ThienNhien.Net – Sau 5 năm mất đất bởi Dự án Thủy điện A Lin B1, hàng trăm hộ dân xã Hồng Vân (huyện A Lưới, Thừa Thiên- Huế) vẫn chưa được cấp đất sản xuất theo chủ trương “đất đổi đất”, trong khi nhà tái định cư (TĐC) của dự án chất lượng quá kém.
Mỏi mòn chờ đất sản xuất
Dự án Thủy điện A Lin B1 do Công ty cổ phần Thủy điện Trường Phú (có trụ sở tại Thừa Thiên- Huế) làm chủ đầu tư, khởi công xây dựng vào năm 2010. Sau 5 năm kể từ ngày khởi công, công trình này vẫn chưa rõ hình hài, trong khi người dân bị ảnh hưởng bởi dự án bị đẩy vào cảnh sống dở chết dở vì không có đất sản xuất.
Theo ông Nguyễn Văn Tôn – cán bộ địa chính xã Hồng Vân, toàn xã có 242 hộ dân thuộc các thôn A Năm, Ta Lo, A Hố và Ka Cú bị mất đất bởi Dự án Thủy điện A Lin B1, tổng diện tích đất bị thu hồi là 400ha. Khi tiến hành thu hồi đất của dân, phía dự án hứa sẽ thực hiện chủ trương “đất đổi đất”, nghĩa là mỗi hộ dân bị thu hồi bao nhiêu đất sản xuất thì sẽ được cấp lại từng ấy đất ở khu vực khác. Vậy nhưng đến nay, đã 5 năm trôi qua, người dân vẫn chưa được cấp đất theo lời hứa.
Ông Quỳnh Moong (thôn Ta Lo) cho biết, sau khi bị mất hết đất sản xuất bởi Dự án Thủy điện A Lin B1, kinh tế của gia đình ông tụt dốc như xe không phanh. “5 năm rồi gia đình tui kiệt sức vì phải làm thuê làm mướn để có cái ăn qua ngày do chờ mãi vẫn không được dự án cấp đất như đã hứa” – ông Moong bức xúc. Cùng cảnh ngộ với gia đình ông Moong là 242 hộ khác của xã Hồng Vân.
Điều tréo ngoe là, trong khi hàng trăm hộ dân bị đẩy vào cảnh khốn cùng vì mất đất sản xuất thì đất thu hồi để thực hiện dự án vẫn đang trong tình trạng bỏ hoang. Nguyên nhân là do năng lực tài chính của chủ đầu tư quá yếu, khiến dự án thi công cầm chừng, có khi “trùm mền” kéo dài.
Nhà tái định cư chất lượng tồi
Trong số 242 hộ dân xã Hồng Vân bị mất đất bởi Dự án Thủy điện A Lin B1, có 34 hộ nằm trong khu vực lòng hồ phải di dời đến nơi ở mới. Cách đây gần 5 năm, chủ đầu tư dự án tiến hành xây dựng khu TĐC tại thôn A Năm để làm nơi ở cho những hộ dân thuộc diện di dời. Tuy nhiên, vì nhà TĐC được xây dựng không bảo đảm chất lượng nên người dân không chịu đến ở.
Ông Hồ Văn Rao – Phó Chủ tịch UBND xã Hồng Vân cho biết, do thấy nhà TĐC được xây dựng chất lượng quá kém nên phần nhiều hộ dân thuộc diện di dời đã từ chối nhận nhà. Đến thời điểm hiện tại, mới chỉ có 1 nhà TĐC có người dân đến sinh sống. “Chất lượng nhà TĐC quá tệ, gạch bờ lô dùng để xây nhà chỉ cần ném nhẹ là vỡ vụn. Nhà vừa xây dựng xong đã xuống cấp, nứt nẻ hàng loạt, dân sợ nhà sập nên không dám ở”- ông Rao kể.
Theo ông Rao, từ năm 2011, sau khi phát hiện nhà TĐC được xây dựng chất lượng kém, chính quyền xã đã đề nghị Công ty Trường Phú khắc phục nhưng đến nay doanh nghiệp này vẫn chưa có bất cứ động tĩnh nào. Ông Lê Thanh Ir – hộ dân duy nhất chuyển đến nhà TĐC sinh sống cho đến thời điểm hiện tại cho biết: Tại nơi ở mới, ngoài lo lắng vì không có đất sản xuất, nhà cửa chất lượng kém, gia đình ông còn mất ăn mất ngủ trước tình trạng sạt lở ngày càng nghiêm trọng ở phía sau khu TĐC.
Theo chính quyền xã Hồng Vân, hiện quỹ đất sản xuất của xã cũng như huyện đã cạn kiệt nên việc thực hiện “đất đổi đất” cho 242 hộ dân mất đất bởi Dự án Thủy điện A Lin B1 rất khó thành hiện thực.