Nghịch lý nhiều nước mà “chết khát”

ThienNhien.Net – Ngày Nước thế giới 22-3 đang đến gần. Ngày này tôn vinh tài nguyên nước, đánh dấu việc công dân toàn cầu đang đối mặt những thách thức liên quan đến nước. Ngày này cũng để chuẩn bị cho cách chúng ta quản lý tài nguyên nước tốt hơn trong tương lai.

Sông Đăk My lộ trơ đáy. (Ảnh: Đại Đoàn Kết)
Sông Đăk My lộ trơ đáy. (Ảnh: Đại Đoàn Kết)

Bát ngát suối sông, vấn khát

Nước ta có tới 3.450 sông và suối dài từ 10km trở lên với 108 lưu vực sông, trong đó 13 sông lớn. Lượng mưa trung bình khoảng 1.940-1.960mm/năm, tương đương tổng lượng dòng chảy hàng năm khoảng 830-840 tỷ m3. Tiềm năng nước ngầm toàn lãnh thổ ước khoảng 63 tỷ m3/năm tổng trữ lượng. Tài nguyên nước đó được xem phong phú.

Tuy nhiên lượng mưa diễn biến bất thường, mất cân bằng nước giữa 2 mùa mưa và khô đang tác động rất lớn đến tài nguyên nước, dẫn đến sự thiếu hụt nghiêm trọng nước về mùa khô, cả lượng và chất. Hạn hán năm nay tiếp tục xảy ra trên các lưu vực sông khu vực miền Trung, Tây Nguyên, miền núi phía Bắc và Đồng bằng Sông Cửu Long.

Xã Phước Trung, huyện Bác Ái, Ninh Thuận đang chịu ảnh hưởng nặng nhất của tình trạng khô hạn đang kéo dài. Nước sinh hoạt hàng ngày hết sức khan hiếm. Nguồn nước sạch do UBND tỉnh này cấp kinh phí mua từ nơi khác chuyển đến cho người dân nơi đây 25 khối/ ngày chỉ đủ phục vụ cho việc ăn uống.

Để có nước dùng cho tắm giặt và các sinh hoạt khác, người dân phải bòn vét từ ao hồ, khe suối, rất mất vệ sinh. Nước đó đục bẩn ô nhiễm do trâu bò, dê cừu hằng ngày đến uống giẫm đạp… Sử dụng nguồn nước mất đó nguy cơ mắc các bệnh về mắt và bệnh ngoài da rất lớn. Nước sinh hoạt đã vậy, nước sản xuất gay go hơn.

Lỗ hổng hồ chứa

Một trong những giải pháp chủ đạo để tạo nguồn nước ngọt, điều phối lượng nước từ mùa lũ sang mùa kiệt là phát triển hệ thống hồ sinh thái. Nhất là xây dựng các hồ chứa thượng lưu để điều tiết nguồn nước và vận hành theo quy trình hợp lý.

Câu hỏi đặt ra là gần 7.000 hồ chứa nước lớn nhỏ đã và đang xây dựng đáp ứng các yêu cầu trữ lượng, điều tiết dòng chảy phục vụ cấp nước trong mùa khô và phòng chống lũ lụt trong mùa mưa ở nước ta ra sao? Chưa kể trên 2.900 hồ chứa thủy điện, thủy lợi đã vận hành, đang hoặc đã có quy hoạch xây dựng có tổng dung tích trên 65 tỷ m3.

Đúng là hồ chứa nước, hồ thủy lợi nói chung ở ta số lượng lớn. Song việc nghiên cứu, xây dựng khoa học các hồ này theo tiêu chí sinh thái, phục vụ đa mục tiêu cấp nước, bảo vệ đa dạng sinh học và môi trường, lại chưa được quan tâm đúng mức… Hiện hồ sinh thái thể tự nhiên và nhân tạo trải dài đất nước có xu hướng suy thoái và ô nhiễm do nuôi cá lồng, do bồi lắng… trầm trọng.

Gay go còn vì cả 2 loại hồ chứa thủy lợi và thủy điện chưa có quy trình vận hành, hoặc chậm được cập nhật sau hàng chục năm xây dựng. Ngay Hà Nội có 130 hồ chứa nhưng xây dựng từ lâu, không đủ tài liệu thiết kế, hệ thống quan trắc, ít được đầu tư nâng cấp, nên bị lấn chiếm và hư hỏng nặng.

Vậy là nguồn tài nguyên nước của ta với hệ thống sông ngòi dày đặc, phong phú cả lượng mưa, nước mặt, nước ngầm, nhưng hạn hán đang tác động xấu tới đời sống, sức khỏe người dân, gia cầm, gia súc, mùa màng và thiếu nước nghiêm trọng lâu dài có thể dẫn tới xung đột giữa các cộng đồng dân cư.

Người dân xã Phước Trung có tổ chức đào ao tại các ruộng trũng ở xa khu dân cư để lấy nước tắm và giặt giũ áo quần, khi nước tù đọng ở các con suối đã cạn. Vì khô hạn quá lâu, ngay ao hồ mới đào cũng không dễ gì có nước. Tỉnh Ninh Thuận đã đầu tư nguồn vốn 26 tỷ đồng cho Dự án cung cấp nước sạch cho Phước Trung, có thể cuối tháng 9 mới hoàn thành. Người dân vẫn tiếp tục sử dụng nguồn nước kém vệ sinh đối mặt thách thức bệnh tật.

Ngày Nước thế giới 2015 có chủ đề “Nước là cốt lõi của phát triển bền vững” tập trung nhấn mạnh mối tương quan giữa Nước và Phát triển bền vững. Tại Việt Nam, Bộ TN&MT và UBND tỉnh Bắc Giang tổ chức mít tinh kỷ niệm Ngày Nước thế giới trong 2 ngày 19 và 20-3 tại TP. Bắc Giang. Bên cạnh đó còn tổ chức Hội thảo khoa học và Triển lãm ảnh “Nước là cốt lõi của phát triển bền vững”…

 

Chú trọng điều phối

Nguồn nước quý giá có thể bảo vệ, giữ gìn được bằng chính hành động hàng ngày của mỗi chúng ta. Những lỗ hổng trong quản lý tài nguyên nước phải cấp thiết giải quyết đồng bộ. Nước ở các hồ chứa thủy điện, thủy lợi là tài nguyên nước trên lưu vực sông nhưng Bộ TN&MT không thể điều hành được vì quyền quản lý thuộc Bộ Công thương và Bộ NN&PTNT.

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải, Chủ tịch Hội đồng quốc gia tài nguyên nước, tại cuộc họp giữa tuần qua đã yêu cầu Bộ TN&MT xây dựng quy hoạch tài nguyên nước quốc gia, lồng ghép với điều tra cơ bản tài nguyên nước, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào năm 2016.

Quan trọng còn là tiếp tục xây dựng các quy trình vận hành liên hồ chứa trong mùa cạn, kết hợp các quy trình vận hành mùa lũ của từng lưu vực thành quy trình vận hành liên hồ chứa cả mùa lũ, mùa cạn. Rà soát kỹ các quy định trong dự thảo Nghị định quy định về hành lang bảo vệ nguồn nước, Nghị định về khuyến khích, ưu đãi hoạt động sử dụng nước tiết kiệm…