“Nóng” tình trạng khai thác thiếc trái phép trong rừng phòng hộ Sông Tranh

ThienNhien.Net – Từ năm 2011 đến nay, tình trạng khai thác quặng thiếc trái phép tại rừng phòng hộ (RPH) Sông Tranh (khu vực giáp ranh các xã: Trà Giang, Trà Sơn, Trà Tân, Trà Giác của H. Bắc Trà My, Quảng Nam) diễn ra nghiêm trọng nhưng chính quyền địa phương “không đủ sức” ngăn chặn. Trước tình hình đó, UBND H. Bắc Trà My đã có văn bản “cầu cứu” UBND tỉnh Quảng Nam chỉ đạo các ngành chức năng của tỉnh cử lực lượng hỗ trợ địa phương, chốt giữ các khu vực có khai thác quặng thiếc trái phép nói trên…

Triệt mộc, xới thổ… bòn thiếc

Để vào đến khu vực “thiếc tặc” đang hoành hành, từ TT Trà My (H. Bắc Trà My), chúng tôi phải mất gần 2 giờ chạy xe máy dọc sông Trường. Thấy chúng tôi ghi hình ở dòng sông, ông Lê Xuân Lộc (trú xã Trà Tân) than vãn: Mấy năm nay họ làm thiếc ở đầu nguồn nhiều quá, đất đá chảy hết xuống sông gây bồi lấp. Nguồn nước sinh hoạt của người dân ở đây cũng bị ảnh hưởng nặng nề… Để tiếp cận được “đại bản doanh” của “thiếc tặc”, chúng tôi phải lội bộ gần 30 phút từ dưới chân núi lên phía đỉnh.

12032015_khaithacthiectraiphep
Rừng phòng hộ bị tàn phá do “thiếc tặc” gây nên. (Ảnh: Công an TP Đà Nẵng)

Tại hiện trường, bãi thiếc Đá Bàng (giáp ranh giữa xã Trà Sơn và Trà Giác), chúng tôi chứng kiến cảnh cây cối bị trốc gốc, mặt đất đầy hầm hố, lở loét chẳng khác nào bị bom cày đạn xới. Dù biết có người lạ xuất hiện, song những người khai thác quặng thiếc tại đây không hề dò xét, họ vẫn cặm cụi sục sạo vào lòng núi.

Qua quan sát, quy trình khai thác thiếc ở đây khá đơn giản, nhưng sức tàn phá môi trường thì khủng khiếp. Chỉ cần một máy nổ và ống dây nhựa, các đối tượng dẫn nước từ trên cao về, mở tối đa công suất của máy để tạo áp lực nước cực mạnh bắn xối xả vào các ngách hầm có quặng thiếc lẫn trong đất. Những vòi súng bắn nước đó chĩa tới đâu, lòng đất bị xói lở cuốn đất đá lẫn quặng thiết trôi xuống đường máng được dựng sẵn. Do quặng thiếc nặng hơn nên lắng lại trong máng và được các đối tượng thu gom vào bao tải chờ đi tiêu thụ.

Theo một cán bộ huyện cho biết, một lon thiếc hiện bán ra thị trường khoảng 200 nghìn đồng. Mỗi ngày một lao động nếu khai thác tốt có thể thu gom được 10 lon thiếc. Chính vì số tiền kiếm được từ việc khai thác quặng thiếc trái phép này mang lại mà rất nhiều lao động khắp nơi đổ xô về khu vực RPH Sông Tranh vơ vét tài nguyên…

Quặng thiếc được tập kết tại một bãi khai thác trái phép trong RPH Sông Tranh. (Ảnh: Công an TP Đà Nẵng)
Quặng thiếc được tập kết tại một bãi khai thác trái phép trong RPH Sông Tranh. (Ảnh: Công an TP Đà Nẵng)

Chính quyền huyện “kiệt sức”?

Để ngăn chặn tình trạng trên, từ năm 2011-2014, các lực lượng chức năng của H. Bắc Trà My đã phối hợp với chính quyền các xã Trà Tân, Trà Giang, Trà Sơn, Trà Giác tổ chức cả trăm đợt kiểm tra, truy quét “thiếc tặc”. Qua đó, đẩy đuổi ra khỏi địa bàn hơn 190 đối tượng; phá hủy 175 lán trại, gần 11.900m2 bạt, gần 2.000 mương dẫn nước, hơn 68.000m ống dây dẫn nước, 8 máy phát điện, 44 đập chứa nước có dung tích khoảng 1.300m3…  Ngoài ra, để tăng cường công tác quản lý Nhà nước, UBND H. Bắc Trà My chỉ đạo chính quyền 4 xã trên lên danh sách các đối tượng có dấu hiệu liên quan đến hoạt động khai thác, vận chuyển, mua bán quặng thiếc trái phép để quản lý, giáo dục và viết cam kết không tiếp tay cho “thiếc tặc” trên địa bàn.

Song, tình trạng khai thác thiếc trái phép vẫn nằm… ngoài tầm kiểm soát của chính quyền cấp xã lẫn huyện. Từ thực trạng trên, UBND H. Bắc Trà My đã có văn bản gửi UBND tỉnh Quảng Nam thừa nhận thực trạng tàn phá môi trường lấy quặng thiếc rất phức tạp. Theo đó UBND H. Bắc Trà My đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các ngành chức năng của tỉnh cử lực lượng hỗ trợ công tác chốt giữ các khu vực quặng thiếc trên địa bàn huyện, gắn với thực hiện các chế độ, chính sách liên quan cho lực lượng được cử chốt giữ. Giúp các cơ quan chức năng của huyện trong việc theo dõi, điều tra, xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển, mua bán quặng thiếc trái phép.

Đặc biệt, để tiến tới chấm dứt tình trạng khai thác quặng thiếc trái phép, tránh thất thoát tài nguyên và ô nhiễm môi trường, UBND H. Bắc Trà My đề nghị UBND tỉnh Quảng Nam tiếp tục nghiên cứu, kiến nghị Bộ TN&MT cho phép các tổ chức, doanh nghiệp đủ điều kiện lập đầy đủ các thủ tục theo quy định để tiến hành thăm dò, khai thác và chế biến sâu quặng thiếc. Mong rằng những giải pháp, kiến nghị trên của H. Bắc Trà My sẽ được UBND tỉnh Quảng Nam can thiệp kịp thời để RPH Sông Tranh không còn bị “móc ruột”, nguồn tài nguyên không bị thất thoát.