ngân sách trung ương. Điều đáng nói, dự án điện lưới này có hợp phần kéo điện phải đi qua vùng lõi di sản thiên nhiên thế giới Vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng khiến hàng chục ha rừng vùng lõi di sản có nguy cơ bị chặt trụi. Tuy nhiên, đơn vị thiết kế chưa tham vấn các tổ chức bảo tồn quốc tế.
Theo tổng thể dự án mà chúng tôi thu thập được, hệ thống đường điện lên hai xã Tân Trạch, Thượng Trạch dài hơn 60 km, chiều rộng hành lang an toàn lưới điện mỗi bên ít nhất 2 m (tổng cộng 4 m). Như vậy, để thực hiện hệ thống điện này phải hạ hàng chục ha rừng đặc dụng vùng lõi của di sản Phong Nha – Kẻ Bàng dọc đường 20-Quyết Thắng cho mục đích chôn cột, kéo điện. Trong khi đây là khu vực rất giàu gỗ quý hiếm, hàng ngàn thân cây cao 10-30 m, thậm chí cao hơn 40 m, nhiều người ôm không xuể, được giới bảo tồn xem là khu vực nguyên sinh hiếm có trong các khu rừng đặc dụng Việt Nam.
Lãnh đạo Sở Công Thương tỉnh Quảng Bình (chủ đầu tư dự án) cho biết các công ty thiết kế thuê dự án không tham vấn bất cứ đơn vị bảo tồn thiên nhiên nào; chủ đầu tư cũng chưa tham vấn ý kiến của Sở VH-TT&DL, Bộ VH-TT&DL…
Về dự án phải hạ rừng này, Văn phòng UBND tỉnh Quảng Bình chỉ mới dừng ở thông báo, truyền đạt ý kiến chủ tịch tỉnh: “Sở Công Thương chỉ đạo đơn vị tư vấn thiết kế phù hợp, sử dụng cáp bọc, đi theo tuyến đường 562 (đường 20) để hạn chế tối đa việc giải phóng mặt bằng, chặt bỏ cây, cảnh trong quá trình thi công và vận hành khai thác, giảm tối đa số lượng cột điện, làm ảnh hưởng đến môi trường, mỹ quan khu vực”.
Một chuyên gia bảo tồn thiên nhiên đánh giá đây là vấn đề ảnh hưởng hệ trọng đến di sản nên phải có các quyết định rõ ràng của chủ tịch tỉnh để tránh mất rừng đặc dụng. Đồng thời chủ tịch tỉnh phải tham vấn các cơ quan bảo tồn, Thủ tướng Chính phủ, Bộ VH-TT&DL trước khi thực hiện.
Vào năm 2012, khi Sở GTVT tỉnh Quảng Bình cho nâng cấp đường 20-Quyết Thắng thi các tổ chức bảo tồn như UNESCO, IUCN, FFI… đều khuyến cáo không chặt bất cứ cây gỗ nào dọc đường vì tán lá tự nhiên phủ không gian phía trên của đường 20-Quyết Thắng như “chiếc cầu” xanh giúp các loài linh trưởng di cư. Giờ thực hiện dự án lưới điện quốc gia thì việc giải phóng mặt bằng, chặt cây cối sẽ gây hại cho cảnh quan nguyên sinh của di sản này.