ThienNhien.Net – Nước đen ứ đọng từ năm này qua năm khác, nước tràn vào nhà, nước ngập lối đi, mùi hôi thối xộc vào từng mâm cơm và người dân phải xếp gạch, bắc cầu để di chuyển ngay trong khu sân chung của tập thể. Đó là thực trạng mà 12 hộ dân ở số nhà 146 Quán Thánh đang phải gánh chịu, dù đã “cầu cứu” nhiều nơi.
Hai năm không có Tết
Số nhà 146 Quán Thánh trước đây là khu biệt thự cổ do Pháp xây dựng cả trăm năm nay. Sau này, được chia thành nhiều hộ gia đình cùng sinh sống. Nhưng từ tháng 7.2013 đến nay, 12 hộ dân tại số nhà phải sống trong cảnh ô nhiễm trầm trọng do đường thoát nước thải sinh hoạt của khu dân cư chảy ra hệ thống thoát nước ở phố Đặng Dung, không hiểu vì sao, bị một hộ dân khác vô cớ chặn lại. Nước thải sinh hoạt của 60 con người cộng với nước mưa khiến cả khu dân cư thường xuyên ngập ngụa trong nước thải.
Cụ Nguyễn Thị Tư (86 tuổi) cho biết: “Tôi đã sống ở đây 60 năm rồi mà chưa bao giờ thấy khu này ngập nước cả. Từ ngày có hộ gia đình kia chuyển về, họ chặn không cho nước thải chảy ra nên tất cả nước sinh hoạt ứ lại, dềnh lên lênh láng như thế này. Người lớn đã khổ, nhưng người già và trẻ em còn khổ gấp bội. Khu này cũng nhiều người mắc bệnh về đường hô hấp. Đã 2 năm nay chúng tôi không có tết rồi”. Bất kể mưa hay nắng, “bể nước thải lộ thiên” này luôn khiến cuộc sống của 60 con người lao đao. “Trời nắng thì mùi hôi thối nồng nặc, xộc lên tận đỉnh đầu. Trời mưa thì ngập ngụa, nước đen ngòm, ruồi muỗi nhiều vô kể” – cụ Tư cho biết thêm.
Trước thực trạng này, những hộ dân sống tại đây đã phải dùng nhiều biện pháp tạm thời như bắc cầu gỗ, xếp gạch để lấy lối đi lại. Vào những ngày mưa to, nước ngập ra tận ngõ, tràn vào nhà dân, khiến nhà nào cũng phải xây thêm một bức “chắn sóng” ngay trước cửa. Anh Nguyễn Đình Tuấn – một người sống trong khu dân cư dẫn phóng viên đi “thực địa” – bức xúc: “Tôi vừa phải đổ 10kg bột khử khuẩn xuống, nếu không nước đen ngòm, hôi thối không thể chịu được. Nếu nhìn kỹ, có thể thấy xác bọ gậy nổi đầy mặt nước. Cũng chính vì luôn trong tình trạng ứ đọng, nên nhiều hộ gia đình đã phải đan lưới chắn cửa để ngăn muỗi, côn trùng”.
Kêu cứu trong vô vọng
Theo các hộ dân tại đây, cả khu dân cư chỉ có một đường ống thoát nước chạy từ sân chung dưới nền nhà của 3 gia đình, rồi đổ thẳng vào cống thoát nước lớn ở phố Đặng Dung. Cô Trần Thị Oanh – một người dân sống trong khu dân cư – cho biết: “Khi phát hiện tình trạng nước ứ đọng, mọi người cũng đã cố gắng để tìm nguyên nhân. Và chúng tôi xác định được hộ ông Nguyễn Xuân Minh đã chặn dòng, không cho nước thải sinh hoạt chảy qua. Tổ dân cư đã nhiều lần làm việc với hộ ông Minh nhưng không có kết quả. Chúng tôi cũng đã gửi hàng chục lá đơn lên UBND phường Quán Thánh và quận Ba Đình đề nghị kiểm tra, xử lý và UBND phường đã cử cán bộ về làm việc, nhưng gặp phải sự kháng cự quyết liệt của ông Minh nên mọi việc vẫn giậm chân tại chỗ”. Cũng theo cô Oanh, trong cuộc tiếp xúc cử tri mới đây của thành phố, người dân khu dân cư đã phản ánh tình trạng này, nhưng lãnh đạo thành phố khẳng định chưa nhận được báo cáo từ quận Ba Đình. PV Báo Lao Động đã cố gắng tiếp xúc với ông Minh nhưng không có kết quả.
Sau gần 2 năm cầu cứu mà không được giải quyết, người dân tự phải tìm “đường sống” cho mình. Nhiều hộ đã bỏ nhà cửa để đưa cả gia đình đi sơ tán nơi khác vì không thể chịu được bầu không khí ngập ngụa mùi xú uế cùng những lo ngại về sức khoẻ. “Dù chúng tôi đang sống ở trung tâm thành phố, nhưng khu này giờ chẳng khác gì nơi bị bỏ hoang. Nhiều hộ đã bỏ nhà cửa đi sơ tán nơi khác. Chúng tôi ở lại, cũng sống tạm bợ thế này thôi, không biết đến bao giờ mới thoát khỏi “kiếp nạn” này” – anh Tuấn ngao ngán.
Dựa vào đâu mà một hộ gia đình dám chặn lối thoát nước thải của 11 hộ dân còn lại? Tại sao bức xúc của 60 con người đang bị tước đi môi trường sống bình thường nhưng không được quan tâm? Nên chăng, chính quyền địa phương cần vào cuộc sớm để ổn định môi trường sống cho những hộ dân trong khu vực này?