ThienNhien.Net – Là vùng sản xuất nông nghiệp trọng điểm của cả nước với 16 triệu dân, nhưng Đồng bằng sông Cửu Long đã và đang phải đối mặt với sự thiếu hụt nguồn nước sản xuất và sinh hoạt, nhất là vùng nông thôn.
Tình trạng trên xuất hiện do nguồn nước ở đây ngày càng bị nhiễm mặn, trong đó phương thức canh tác sử dụng thuốc trừ sâu, phân bón tràn lan gây ảnh hưởng đến môi trường nước mặt và nước ngầm do đó cần có những giải pháp đồng bộ để giải quyết tận gốc tình trạng này.
Khan hiếm nguồn nước
Trong nhiều tháng qua, tình hình khô hạn và xâm nhập mặn tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long đang ở mức báo động. Hầu hết cửa sông, ven biển nước mặn đều lấn sâu vào đất liền từ 40-60km, độ mặn đo được từ 4-12g/lít và chỉ có khoảng 40-50% số dân vùng nông thôn có nước sạch sinh hoạt.
Các trạm cung cấp nước sạch quy mô từ 500-2.000m3/ngày đêm chủ yếu xây dựng ở thị trấn, thị tứ. Còn trung tâm xã ấp mới xây dựng trạm cấp nước quy mô 100-300m3/ngày đêm, nên nhiều địa phương vùng miền thuộc Đồng bằng sông Cửu Long đang gặp khó khăn về nước sinh hoạt, ảnh hưởng rất lớn đến đời sống và sức khỏe của người dân.
Bên cạnh đó, tác động của biến đổi khí hậu và nước biển dâng đang đưa xâm nhập mặn vào sâu vùng nội đồng hàng chục km; ô nhiễm nguồn nước; hạn hán kéo dài; lũ lụt… nên sự khan hiếm nguồn nước càng trầm trọng, xảy ra hầu khắp các địa phương ở Đồng bằng sông Cửu Long.
Trong khi loại hình cấp nước chủ yếu là công trình tập trung quy mô vừa và nhỏ, giếng khoan, giếng đào, bể chứa nước mưa, bể lọc và lu chứa nước mặt tại từng hộ gia đình. Nên tỷ lệ dân số nơi đây được sử dụng nước đạt tiêu chuẩn (QCVN02:2009) chỉ là 36,5%, trong đó số dân sử dụng nước từ công trình cấp nước tập trung chiếm tỷ lệ 34%.
Nguồn nước sinh hoạt nông thôn đang được sử dụng tại Đồng bằng sông Cửu Long gồm nước mưa, nước mặt và nước ngầm. Riêng nước mưa được sử dụng hầu hết ở các vùng nông thôn, phổ biến nhất là các vùng ven biển do nước mặt và nước ngầm bị nhiễm mặn, nhiễm phèn. Các vùng khác tuy nguồn nước mặt dồi dào vào mùa mưa song lại thiếu hụt lớn vào mùa khô.
Đồng bằng sông Cửu Long cũng là nơi chịu tác động mạnh của thủy triều kèm theo xâm nhập mặn từ Biển Đông và Vịnh Thái Lan. Hiện tại do đang trong mùa khô cộng với nước biển dâng cao và suy giảm nguồn nước từ thượng nguồn, thêm vào đó là nhu cầu về nước sản xuất và sinh hoạt tăng mạnh.
Vì vậy, hiện tượng xâm nhập mặn ở đây trở nên gay gắt hơn. Đặc biệt là ở các tỉnh Tiền Giang, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu và Cà Mau… Đây cũng chính là những khu vực khan hiếm nguồn nước ngầm nhất so với toàn vùng.
Suy thoái tài nguyên nước
Theo phân tích của các nhà khoa học Bộ Tài nguyên và Môi trường, tài nguyên nước ở Đồng bằng sông Cửu Long đang trên đà suy thoái do tác động của biến đổi khí hậu toàn cầu và con người gây ra.
Đánh giá của Tổ chức Quỹ bảo vệ thiên nhiên Thế giới (WWF) đã chỉ ra rằng, trong số 5 con sông lớn đang cạn kiệt ở Châu Á có sông Mekong chảy qua Việt Nam. Ước tính trong giai đoạn tới, lưu lượng dòng chảy của sông Mekong về Đồng bằng sông Cửu Long từ 2.000m3/s sẽ suy giảm còn khoảng 1.000m3/s.
Ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, nhiệt độ tăng, lượng mưa bất thường dẫn đến nguồn nước ở Đồng bằng sông Cửu Long bị suy giảm và ô nhiễm hơn. Nhiều giếng khoan, giếng đào bị ngập hoặc khô cạn. Nước ngập còn làm nhiễm bẩn nguồn nước dưới đất thông qua các giếng khoan và giếng đào bị hư hỏng.
Lũ ngập tại các khu dân cư vùng trũng thấp lan truyền chất thải ra mọi nguồn nước, nên tình trạng nước bị ô nhiễm càng phổ biến hơn. Buộc các địa phương chuyển sang sử dụng nước ngầm làm cho nguồn nước này nhanh chóng bị suy kiệt.
Biến đổi khí hậu làm tăng nhiệt độ, tăng khả năng bốc hơi, làm giảm lượng nước mặt và nước ngầm tầng nông tạo điều kiện cho xâm nhập mặn lấn sâu thêm vào các tầng nước ngọt.
Đề xuất các giải pháp
Qua nghiên cứu về sự thiếu hụt nguồn nước nông thôn ở Đồng bằng sông Cửu Long, ông Lê Anh Tuấn, Viện Chiến lược chính sách và phát triển đã đề xuất một số giải pháp khắc phục. Trong đó giải pháp cần thực hiện ngay là nâng cao công suất và hiệu quả sử dụng của các trạm cấp nước hiện có ở khu vực này. Đầu tư thêm đường ống dẫn nước để đưa nước sạch đến từng hộ gia đình.
Về lâu dài, cần huy động nguồn vốn của cộng đồng, xã hội và người dân để xây dựng thêm các trạm cấp nước, nhà vệ sinh an toàn, sử dụng hầm Biogas trong chăn nuôi… nhằm bảo vệ nguồn nước, góp phần hạn chế sử dụng nguồn nước ngầm, vừa bảo vệ được kết cấu địa chất.
Nhằm cấp nước cho vùng nông thôn vùng Đồng bằng sông Cửu Long giai đoạn đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 trong điều kiện biến đổi khí hậu gia tăng.
Đối với những vùng có nguồn nước bị nhiễm mặn, cần phải xây dựng các trạm cấp nước tập trung liên xã, liên vùng bằng cách khai thác từ nguồn nước mặt được ngọt hóa, thay thế nguồn nước ngầm chất lượng kém.
Đối với vùng không có nguồn nước ngầm, nguồn nước mặt không ổn định và bị nhiễm mặn từng thời kỳ, nên áp dụng giải pháp khai thác nước mặt và sử dụng hồ điều hòa trữ nước ngọt. Riêng những nơi cả nước ngầm và nước ngọt đều nhiễm mặn, sẽ xây dựng công trình cấp nước tập trung quy mô lớn khai thác nước mặt từ xa.
Đồng thời phát triển các công trình cấp nước tập trung cho vùng ngập lũ. Những công trình này phải được xây trên cốt ngập lũ, đi đôi với việc cải tạo, nâng cốt các trạm cấp nước hiện có bảo đảm hoạt động cấp nước liên tục trong thời gian ngập lũ.
Những hộ sử dụng nước mặt ở vùng này được ưu tiên cung cấp chất khử trùng, hướng dẫn biện pháp quản lý chất lượng nước đảm bảo tiêu chuẩn…