ThienNhien.Net – Giữa tháng 3, trời nắng như đổ lửa ở Vườn quốc gia (VQG) U Minh Hạ (Cà Mau). Nước dưới sông quánh lại một màu phèn đỏ ngầu. Có trên 22.500ha rừng khô kiệt nước đang trong tình trạng “báo động đỏ” – chiếm 50% tổng diện tích rừng tại Cà Mau. Ông Nguyễn Văn Thuấn (ấp 4, xã Khánh Bình Tây Bắc, huyện Trần Văn Thời) chép miệng: “Nắng cái điệu này, hổng biết rừng có chịu nổi mùa hạn này hôn nữa”.
Đó là con số được Chi cục Kiểm lâm Cà Mau đưa ra từ các số liệu đo đạc hằng ngày ở những cánh rừng. Ông Nguyễn Văn Hải – Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Cà Mau – phân trần: “Hiện tượng rừng khô kiệt nước trung bình 1cm/ngày, bắt đầu từ 4.2 cho đến nay. Chưa năm nào diện tích rừng báo động cháy tăng từng ngày như năm nay”. Toàn bộ lâm phần Cà Mau có đến trên 22.500ha diện tích rừng khô kiệt nước, chiếm 50% tổng diện tích có rừng tại Cà Mau.
Tại Vườn quốc gia U Minh Hạ, trong 8.527ha diện tích rừng bảo vệ nghiêm ngặt của VQG thì có đến gần 7.000ha không còn nước, nguy cơ cháy ở mức cực kỳ nguy hiểm. Ông Huỳnh Minh Nguyên – Giám đốc VQG – cho biết, mấy ngày nay nắng nóng, gió lại nhiều làm nước bốc hơi rất nhanh khiến cho diện tích vùng lõi của VQG gần như bị khô hạn hoàn toàn. Chẳng những rừng bị kiệt nước mà những kênh rạch nước cũng cạn dần.
Ông Nguyên tiên đoán chuyện tương lai rất gần chẳng được vui: “Trước mắt chúng tôi vẫn còn ứng phó được, nhưng tình trạng nắng nóng, gió mạnh cứ kéo dài thì đến đầu tháng Tư kênh mương sẽ bị cạn nước, rất khó khăn cho di chuyển phương tiện, dụng cụ PCCR nếu xảy ra sự cố cháy”.
Trong khi đó, hơn 19.000ha đất rừng do Cty TNHH MTV U Minh Hạ quản lý thì tình trạng ít nghiêm trọng hơn, nhưng BGĐ cũng đang ngồi trên lửa. Do đơn vị này quản lý hầu hết là rừng kinh tế, trồng rừng theo phương pháp kê liếp, dù nước dưới chân rừng không còn nhưng ở kênh mương thì chưa cạn. Tuy vậy, trước hiện tượng nắng nóng kéo dài như thiêu như đốt, làm lượng nước tại hầu hết con kênh nhỏ, kênh tuần tra đều cạn kiệt khiến có tới 3.000ha rừng đang ở mức báo động cháy cấp IV, 2.000ha ở cấp III, còn lại đều ở mức báo động cháy cấp II.
Ông Trần Trung Hiếu – Giám đốc Cty TNHH MTV U Minh Hạ – cho biết, Cty có 11.000ha rừng tràm trồng theo mô hình quảng canh đang có nguy cơ thiếu nước trầm trọng. Thiếu nước cho cây phát triển, lẫn thiếu nước dự phòng cho công tác PCCR. Theo ông Hiếu, hiện còn 2.000 hộ dân sinh sống dưới tán rừng thuộc lâm phần do Cty quản lý, nên việc bảo vệ rừng rất khó khăn. Sơ sót một chút sẽ dẫn đến hậu quả khôn lường.
Căng mắt canh lửa
Mùa khô năm 2015 được dự báo khô hạn gay gắt, nguy cơ cháy rừng cao. Chính vì từ đầu năm 2015, UBND tỉnh Cà Mau đã ban hành phương án PCCR. Từ tháng 3.2015, các chủ rừng, đơn vị có rừng thực hiện chế độ trực 24/24h tại các điểm canh. Cà Mau cũng chính thức thông báo đóng cửa rừng từ 4.1.2015.
Để ứng phó với nguy cơ cháy rừng, VQG U Minh Hạ bố trí 35 máy thông tin liên lạc, 12 máy bơm ở 24 điểm trạm, 145 chốt bảo vệ với lực lượng thường xuyên túc trực 24/24h và 1.402 nhóm công tác sẵn sàng ứng phó khi có sự cố cháy rừng. Tại Cty TNHH MTV U Minh Hạ bố trí 144 máy thông tin liên lạc, 22 máy bơm, 20 chòi, chốt canh lửa cố định và 8 chòi canh bán kiên cố đang thực hiện nhiệm vụ canh lửa 24/24h. Tại đây ngoài 90 nhóm công tác là người của Cty, còn có 2.000 nhóm công tác dự bị sẵn sàng ứng phó.
Tại các chòi canh lửa, kiên cố lúc nào cũng có 2 người trực trên đài quan sát. Còn lại các chốt đều cấm trại 24/24h tại nơi được giao nhiệm vụ. Anh Nguyễn Văn Liêm – Hạt phó Hạt Kiểm Lâm huyện U Minh – nhìn ra ngoài trời nắng chiều chang chang, nói: “Năm nay nắng dữ quá, địa phận của hạt đã bố trí 29 điểm, chốt bảo vệ rừng. Anh em đều bám trụ lại không dám rời vị trí, bởi chỉ cần sơ sót một chút là hậu quả khôn lường”.
Đối với người dân nhận giao khoán đất rừng, họ chia nhau ra cùng “căng mắt” quan sát những cánh rừng. Ông Nguyễn Văn Thuấn (ấp 4, xã Khánh Bình, Tây Bắc) thở than: “Năm nào đến mùa chống cháy, người dân chúng tôi cũng thay phiên nhau đi canh lửa. Năm nay nắng dữ quá, cầu mong cho rừng qua khỏi cơn đại hạn này”.
Ngày 15.3, Thứ trưởng Bộ NNPTNT Hà Công Tuấn đã có cuộc kiểm tra công tác PCCR tại VQG U Minh Hạ. Tận mắt chứng kiến cảnh nước rút từng ngày, diện tích khô hạn tăng từng giờ, Thứ trưởng Tuấn đề nghị Sở NNPTNT Cà Mau, lực lượng làm nhiệm vụ tăng cường công tác PCCR đồng thời động viên kịp thời những đơn vị, cá nhân làm tốt công tác PCCR. Chiều 16.3, làm việc với UBND tỉnh Cà Mau, Thứ trưởng Hà Công Tuấn lưu ý Cà Mau không được lơ là, chủ quan về công tác PCCR, bởi theo dự báo của ngành chuyên môn, mùa khô năm nay gay gắt hơn các năm trước.