ThienNhien.Net – Tuần qua ở xã Krông Na, huyện Buôn Đôn, Đắk Lắk thêm một con voi nhà 40 tuổi chết được cho là làm việc quá sức đã trở thành “sự kiện”, khi báo Daily Mail dẫn nguồn báo Việt Nam viết về tình trạng này tại khu du lịch Tây Nguyên. Đâu là lời giải cho số phận đàn voi nhà?
Voi là loài thú lớn có phạm vi hoạt động rộng ngoài tự nhiên với nhu cầu về nguồn thức ăn lớn. Voi được xem là loài vật quý hiếm, sách đỏ thế giới xếp ở tình trạng nguy cấp, sách đỏ Việt Nam xếp ở tình trạng sẽ nguy cấp. Nghị định 32/2006/NĐCP hiện xếp voi vào nhóm IB “Nghiêm cấm khai thác và sử dụng với mục đích thương mại”.
Với các dân tộc Tây Nguyên, voi gần gũi và thân thuộc nhất trong các con vật nuôi, song gần đây một số voi nhà bỗng dưng chết không rõ nguyên nhân. Đầu năm có một con voi nhà 36 tuổi bị rơi xuống vực núi chết khi đi kiếm ăn trong rừng. Mới đây lại một con voi nhà 40 tuổi bị chết. Người thì nói do bị đầu độc, người cho rằng voi bị “bóc lột sức lao động” chở khách quá sức. Giám đốc Trung tâm Bảo tồn voi tỉnh Đắk Lắk lại cho rằng vì thời tiết thay đổi bất thường, “nóng quá, lạnh quá thì voi đực này bị sốc”.
Hiện ở xã Krông Ana cũng có con voi cái 35 năm tuổi, thuộc quyền quản lí của Công ty Du lịch Bản Đôn Thanh Hà vừa mắc phải một căn bệnh lạ: ăn rất ít, vùng miệng bị lở, đỏ như bỏng nước sôi. Một số người nuôi voi giàu kinh nghiệm biết chuyện bảo đây là loại bệnh chưa gặp bao giờ. Voi đã được nghỉ chở khách, hàng ngày nhân viên khu bảo tồn đến khám và cho thuốc, quản voi thường xuyên kiểm tra tình trạng bệnh và cho voi ăn.
Thực tế rất cần có các cơ quan chức năng sớm vào cuộc để bảo vệ đàn voi nhà. Cần lưu ý rằng, do quy định nghiêm cấm nên việc săn bắt voi rừng nên không thể bổ sung cá thể voi nhà, trong khi đó khả năng sinh sản voi nhà rất hạn chế vì việc gặp gỡ và giao phối giữa voi đực và cái không dễ, khi các chủ voi quản lý voi độc lập, tập trung khá nhiều cho du lịch và quan trọng là ít thả voi cùng nhau, dẫn đến voi nhà hiện tuổi cao và đang ngày càng suy giảm. Rất cần một cơ chế chính sách quản lý, điều phối sinh sản cho voi nhà khi Đắk Lắk hiện chỉ có 47 con voi nhà, nhiều con đã trên 40 tuổi.
Gần đây diện tích rừng bị giảm sút nghiêm trọng, nguồn thức ăn cho voi cũng kém phong phú, một số công ty du lịch đã quy hoạch và dành một diện tích nhất định để trồng các loại cây làm thức ăn bổ sung cho voi, như chuối, mía, các loại cỏ công nghiệp dùng cho chăn nuôi. Nhưng chăm sóc sức khỏe voi chỉ bằng kinh nghiệm, trông vào các bài thuốc dân gian từ cây cỏ tự nhiên, là chưa đủ.
Hiện việc chăm sóc voi hiện chủ yếu căn cứ những kinh nghiệm gia truyền qua các thế hệ, căn cứ biểu hiện lâm sàng của voi bệnh, hơn là chăm sóc chuyên môn bài bản khoa học. Vì thế voi nhà có thể ủ bệnh từ trước không ai hay biết, xảy ra cái chết đột tử rất khó trở tay cứu chữa.
Dự án bảo tồn voi Đắk Lắk 2010-2014 đã có, là một giải pháp cần thiết để tập trung xây dựng một hệ thống quản lý bảo tồn thống nhất về voi rừng và voi nhà, thông qua một trung tâm bảo tồn có đủ năng lực. Từ đây quy hoạch vùng bảo tồn voi hoang dã, cung cấp các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, sinh sản cho voi nhà, thực hiện các chính sách đối với người nuôi voi để khuyến khích phát triển đàn voi, bảo tồn thiên nhiên hoang dã cũng như lưu giữ những giá trị văn hóa truyền thống về nghề săn bắt thuần dưỡng “voi huyền thoại” của nước ta.