Tiếng gọi nơi hoang dã (Kỳ cuối)

* Kỳ cuối:  Gian nan bảo vệ “sách đỏ” 

ThienNhien.Net –  Để góp phần giữ “sách đỏ”, thời gian qua, Chi cục KL TP Đà Nẵng đã thường xuyên thực hiện kiểm tra tại một số nhà hàng có dấu hiệu kinh doanh các sản phẩm từ động vật hoang dã trên địa bàn, đồng thời yêu cầu chủ nhà hàng ký cam kết không có hành vi đưa các loài động vật quý hiếm lên bàn nhậu. Ông Lê Văn Nhì – Phó Chi cục trưởng Chi cục KL TP cho hay, Chi cục thường xuyên chỉ đạo các Hạt KL quận, huyện kiểm tra việc thực hiện các cam kết đã được ký của các nhà hàng trên địa bàn mình phụ trách, đồng thời tổ chức lực lượng tuần tra tại các khu rừng bảo tồn, rừng có động vật thuộc diện cần được bảo vệ để hạn chế việc săn bắt, đặt bẫy.

Trong hoạt động phối hợp, cơ quan KL cũng đã cùng lực lượng Cảnh sát Môi trường CATP Đà Nẵng kiểm tra đột xuất các nhà hàng, qua đó phát hiện và xử lý rất nhiều trường hợp có hành vi tàng trữ, “xẻ thịt” những con vật mà đáng ra cần được bảo vệ vì đang có nguy cơ tuyệt chủng. Tuy nhiên, theo cơ quan chức năng thì các hoạt động kiểm tra, xử lý cũng như “nước đổ lá khoai” vì các đối tượng săn bắt, tàng trữ, sử dụng động vật hoang dã là hết sức tinh vi nên không dễ bắt tận tay, day tận trán để đưa ra xử lý một cách triệt để. “Khác với thời gian trước đây, bây giờ các chủ nhà hàng thường không để sản phẩm động vật hoang dã tại quán. Chỉ khi nào có khách hàng gọi món thì họ mới điện thoại đến nơi cất giữ mang ra chế biến. Dù nghi vấn người ta có kinh doanh sản phẩm được chế biến từ các loài động vật cần được bảo vệ nhưng khi kiểm tra không phát hiện thì cũng chẳng có căn cứ xử lý. Vì vậy, số vụ phát hiện, bắt quả tang là không nhiều so với thực tế đang diễn ra” – ông Lê Văn Nhì cho biết.

10032015_tienggoinoihoangda4
Trong đợt kiểm tra mới đây, Chi cục KL phối hợp với Cảnh sát Môi trường CATP Đà Nẵng phát hiện các nhà hàng chứa 35kg cá sống cùng 20kg thịt động vật hoang dã. (Ảnh: Công an TP Đà Nẵng)

 

Theo Nghị định 157 quy định xử phạt vi phạm hành chính về quản lý rừng, phát triển rừng, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản thì các mức xử phạt hành vi vi phạm là rất cao, thậm chí có mức lên tới 500 triệu đồng nhưng trong thực tế thì các mức phạt cao không nhiều. Trong khi đó, theo Đại úy Nguyễn Minh Tuấn – Đội phó Đội 3, Phòng Cảnh sát Môi trường CATP Đà Nẵng, lực lượng CA có đủ thẩm quyền để xử lý hành vi buôn bán, tàng trữ trái phép động vật hoang dã hoặc sử dụng các sản phẩm của chúng nhưng do không được đào tạo về chuyên môn như xác định loài, nhóm, nguy cơ… của động vật hoang dã nên hầu hết chỉ dừng lại ở việc lập biên bản và xử lý ban đầu. Sau đó đều phải chuyển cho cơ quan KL xử lý tiếp theo. “Cảnh sát Môi trường có thể khởi tố vụ án đối với các hành vi này nhưng chỉ dừng lại ở đây mà không thể theo hết vụ việc. Hồ sơ đều phải chuyển qua cơ quan chức năng có chuyên môn. Những bất cập, khó khăn này chúng tôi cũng đã kiến nghị với Cục KL nhưng chắc chắn là chưa thể khắc phục được” – Đại úy Nguyễn Minh Tuấn cho hay.

Việc xử lý hành vi buôn bán, tàng trữ, sử dụng sản phẩm động vật hoang dã đã khó, để bắt quả tang việc săn bắt, đặt bẫy của các “sát thủ rừng xanh” lại càng gian nan. Chỉ 2 đợt tuần tra tại KBTTN Sơn Trà, lực lượng KL đã tháo dỡ tới 739 dây bẫy được giăng ra khắp nơi nhưng từ trước tới nay lực lượng này chưa thể xử lý được một người đặt bẫy nào. Mới đây, Hạt KL Sơn Trà – Ngũ Hành Sơn đã bắt được 2 đối tượng sử dụng dây phanh xe đạp để bẫy thú nhưng một người thừa nhận hành vi thì chưa bẫy được, người còn lại khi được cơ quan chức năng triệu tập làm việc thì lặn mất tăm. “Hành vi đặt bẫy chủ yếu xảy ra tại KBTTN Sơn Trà. Vì ở đây các loài động vật sống tập trung ở một khu vực, không thể di chuyển ra các phía nên các đối tượng dễ dàng quây bẫy. Thú thì dễ bắt nhưng người thì khó tìm vì họ thường sát thú vào thời điểm nửa đêm, rạng sáng. Lần đầu phát hiện được 2 đối tượng liên quan thì đến nay cũng chưa xử lý được” – ông Lê Văn Nhì cho hay.

Trong Chuyên án 113.M, mới đây Cảnh sát Môi trường CATP Đà Nẵng phát hiện một nhà hàng tại xã Hòa Sơn, H. Hòa Vang chứa 58 cá thể động vật hoang dã có khối lượng 515,9kg gồm khỉ mặt đỏ, khỉ vàng, cầy giông. (Ảnh: Công an TP Đà Nẵng)
Trong Chuyên án 113.M, mới đây Cảnh sát Môi trường CATP Đà Nẵng phát hiện một nhà hàng tại xã Hòa Sơn, H. Hòa Vang chứa 58 cá thể động vật hoang dã có khối lượng 515,9kg gồm khỉ mặt đỏ, khỉ vàng, cầy giông. (Ảnh: Công an TP Đà Nẵng)

Theo Phó trưởng phòng Quản lý bảo vệ rừng, bảo tồn thiên nhiên thuộc Chi cục KL Đà Nẵng, ông Nguyễn Mạnh Tiến cho biết, với nhiều hình thức tuyên truyền cũng như triển khai các đợt kiểm tra, xử lý thì tình trạng buôn bán trái phép động vật hoang dã trong thời gian vừa qua giảm đáng kể. Cạnh đó, do nhận thức của người dân được nâng cao nên việc sử dụng các sản phẩm từ các loài động vật cần được bảo vệ cũng ít dần. Chính vì vậy, các nhà hàng chuyên xẻ thịt thú quý làm mồi nhậu cũng ít hơn trước. Tuy nhiên, số còn lại lén lút hoạt động lại có những thủ đoạn rất tinh vi. Biết là nhà hàng có bán thịt rừng đó, nhiều khi đoàn kiểm tra đến thấy lồng nhốt động vật hoang dã nằm đó nhưng không thấy tang vật ở đâu nên có muốn xử lý cũng chịu. Các hành vi như in món ăn thú rừng lên thực đơn, quảng cáo ở biển hiệu thì chỉ xử lý hành chính, thường thì khoảng 5 triệu đồng. Để xử lý hình sự một vụ việc liên quan đến kinh doanh, buôn bán động vật hoang dã là rất khó. “Xử lý hành chính thì nhiều nhưng xử lý hình sự thì từ năm 2010 đến nay mới có 2 vụ. Mà muốn làm được điều này phải đưa mẫu đi giám định ở Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật xem cá thể động vật đó thuộc loài gì, nhóm nào… Việc này không đơn giản” – ông Tiến nói.

Nhiều người thường săn cho được thịt rừng để ăn xả xui, cầu may, khẳng định đẳng cấp chơi hàng độc, thậm chí cho rằng loài nào càng quý hiếm thì càng tăng thêm “bản lĩnh phái mạnh”. Nhưng cũng nhiều người cho rằng chỉ những kẻ máu lạnh mới nhẫn tâm nhìn người ta chặt đầu con khỉ lấy óc, cứa cổ con voọc lấy huyết, phanh thây con cu li, con chồn hương để làm mồi mà ăn uống. “Anh có thấy con khỉ, con voọc có bộ mặt giống con người không? Tàn ác lắm, nhẫn tâm lắm mới làm được những việc như vậy. Chưa nói việc động vật hoang dã, đặc biệt là các loài linh trưởng mang rất nhiều mầm bệnh nguy hiểm. Chính người săn, người dùng chúng vốn đã mang một căn bệnh rất nan y rồi. Đó là bệnh vô cảm” – một cán bộ KL lâu năm tâm sự.

Kỳ 1: Những con thú hút chết

Kỳ 2: Lột da xẻ thịt – Ám ảnh ngọn cây cong