ThienNhien.Net – Biến đổi khí hậu (BĐKH) đã và đang diễn biến phức tạp khiến cuộc sống của các cư dân vùng ven biển bị ảnh hưởng ngày một nghiêm trọng. Cà Mau được xác định là một trong những tỉnh bị ảnh hưởng nặng nề của BĐKH và nơi này đang tìm nhiều giải pháp để thích ứng với BĐKH. Một trong những giải pháp trọng tâm là “vá” lại đê biển.
Rừng phòng hộ ven biển bị… mất dần
Tỉnh Cà Mau có ba mặt giáp biển, với chiều dài bờ biển hơn 254km (chiếm gần 1/3 chiều dài bờ biển của ĐBSCL). Những năm gần đây bờ biển trên địa bàn bị xói lở nhanh, diện tích rừng phòng hộ ven biển ngày càng thu hẹp, đai rừng ven biển cũng mỏng dần.
Trở lại vàm Mỹ Bình (xã Phú Tân, huyện Phú Tân) chúng tôi ghi nhận khu vực này bị sạt lở nghiêm trọng, sóng biển đã đánh sát vào chân đê. Đất cặp bờ biển bị lở khoét sâu hình răng cưa. Nhiều cây mắm và đước bật gốc ngã la liệt, đất nhô ra khoét sâu hàm ếch và bị sóng biển ngày đêm nuốt dần. Theo người dân địa phương, chẳng bao lâu phần đất này sẽ theo “hà bá” kéo xuống biển.
Tình trạng sạt lở cũng diễn ra nhiều nơi ở biển Tây, nhất là tại các cửa sông, cửa biển. Chị Trần Ánh Lê (nhà gần cửa biển Cái Cám) lo lắng: “Đất lở đã sát cửa nhà nhưng bây giờ tôi chẳng biết đi đâu”. Ngược về phía bờ biển Đông tình trạng sạt lở cũng diễn ra tương tự. Ông Trần Văn Tư (nhà ở gần cửa biển Gành Hào, xã Tân Thuận, huyện Đầm Dơi) nói: “Phía bên Đông Hải của tỉnh Bạc Liêu được làm kè nên đã ngăn được sạt lở. Chừng 5 năm trở lại đây phía bờ Tân Thuận lở rất nhiều, dân di dời liên tục”. Theo kết quả khảo sát gần đây của Chi cục Thủy lợi tỉnh Cà Mau, hiện nay tình trạng sạt lở bờ biển ở mức nguy hiểm có tổng chiều dài trên 40km, trong đó, có bốn khu vực sạt lở đặc biệt nguy hiểm: cửa biển Gành Hào, khu vực Khai Long, đê biển Tây, khu dự trữ sinh quyển mũi Cà Mau…
Tìm cách “vá”… đê biển
Để khắc phục tình trạng sạt lở, thời gian qua tỉnh Cà Mau đã áp dụng rất nhiều giải pháp như kè bằng vật liệu địa phương, cừ bản nhựa và kè rọ đá. Tuy nhiên, các loại kè này còn hạn chế. Cụ thể, như kè rọ đá ổn định không cao – bởi sau vài năm dây bị đứt phải sửa chữa tốn kém gần như làm mới. Tương tự, kè bản nhựa sau một thời gian sử dụng dây cáp neo bị ôxy hóa làm đứt nên bờ biển tiếp tục sạt lở…
Từ những nhược điểm của các dạng kè trên. Ông Nguyễn Long Hoai, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Cà Mau cho biết, năm 2010 tỉnh Cà Mau đã cho đầu tư thí điểm 300m kè ngầm tạo bãi tại Lung Ranh (bờ biển Tây, huyện U Minh). Nguyên lý kè này chắn sóng từ xa, cho phép nước biển mang phù sa vào bên trong kè gây bồi tự nhiên, hoặc có thể bơm đất gây bồi nhanh sau đó trồng cây… Đến nay, qua kiểm tra thực tế nhận thấy đất đã bồi vào trong kè rất nhanh, cây mắm đã mọc tái sinh và phát triển tốt… nên kè tạo bãi vừa khắc phục được sạt lở, vừa khôi phục lại rừng phòng hộ ven biển. Hiện nay, tỉnh đã đẩy nhanh xây dựng kè tạo bãi ở biển Tây và biển Đông ở những điểm xung yếu nhất, với tổng chiều dài trên 10km.
Ông Hoai cũng cho biết đang tìm giải pháp hạ giá thành kè ngầm tạo bãi bằng cách thay thế vật liệu bên trong (bằng đá hộc, thay bằng vật liệu tràm hoặc tre), chiều dài các cọc ly tâm được kéo dài ra thêm…
Khi được hỏi về biện pháp chống BĐKH, ông Hoai chia sẻ: “Có nhiều cách làm và một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành hiện nay là bảo vệ đê biển và rừng phòng hộ. Quan điểm của chúng tôi khi xây dựng kè là kết hợp với trồng rừng. Chúng tôi cố gắng không để mất diện tích rừng hiện có và đang trồng thêm rừng, tái tạo lại rừng phòng hộ để “vá” lại đê biển…”.
Phần lớn diện tích Cà Mau sẽ bị ngập khi nước biển dângTheo kịch bản BĐKH (do Bộ TN-MT công bố), Cà Mau là một trong những tỉnh bị ảnh hưởng nặng nề nhất ở vùng ĐBSCL. Khi nước biển dâng 25cm (ứng với năm 2040 trong kịch bản) sẽ có hơn 4.693 km2 bị ngập từ 1- 1,2m trở lên, chiếm 85% tổng diện tích tự nhiên của tỉnh. Với mực nước biển dâng 50cm (ứng với năm 2060 – 2070 trong kịch bản), tổng diện tích bị ngập từ 1,2- 1,4m trở lên của tỉnh Cà Mau sẽ là 4.476 km2, chiếm 81% tổng diện tích tự nhiên của tỉnh. |