ThienNhien.Net – Phí bảo vệ môi trường (BVMT) trong khai thác khoáng sản được sử dụng để bù đắp các tổn thất môi trường do hoạt động khai thác như khắc phục suy thoái, ô nhiễm và tái tạo cảnh quan môi trường… nhưng thực tế hiện nay, tại nhiều địa phương, khoản phí này chưa được sử dụng đúng với mục đích ban đầu.
Dân sống trong ô nhiễm
Người dân xã Cốc Mỳ, huyện Bát Xát (Lào Cai) hàng ngày phải sống chung với ô nhiễm môi trường do khai thác, chế biến quặng đồng và khoáng sản đi kèm của Công ty mỏ tuyến đồng Sin Quyền (Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam). Kể từ khi Nhà máy tuyển đồng Sin Quyền đi vào hoạt động, đoạn đường chạy dọc theo khai trường bị băm nát còn trơ lại sỏi đá và mù mịt bụi đất nhuộm trắng mọi cảnh vật xung quanh. Sừng sững bên trái đường là dãy núi đất đá do khai thác quặng đồng thải ra cao ngút tầm mắt, như chỉ chực chờ đổ ụp xuống đầu.
Ngôi nhà của gia đình ông Lý A Gạo ở thôn Bản Đơ, xã Bản Vượt nằm sát mép đường, cách bãi thải khoảng 50 m, ngôi nhà lụp xụp và những vật dụng của gia đình phủ dày bụi đất. Tiếp chuyện chúng tôi mà tay ông theo thói quen vẫn cầm giẻ lau bụi xung quanh. Ông Gạo buồn rầu cho biết, trước năm 2003 gia đình ông ở thôn Bản Chí có đủ nhà, ruộng nước, nương, ao, chuồng tổng cộng 2 ha.
Sau khi nhường đất cho Công ty khai thác quặng đồng, gia đình ông được đền bù 50 triệu đồng và đến năm 2006 mới được phân khoảng 100 m2 tái định cư nơi đây. Ngoài hứng chịu bụi và mùi quặng đồng tanh hôi hàng ngày, vợ chồng ông cứ vào tháng 5 và tháng 6 lại phải đi sơ tán vì sợ mưa to cả dãy núi đất đá của bãi thải ụp xuống. Chẳng riêng gì gia đình ông Gạo, mà 12 hộ ở thôn tái định cư Bản Đơ cũng nằm trong “thảm cảnh” đó.
Theo thống kê, năm 2013, Lào Cai thu được gần 200 tỷ đồng tiền phí BVMT, tuy nhiên, hầu như phí này không được sử dụng cho mục đích BVMT. Dù có mỏ Sin Quyền nằm trong địa phận xã, nhưng người dân và xã thì hầu như không nắm được 1 năm xã có bao nhiêu phí BVMT và sử dụng như thế nào. Trong khi đó, người dân phải sống chung với ô nhiễm, đường sá hư hỏng, thậm chí một số người dân ở khu tái định cư đang phải phụ thuộc vào nhà máy nước khi có khi không.
Tình trạng đó còn xảy ra ở rất nhiều địa phương khác, xã Giáp Lai, huyện Thanh Sơn (Phú Thọ) có 3 doanh nghiệp khai thác khoáng sản tại địa bàn. Người dân tại đây phải sống chung với ô nhiễm và bệnh tật. Dù chưa rõ nguyên nhân, nhưng tỷ lệ ung thư và người chết do ung thư là khá cao. Hàng năm xã được chi một khoản dành cho phí BVMT nhưng số tiền này được sử dụng để chi lương cán bộ, các hộ dân trong xã chưa được đầu tư các công trình nước sạch và vệ sinh môi trường.
Cào bằng và lãng phí
Phí BVMT là để các địa phương phòng ngừa và hạn chế các tác động xấu đối với môi trường tại nơi có hoạt động khai thác khoáng sản như khắc phục suy thoái, ô nhiễm môi trường và tái tạo cảnh quan môi trường do hoạt động khai thác. Toàn bộ nguồn kinh phí này được giao cho các địa phương quản lý. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia đánh giá, các tỉnh không quy định tỷ lệ phân bổ và cơ chế sử dụng phí BVMT trong khai thác khoáng sản. Nhiều nơi vẫn tồn tại tư tưởng “cào bằng”, phân bổ nguồn phí theo dân số, xã phường chứ không tính đến mức độ ô nhiễm theo từng vùng, của từng loại khoáng sản. Dẫn đến trong cùng một địa phương, nơi có nhiều mỏ khai thác, gây nhiều ô nhiễm thì không có tiền khắc phục ô nhiễm, nơi không cần đến thì lại có vốn, dẫn đến nguồn phí bị sử dụng sai mục đích.
Ông Đặng Văn Thanh, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Ngân sách Quốc hội, Chủ tịch Hội Kế toán Kiểm toán Việt Nam cho biết: “Luật Ngân sách đã quy định chi tiết về khoản kinh phí dành cho vấn đề BVMT nhưng hiện ở các địa phương đã có không ít khoản chi sai mục tiêu đề ra, dùng tiền phí môi trường để phục vụ cho những việc khác, chưa chú trọng đến vấn đề môi trường”.
Theo kết quả khảo sát của Liên minh Khoáng sản Việt Nam tại 30 xã có hoạt động khai thác mỏ (2009 – 2012), có 6 xã cho biết hàng năm có nhận được khoản thu từ khai thác khoáng sản nhưng không rõ có phải là phí BVMT hay không, 12 xã cho biết không nhận được phân bổ từ khai thác khoáng sản, 12 xã không biết được phân bổ hay không; 21 xã chưa từng được đầu tư các công trình hay dự án cải tạo môi trường.
“Phí BVMT là khoản thu không nhỏ, có những tỉnh có số tiền thu phí BVMT tương đương với phí tài nguyên. Nhưng nếu rà soát thì hiện nay rất ít tỉnh có cơ chế phân bổ về phí BVMT. Còn cơ chế sử dụng thì phí BVMT được nhập chung với các nguồn thu khác của tỉnh rồi phân bổ ra, chủ yếu phục vụ quản lý nhà nước như vấn đề tiền lương cán bộ, hoạt động của xã… Do chưa được quản lý và sử dụng đúng mục đích nên phí BVMT chưa thể hiện là một công cụ tài chính hiệu quả để phục vụ việc BVMT”, bà Trần Thanh Thủy, điều phối viên Liên minh Khoáng sản Việt Nam cho biết.
Bà Thủy cho biết thêm, những bất cập trên đem đến sự thiếu công bằng đối với cả cộng đồng lẫn doanh nghiệp. Cộng đồng là đối tượng trực tiếp chịu ảnh hưởng nhưng không được đầu tư giảm nhẹ tác động môi trường, còn doanh nghiệp, dù vẫn đóng phí để cải tạo môi trường song vẫn tiếp tục phải thỏa thuận với địa phương về các vấn đề môi trường ngoài hàng rào và hoạt động của doanh nghiệp có thể bị ảnh hưởng bởi sự phản kháng từ cộng đồng địa phương.
Ông Lê Xuân Trường, Giảng viên Học viện Tài chính:Kiểm tra hiệu quả sử dụng
Hiện nay, việc thu thuế, phí tài nguyên dựa vào sản lượng mà doanh nghiệp khai thác được, khai báo với cơ quan thuế nên việc doanh nghiệp không khai báo chính xác, khai báo sản lượng thấp hơn so với thực tế là điều dễ xảy ra, gây thất thoát tài nguyên. Chúng ta đang quản lý ngân sách phí môi trường theo đầu vào, tức là quản lý theo cơ chế phân bổ nguồn ngân sách đến từng địa phương nhưng lại thiếu giám sát hiệu quả đạt được. Do vậy, cần có sự thay đổi cơ chế trong quản lý, quản lý từ quá trình cấp vốn cho đến thực hiện và kiểm tra đầu ra, hiệu quả trong sử dụng. |
Cần quy rõ trách nhiệm người đứng đầu
Phóng viên báo Tin Tức đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Bùi Thị An (ảnh), Đại biểu Quốc hội TP Hà Nội, Ủy viên Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, Viện trưởng Viện Tài nguyên, môi trường và phát triển cộng đồng về vấn đề này.
Nhiều ý kiến cho rằng, nguồn phí BVMT hiện chưa được phân bổ và sử dụng hợp lý, ý kiến của bà về vấn đề này ra sao?
Thực tế, số tiền chi cho môi trường từ ngân sách nhà nước và nguồn xã hội hóa là không hề ít, nhưng tại sao môi trường vẫn ô nhiễm? Đó là bởi hiệu quả sử dụng nguồn phí này chưa hiệu quả. Hiện nay còn có tình trạng “cào bằng”, đơn giản hóa ở nhiều địa phương, phân bổ theo dân số, diện tích chứ chưa tính đến hiệu quả xử lý ô nhiễm, gây nên lãng phí. Ví dụ chữa bệnh tim phải khác chữa bệnh cảm cúm, tương tự như khai thác vàng gây ô nhiễm khác với khai thác sắt, cát. Cho nên, việc này nếu đơn giản cho cán bộ quản lý cứ thế chia đều thì sẽ không hiệu quả.
Theo bà đâu là nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên?
Đây là một vấn đề rất bất cập trong giai đoạn vừa qua trong vấn đề phân bổ kinh phí. Tôi cho rằng nguyên nhân chủ chốt nhất vẫn là tinh thần trách nhiệm của cán bộ quản lý, người đứng đầu địa phương. Thực tế, nhiều địa phương, cán bộ chưa chú trọng đến vấn đề này, hoặc không có trình độ chuyên môn, không biết phí BVMT cần sử dụng như thế nào, không biết nên xử lý những vấn đề gì của môi trường.
Nguyên nhân thứ hai là hiện nay chúng ta chưa có cơ chế giám sát về vấn đề này. Nguồn vốn phân bổ về địa phương bao nhiêu, sử dụng như thế nào, hiệu quả ra sao không ai giám sát, như vậy không thể đem lại hiệu quả.
Cho nên, vấn đề đầu tiên chính là con người, là cán bộ quản lý. Cần quy trách nhiệm đối với những người đứng đầu các tổ chức, địa phương được giao nhiệm vụ quản lý. Còn nếu như không quy trách nhiệm rõ thì không bao giờ có được hiệu quả mà cứ chung chung, xảy ra sự cố thì lại là trách nhiệm tập thể. Nếu như cứ tình trạng này, thì không chỉ riêng môi trường mà trong nhiều lĩnh vực cũng sẽ không có hiệu quả trong vấn đề chi tiêu ngân sách.
Vậy theo bà, cần có những giải pháp như thế nào để sử dụng hiệu quả nguồn phí BVMT hiện nay?
Cùng với việc quy trách nhiệm cho người đứng đầu, tôi đề nghị cần minh bạch trong phân bổ ngân sách. Ví dụ phân cho xã A bao nhiêu, đã sử dụng như thế nào và môi trường sau khi được xử lý hiệu quả như thế nào? Tất cả những điều đó cần phải được công khai minh bạch và có sự giám sát của người dân. Cần trao quyền và hiệu lực giám sát cho các tổ chức chính trị, xã hội tại địa phương như: Mặt trận Tổ quốc, Hội phụ nữ, Hội nông dân, Hội cựu chiến binh… Không ai giám sát tốt hơn là chính những người dân tại địa phương, những người trực tiếp chịu ảnh hưởng về môi trường.
Cùng đó, cần tăng cường sự tham gia của cơ quan chuyên môn, thực tế là vấn đề phí BVMT nhưng sự tham gia của Sở Tài nguyên và Môi trường hầu như là không có.
Vấn đề môi trường là cần thiết và cấp thiết vì nó ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững của đất nước. Ô nhiễm môi trường không chỉ gây ra những ảnh hưởng vể kinh tế – xã hội mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến con người, nguồn nhân lực quốc gia. Chúng ta cần đặt vấn đề môi trường đúng tầm và mọi ngành phải vào cuộc, vào cuộc bằng luật, bằng chế tài chứ không thể tuyên truyền chung chung.
Trân trọng cảm ơn bà!